Trang chủ Nhà ở 10 máy lọc không khí bằng cây xanh cho nhà bạn

10 máy lọc không khí bằng cây xanh cho nhà bạn

371
0
Chia sẻ

Chỉ cần đặt đôi ba chậu kiểng từ danh mục 10 loại cây xanh sau đây, bạn sẽ có không gian sống trong lành, chất lượng hơn, đặc biệt đối với nhà ở đô thị ô nhiễm khói bụi.  

Cây dương xỉ – “máy lọc khí” hàng đầu

Dương xỉ được biết đến là một trong những giống cây xanh làm sạch không khí rất hữu hiệu. Dương xỉ được nhiều người chọn trồng trong nhà nhờ tính năng khử được formaldehyde và xylene – những loại hợp chất độc hại có thể gây ung thư, nhiễm độc.

Dương xỉ ưa ẩm ướt, dễ trồng, nhưng khi đưa từ ngoài thiên nhiên vào trong nhà, nên đặt cây gần cửa sổ, ban công tiếp xúc với ánh sáng. Vào mùa mưa lạnh, dương xỉ phát triển nhanh nên tỉa bớt lá, để sang mùa nắng nóng, cây trổ lá mới.

Cây thường xuân – chuyên trị lọc nấm mốc và chất độc

Cây hấp thụ những chất hóa học có hại như benzen, phenol, aldehyde formic và ngăn chặn các chất gây ung thư như nicotin tỏa ra từ khói thuốc lá. Có nghiên cứu cho thấy trong vòng 6 giờ, cây loại bỏ tới 58% phân tử nấm mốc và 60% chất độc trong không khí.

Nên đem thường xuân đặt ra ngoài nắng lúc sáng sớm và đưa vào trong khi nắng gắt. Cây có thể quang hợp được dưới cả ánh sáng đèn huỳnh quang. Thường xuân ưa ẩm nhưng không nên tưới quá nhiều nước, chỉ cần giữ độ ẩm để cây không rụng lá.

Cây cọ cảnh – lọc cả tia phóng xạ

Theo NASA, cây cọ cảnh xếp thứ 3 trong những loại cây lọc không khí trong nhà. Các loại chất độc bay hơi, chất khí có hại như CO2, benzen và cả các tia phóng xạ từ các thiết bị điện tử đều bị cây cọ cảnh thanh lọc. Loài cây này còn có khả năng xua đuổi ruồi muỗi, côn trùng.

Trồng cọ cảnh trong nhà, văn phòng làm việc ít cửa sổ, đặt gần cửa ra vào để xua côn trùng gây hại, vừa có tính thẩm mỹ cao. Cọ ta hay cọ lùn là loại cây cọ cảnh được trồng phổ biến ở nước ta, sức sống tốt, trồng trong nhà hay ngoài trời đều phát triển khỏe mạnh.

Cây lưỡi hổ – hấp thụ đến 107 loại khí độc

Còn được biết với tên gọi là cây lưỡi cọp, cây hổ vĩ mép lá vàng, có khả năng hấp thụ đến 107 loại khí độc. Cây có thể hút được formaldehyde 0,938 gram/h, hút cả các độc tố gây ung thư như formaldehyde, nitrogen oxide.

Phòng nhỏ chỉ cần đặt một chậu cây lưỡi hổ gồm 4 lá đã có thể giúp không gian thoáng sạch. Cây lưỡi hổ chịu hạn rất tốt, có thể sống trong điều kiện thiếu ánh sáng, không gian hẹp.

Cây vạn niên thanh – dĩ độc trị độc

Trong lá loại cây này có chứa độc tính có thể gây ảnh hưởng đến trẻ em hoặc vật nuôi trong trường hợp nuốt phải. Tuy nhiên, vạn niên thanh có khả năng lọc chất formaldehyde, benzen…, giúp không gian nhà ở trong lành.

Vạn niên thanh dễ gây nhầm lẫn với cây trầu bà do hai loại cây này rất giống nhau. Cây trầu bà còn được gọi là vạn niên thanh leo, là một dạng thân leo, mềm, còn vạn niên thanh dạng thân cứng cáp hơn.

Cây tuyết tùng – giảm chứng đau đầu

Cây có khả năng lọc khí rất tốt, mang lại bầu không khí trong lành, êm dịu cho môi trường. Có thông tin cho rằng loại cây này còn giúp giảm triệu chứng đau đầu, đau nửa đầu.

Cây tuyết tùng thuộc họ thông, ưa sáng, nên đặt gần cửa sổ, lối ra vào hay sân vườn. Cây chịu được hạn khá tốt nhưng không chịu được ngập úng, nên chỉ cần tưới cây tuần 2-3 lần. Tránh để gần bếp, nhà vệ sinh cây dễ bị héo lá, đen lá.

Cây nha đam – cảnh báo không khí xấu

Cây nha đam (lô hội) thường được biết đến với chức năng làm đẹp, làm thực phẩm và dược phẩm nhưng làm sạch không khí thì ít người biết đến. Khi tiếp xúc với lượng chất gây hại cao, lá cây nha đam xuất hiện những đốm nâu nhỏ giúp nhận biết tình trạng không khí.

Có tới hơn 250 loài lô hội trên thế giới, bạn nên chọn giống Aloe Barbadensis lá dài, bẹ to nặng ký và nhiều gai nhọn trên cạnh lá, phía sau lá có lớp phấn trắng. Đây là giống nha đam được mọi người ưa trồng vì có năng suất và dễ trồng. Cây nha đam có thể trồng dưới bóng râm hay nắng gắt.

Cây lan ý – cân bằng bức xạ điện từ

Lan ý hấp thụ tốt các loại chất độc bay hơi trong không khí như benzen, xylene, toluene,… giúp không khí trong sạch. Cây còn có khả năng tiêu diệt nấm mốc, hấp thụ một phần và làm cân bằng mức độ các bức xạ điện từ, giảm tác hại của các chất phóng xạ lên cơ thể con người.

Cây lan ý trồng trong nước hay trên đất đều sinh trưởng tốt. Trồng lan ý bằng cách tách các bụi con ra từ cây mẹ là cách đơn giản nhất, miễn sao có ít nhất từ 3-4 thân để cây nhanh phục hồi và phát triển.

Cây cọ lá tre – hút chất độc từ nội thất

Loại cây này hút hết những chất độc như formaldehyde sinh ra từ đồ nội thất, vật dụng sơn mài. Cọ lá tre cũng hấp thụ được benzen, trichloroethylene giúp nhà ở trong lành hơn.

Cọ lá tre có dáng đẹp, thanh mảnh, phù hợp đặt trong nhà do ưa bóng râm. Chỉ cần chú ý tưới nước cho cây thường xuyên.

Cây ngũ gia bì – chống muỗi, khử mùi

Thân và lá ngũ gia bì tiết ra một hợp chất khiến muỗi tránh xa. Loại thực vật này có khả năng chống ô nhiễm, điều hòa khí hậu. Có thông tin cho rằng cây còn có tác dụng khử mùi khá tốt.

Ngũ gia bì là cây nội thất cao cấp, ưa khí hậu nóng ẩm, thích bóng râm, ánh nắng và có khả năng chịu được hạn. Cây có nhu cầu nước trung bình, có thể trồng bằng giâm cành.

Nguồn: Viet Build Forum