Vào thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang làm việc tại nhà, kéo theo sự thay đổi nhịp sống và lịch sinh hoạt hằng ngày. Một số người còn tranh thủ thời gian dư dả này để thử chế biến nhiều món ăn ngon. Và đúng như nhiều người lo ngại, chúng ta đang đứng trước khả năng tăng cân, tăng mỡ.
Nguyên nhân
1. Thay đổi hoạt động hằng ngày
Không phải đến cơ quan, di chuyển giữa các phòng ban, thậm chí là ra quán ăn,… Không còn những hoạt động gặp gỡ bạn bè, xem phim, vui chơi, tập luyện… Những hạn chế này khiến cơ thể bạn tiêu tốn ít năng lượng hơn.
2. Thay đổi chế độ ăn
Trong tủ đồ ăn dự trữ của bạn sẽ có những gói bánh, kẹo, khoai tây chiên,… rất giàu năng lượng. Các loại hạt, trái cây, thịt sấy khô dù rất cân bằng về dinh dưỡng, nhưng cũng chứa kha khá calories. Chưa kể đến những món ăn vặt có thể dễ dàng giao tận nhà chỉ sau vài phút gọi.
3. Thay đổi thói quen ăn uống
Không gian, môi trường là “tín hiệu” cho chúng ta biết những hoạt động khác nhau sẽ diễn ra. Ở công ty, bạn chỉ ăn uống ở khu bếp hay quầy cafe vào khung giờ nào đó. Còn khi ở nhà, những “tín hiệu” nghỉ ngơi, tự do, thoải mái vô tình khuyến khích bạn nghĩ đến việc ăn uống nhiều hơn.
Ngoài ra, thời gian dư dả quá nhiều cũng khiến bạn siêng nấu ăn và thử nghiệm những ăn ngon, mới lạ, hệ quả tất yếu là bạn ăn nhiều hơn.
4. Ăn do stress
Với nhiều người, ăn uống là cách lấp đầy sự trống rỗng do cảm xúc tiêu cực gây ra. Do đó, đối mặt với trạng thái căng thẳng tinh thần về tình hình dịch bệnh hoặc tài chính cá nhân có thể, họ sẽ có xu hướng tìm đến ăn uống để giải tỏa.
5. Không còn nỗi lo bị phán xét
Sẽ không còn những lời nhắc nhở “Sao thấy ăn hoài vậy” “Coi chừng món đó béo lắm nha” “Ly này là 45 phút chạy bộ đó”… Bạn thoải mái ăn bất cứ thứ gì bạn thích, bất cứ lúc nào bạn muốn, và vô tình ‘quá đà’.
Cách giải quyết
Việc di chuyển và hoạt động ít đi khiến cơ thể bạn tiêu tốn ít năng lượng hơn. Nếu vẫn giữ nguyên khẩu phần ăn như trước thì bạn sẽ nạp nhiều hơn lượng calories mà cơ thể cần. Do đó, bạn nên ăn ít hơn bình thường.
1. Chọn lựa thực phẩm phù hợp
Ưu tiên thực phẩm tươi, hoặc có thể chế biến tươi như các loại rau, củ, đậu và hạt ngũ cốc. Tránh sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn quá thường xuyên như mì tôm, xúc xích, bánh mì đóng gói. Những thực phẩm này vốn đã không cân bằng về dinh dưỡng (ít chất xơ, vitamin, khoáng chất, nhiều muối, và chất béo bão hòa,…) mà lại giàu năng lượng và ít tạo cảm giác no.
2. Ăn vặt một cách hợp lý
Có thể bạn đã tránh những gói khoai tây chiên, bánh kẹo nhiều đường và chất béo, nhưng những loại hạt, trái cây sấy khô cũng chứa rất nhiều năng lượng. Ví dụ, một nắm hạt điều rang chứa 100 calories tương đương một chén cơm trắng, mà bạn đâu chỉ dừng lại ở bấy nhiêu phải không?
Bạn có thể chuyển sang các loại trái cây như dưa hấu, dưa gang, ổi, táo vốn nhiều xơ, vitamin, ít calories, lại còn tạo cảm giác no và đằm bụng. Bạn không cần bỏ hoàn toàn những món ăn vặt ưa thích, hãy ăn có kiểm soát (ví dụ một buổi chỉ ăn 1 chén nhỏ hạt khô hoặc 1 chén vừa khoai tây chiên). Mọi loại thực phẩm đều tốt ở một lượng hợp lý.
3. Tạo thói quen ăn uống lành mạnh
Để tránh việc ăn không kiểm soát hoặc ăn để giải tỏa cảm xúc, bạn nên quy định giờ ăn uống cụ thể, kể cả giải lao ăn vặt giữa buổi. Lúc ăn, bạn nên ăn chậm, từ tốn. Nếu thèm một món gì đó, bạn vẫn có thể thỏa mãn cơn thèm bằng một lượng vừa phải và từ từ thưởng thức thay vì chấp nhận ‘buông xuôi’ ăn hết cả gói “cho đã thèm”. Nghiên cứu cho thấy khi bạn ăn từ tốn và nhai kỹ, não bộ sẽ ghi nhận tín hiệu no rõ ràng hơn, thức ăn được tiêu hóa hiệu quả và dễ dàng hơn.
Học chế biến những món ăn ngon và dinh dưỡng là điều tốt. Để tránh thú vui này vô tình “đe doạ” cân nặng, bạn có thể chọn những công thức lành mạnh. Nếu muốn thử những món dễ tăng cân, bạn chỉ nên nấu một lượng vừa đủ để thử tay nghề. Lưu ý đừng ăn món đó quá thường xuyên, hãy xen kẽ với những thực đơn lành mạnh khác nữa nhé.
4. Tích lũy kiến thức về dinh dưỡng
Chỉ đơn giản bằng cách dùng ứng dụng Myfitnesspal (có cả trên iOS và Android). Ứng dụng này đã cập nhật khá nhiều dữ liệu về món Việt. Bạn chỉ cần quét mã vạch trên bao bì hoặc tìm kiếm tên món ăn, ứng dụng sẽ cung cấp thông tin về lượng calo, tỷ lệ tinh bột, chất béo,… có trong món ăn đó. Đây là một nền tảng kiến thức rất hữu dụng để bạn xây dựng một chế độ ăn cân đối và lành mạnh.
5. Tạo thói quen tập luyện bổ trợ
Thử tập một môn thể thao mà bạn đã quan tâm từ lâu. Đó có thể là Yoga, Zumba, Aerobic, Calisthenic hay những bài tập gym không cần đến dụng cụ chuyên dụng. Video hướng dẫn đều miễn phí và có sẵn trong các ứng dụng điện thoại, hoặc trên YouTube. Tập luyện sức khoẻ thể chất còn có tác dụng giúp bạn giải toả tâm lý và giảm căng thẳng.
Đến thời điểm này, hơn 1,7 tỉ người trên thế giới đang phải hạn chế ra khỏi nhà để thực hiện giãn cách xã hội. Những khó khăn mà bạn gặp, rất nhiều người cũng đang phải trải qua. Tuy nhiên, sức khỏe của bạn thay đổi như thế nào trong mùa dịch phụ thuộc vào quyết định và hành động của chính bạn.
Nguồn: Vietcetera