Các bậc cha mẹ cần ghi nhớ 3 “nguyên tắc vàng” sau đây để nuôi dạy con trở thành đứa trẻ biết lắng nghe và kiểm soát cảm xúc.
Đối với nhiều bậc cha mẹ, nuôi dạy một đứa trẻ biết lắng nghe, thấu hiểu chính là một trong những thử thách phải vượt qua. Khả năng lắng nghe không chỉ là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển đầu đời của trẻ, mà còn ảnh hưởng đến việc xây dựng các mối quan hệ, chinh phục thành công sự nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên, đôi khi con trẻ hoặc không thể, hoặc không muốn lắng nghe, dẫn đến khoảng cách trong mối quan hệ của phụ huynh và con cái. Theo chuyên gia nuôi dạy con cái Camilla Miller, có 3 “nguyên tắc vàng” cần nhớ để con biết lắng nghe, kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
1. Nói những gì quan sát được
Bước đầu tiên rất đơn giản: Hãy nói những gì bạn quan sát được.
Thay vì áp đặt phán đoán của bạn với hành vi của con, hãy kiềm chế phản ứng thái quá và nói đúng theo nghĩa đen những gì bạn thấy.
Chẳng hạn, bạn có thể nghĩ rằng con đang không biết chia sẻ nhưng thực tế chúng đang bận chơi. Tương tự, bạn có thể nghĩ rằng con đang tỏ thái độ với bạn, trong khi đó, trẻ lại đang rơi vào trạng thái thất vọng.
Miller nói: “Con cái cần cảm thấy được lắng nghe trước khi chúng có thể lắng nghe cha mẹ. Khi trẻ cảm thấy không được lắng nghe, chúng có cảm giác như cha mẹ đang gạt bỏ những mong muốn và nhu cầu của chúng”.
Điều đó không có nghĩa là bạn cần phải nhượng bộ những yêu cầu của con. Nhưng nó cho bạn cơ hội để đặt mình vào vị trí của trẻ và tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi của chúng.
Miller cho rằng: “Khi các bậc cha mẹ đưa ra một yêu cầu thường ít khi nhìn nhận những gì mà trẻ mong muốn. Hãy nhớ rằng, nếu bạn không quan tâm đến nhu cầu của con thì trẻ cũng không muốn lắng nghe bạn”.
2. Đưa ra một việc có thể thực hiện
Một khi bạn đã hiểu và thông cảm cho hành vi của con, bạn sẽ tìm ra giải pháp để giúp đỡ con. Nếu trẻ đang thể hiện hành động bạn không thích, hãy giúp con chuyển nguồn năng lượng theo chiều hướng tích cực hơn.
Ví dụ, khi thấy trẻ nhún nhảy trên ghế sofa và bạn thấy việc đó nguy hiểm, hãy gợi ý con đến địa điểm khác như sàn nhà, tấm bạt lò xo để vui chơi. Hay khi con đòi mua một món đồ chơi mới không nhân dịp gì cả, hãy chỉ cho con cách tiết kiệm tiền tiêu vặt để đạt được thứ mình thích.
“Đó chính là việc xem xét nhu cầu đằng sau hành vi và giúp con đáp ứng nhu cầu đó theo cách mà cha mẹ có thể chấp nhận được”, vị chuyên gia cho hay.
3. Nhìn nhận cảm xúc bên trong
Khi bạn xác định rõ tình hình và đạt được thỏa hiệp, hãy kết thúc cuộc thảo luận bằng cách nêu bật điểm mạnh mà con đã thể hiện. Tuy nhiên, hãy để con trở thành tâm điểm, thay vì nói: “Cha/mẹ rất vui vì con đã làm điều đó”, bạn nên nói: “Con thật tuyệt vời, con đã biết cách tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề rồi đó”.
Bằng cách đó, con sẽ nhận ra mình là người tham gia tích cực vào tình huống và là người có khả năng đưa ra quyết định mạnh mẽ. Những điều này có nhiều khả năng được lặp lại theo thời gian.
Miller nói: “Bằng cách nhìn nhận vào cảm xúc của con sẽ giúp trẻ củng cố những hành vi tích cực và xây dựng lòng tự trọng”.
Thay đổi phản ứng
Theo Miller, ngôn ngữ, kỹ năng lắng nghe cũng có thể áp dụng cho thanh thiếu niên, mối quan hệ đồng nghiệp, yêu đương… Việc thực sự lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của người khác cũng có thể giúp bạn trở thành người chu đáo, nhân ái hơn. “Cách nhanh nhất để thay đổi phản ứng chính là thay đổi cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ”.
Nguồn: Dân Trí