Trong ngày, 51% phụ nữ thường cảm thấy thiếu năng lượng và mệt mỏi. Đâu là lý do khiến nguồn năng lượng ở mức báo động và các giải pháp hồi phục chúng?
Một tuần mới lại bắt đầu. Bạn có bao giờ tự hỏi, vì sao sáng thứ Hai khiến mình cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường? Lý do gây nên cơn căng thẳng có thể khiến bạn bất ngờ. Hãy cùng Harper’s Bazaar điểm danh qua 10 lý do gây mệt mỏi ít ai để ý đến, cùng cách khắc phục.
1. Mệt mỏi vì luôn thách thức bản thân
Giải pháp: Học cách nói “Không”
Nhà tâm lý học Kristina Downing-Orr cho biết phụ nữ hiện đại dễ vướng vào guồng quay thành tích và xây dựng quan hệ xã hội trên các trang cá nhân như Facebook, Twitter. Đó là lý do khiến họ kiệt sức. Vì thế, trước khi quyết định đón nhận các thử nghiệm mới, hãy tự hỏi: “Tôi có thể làm không?” và “Tôi có thực sự muốn làm không?”. Nếu câu trả lời là “Không”, tốt nhất bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi.
2. Mất nước
Giải pháp: Uống nước dừa
Cơ thể thiếu nước có thể dẫn đến tình trạng thiếu tập trung, mệt mỏi, chóng mặt và buồn nôn. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước là do bạn tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều muối. Muốn biết lượng nước cơ thể cần, bạn chỉ cần chia trọng lượng cơ thể (ở kilogram) cho 30. Con số này sẽ tượng trưng cho số lít nước bạn cần uống trong một ngày.
Bên cạnh nước lọc, bạn có thể uống trà thảo mộc. Trà thảo mộc chứa khá nhiều chất chống ôxy hóa, làm đẹp da và có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng nước dừa. Do chứa nhiều chất điện giải, nước dừa rất cần cho cơ thể để lấy lại năng lượng.
3. Chế độ ăn thiếu thịt
Giải pháp: Bổ sung viên sắt
Khi cảm thấy mệt mỏi, hãy kiểm tra lượng sắt trong máu. Nhất là nếu bạn đang chọn chế độ ăn chay hoặc ăn kiêng, giảm lượng thực phẩm từ thịt và sữa trong bữa ăn hàng ngày.
Ngoài việc bổ sung viên sắt, bạn có thể dùng thêm các loại thực phẩm như cá ngừ, yến mạch, lúa mạch, các loại đậu… Ngoài ra, bạn nên bổ sung thêm vitamin C để nâng cao khả năng hấp thụ sắt cho cơ thể.
4. Làm nhiều việc cùng lúc
Giải pháp: Tăng thời gian thư giãn
Cuộc sống hiện đại, bận rộn khiến bạn phải làm nhiều việc cùng một thời điểm. Tuy nhiên, vừa đọc e-mail, nhắn tin điện thoại vừa tập các động tác thể dục có thể không mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe như bạn nghĩ. Trái lại, chúng sẽ kích thích quá mức hệ thống dopamine ở não bộ.
Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hưng phấn. Nhưng lại rất dễ bị cạn kiệt. Một khi lượng dopamine giảm xuống mức thấp, bạn sẽ mất tập trung, dễ xuống tinh thần, thậm chí buồn bã, chán nản. Bạn có thể cân bằng lượng dopamine bằng các hoạt động nhẹ nhàng như làm vườn, tập thiền hay đi bộ đường dài.
5. Tuyến giáp hoạt động kém
Giải pháp: Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nếu tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, bạn sẽ dễ mệt mỏi, tăng cân và hay thay đổi trạng thái thất thường. Vì thế, hãy kiểm tra lượng hormone tuyến giáp trong máu khi có các dấu hiệu trên. Bạn có thể dùng thuốc hỗ trợ như hormone thyroxine tổng hợp để lấy lại nguồn năng lượng trong vòng một tháng.
6. Thức khuya
Giải pháp: Lệnh giới nghiêm trước giờ đi ngủ
Khi phải thức khuya làm việc trên laptop, những hình ảnh sáng trên màn hình sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ bởi chúng khiến cơ thể bạn luôn ở trạng thái báo động. Ngoài ra, ánh sáng màn hình còn gây bất lợi đến việc sản sinh các melatonin, hormone có công dụng điều trị chứng mệt mỏi. Để ngủ ngon, trước khi lên giường, bạn nên tắt đèn và tránh xa điện thoại và laptop ít nhất nửa tiếng.
7. Quá tải với các thiết bị công nghệ
Giải pháp: Hạn chế lạm dụng điện thoại
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng sóng điện từ phát ra từ các thiết bị như điện thoại bàn, di động, máy phát sóng wi-fi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tuyến giáp trạng cũng như việc sản sinh hormone melatonin có lợi cho sức khỏe. Bạn có thể khắc phục bằng cách đặt các vật dụng phát sóng điện từ ra khỏi phòng ngủ mỗi khi bạn cảm thấy khó ngủ và mệt mỏi.
8. Mắc bệnh Coeliac (không dung nạp gluten)
Giải pháp: Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Một trên 100 người tại Anh mắc bệnh coeliac khiến cơ thể không dung nạp gluten, chất đạm có trong lúa mì, yến mạch… Do vậy, khi cảm thấy cơ thể thiếu năng lượng cũng như các triệu chứng về tiêu hóa, hãy thử kiểm tra để xem liệu cơ thể bạn đã hấp thu đầy đủ dinh dưỡng chưa. Nếu không điều trị sớm, lâu ngày bệnh coeliac sẽ dẫn đến chứng vô sinh và loãng xương.
9. Dùng nhiều thức uống chứa cồn
Giải pháp: Bổ sung vitamin C
Gặp gỡ, ăn tối cùng các đối tác thường đòi hỏi bạn phải nhấp vài ly. Khi mới uống, thức uống chứa cồn có thể tạo cảm giác hưng phấn và thư giãn bởi chúng làm gia tăng lượng a-xít gamma amino butyric giúp giảm stress. Thế nhưng, nếu lặp đi lặp lại việc kích thích với thức uống có cồn, não bộ sẽ dần phụ thuộc vào chúng. Điều đó khiến bạn căng thẳng và mất ngủ mỗi khi dùng bia rượu trước giờ ngủ.
Hãy uống 1.000mg vitamin C mỗi ngày để điều tiết thói quen không có lợi này và uống thêm nhiều sữa để giải độc cho gan.
10. Vi khuẩn có hại
Giải pháp: Ăn nhiều tỏi và sữa chua
Các vi khuẩn có hại trong ruột phát triển quá mức sẽ dẫn đến bệnh nấm candida, gây ra chứng mệt mỏi và lở miệng. Phòng ngừa bằng những thực phẩm chống nấm như tỏi và hành tây. Đừng quên tăng cường lượng vi khuẩn có lợi bằng cách bổ sung prebiotic như tỏi tây, măng tây hay sữa chua.
Nguồn: Harper’s Bazaar