Trang chủ Tiêu dùng 4 cách để cai nghiện mua sắm

4 cách để cai nghiện mua sắm

390
0
Chia sẻ

Nếu từng phải hối hận vì trót mua một món đồ đắt tiền nhưng không phù hợp hoặc không thật sự cần thiết, bạn nên thử 4 cách sau.

Tạo một mối liên kết với tiền

Mỗi khi đắn đo muốn mua thứ gì, con người ta thường tự tranh cãi với bản thân. Đây thường là một quá trình khó khăn và kết quả như thế nào cũng ít khi khiến người ta hài lòng.

Theo Amanda Clayman, chuyên gia tâm lý đến từ Tập đoàn Tài chính Prudential, nếu thường xuyên gặp phải tình huống này, nó có nghĩa là bạn chưa có mối liên kết chặt chẽ với tiền và chưa thật sự hiểu mục đích của mình trong chi tiêu.

Bạn càng dành nhiều thời gian tự nhìn nhận về mục đích chi tiêu cá nhân của mình thì bạn sẽ càng dễ đưa ra quyết định khi mua sắm.

Phải có mục tiêu tiết kiệm

Carrie Rattle, Chủ tịch của Behavioral Cents, công ty chuyên về lĩnh vực huấn luyện tài chính, khuyên rằng bạn nên tự hình dung ra những mục tiêu tiết kiệm của mình. Chẳng hạn nếu bạn muốn tiết kiệm tiền để mua nhà thì hãy tưởng tượng đến cảnh bạn bước chân vào ngôi nhà mới của mình, bước lên nền gạch mới tinh và nhìn các con chơi đùa trong căn phòng khách rộng rãi.

Cho dù bạn nhìn vào một chiếc túi xách đắt tiền hay tấm vé tham dự một sự kiện mà bạn bè đề nghị, bạn sẽ có thể cảm thấy ít hào hứng hơn khi hình dung đến ngôi nhà mới của mình. Phải như vậy thì bạn mới có đủ quyết tâm theo sát mục tiêu của mình và tránh được những chi tiêu không cần thiết.

Ngưng chạy theo trend mạng xã hội

Các mạng xã hội Facebook hay Instagram luôn tràn ngập những hình ảnh hoàn hảo không tì vết. Đó là nơi bạn bè của bạn khoe ra những món đồ sang chảnh, những hình ảnh đẹp đẽ nhất. Điều đó dễ khiến bạn nghĩ rằng ai ai cũng đang sống cuộc sống xa hoa.

Chưa hết, mạng xã hội ngày nay còn là nơi tràn ngập những người ảnh hưởng với nhiệm vụ thuyết phục bạn mua sắm từ các nhãn hàng càng nhiều càng tốt.

Những thông điệp như thế không chỉ khiến bạn phí tiền của vào những thứ thừa thãi mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn.

Chỉ một bước đơn giản là unfollow những tài khoản hay page nào thường xuyên đăng quảng cáo hay khoe khoang đồ mới, bạn có thể dần cải thiện được tình hình tài chính.

Đặt ra những câu hỏi cho bản thân

Một cách hiệu quả để đưa ra những quyết định hợp lý là thật sự suy nghĩ kỹ về những hành vi mà bạn coi là hiển nhiên.

Những câu hỏi như: tôi có cần món đồ này không hay vì sao tôi phải đi đến cửa hàng này, tôi có cần mua nó ngay bây giờ hay không… sẽ giúp bạn kích thích suy nghĩ và cảm xúc.

Nếu trong quá trình tự hỏi và trả lời những câu hỏi này mà bạn phát sinh một cảm xúc tiêu cực thì đó rất có thể có nghĩa là bạn không nên mua món đồ mà bạn đang cân nhắc.

Nguồn: VnExpress