Ông bà có thể mang đến cho trẻ những thứ độc đáo vô giá mà chúng ta, đặc biệt là trẻ em không thể có được từ bất cứ nơi đâu.
Tờ New York Times từng trích dẫn một nghiên cứu cho rằng vào năm 2030, hơn 70% trẻ em dưới 8 tuổi sẽ có thể có ông bà (cụ, kị) còn đang sống. Vậy lợi ích của việc trẻ em được gần gũi với những người thuộc thế hệ này là gì?
Nguồn kiến thức và lời khuyên cho thế hệ trẻ
Điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí mỗi người chúng ta khi nghĩ về thế hệ ông bà chính là lượng kiến thức và những trải nghiệm độc đáo mà họ có thể cung cấp cho con cháu. Dù nghe có vẻ lỗi thời, nhưng họ đã trải qua nhiều tình huống cuộc sống và gặp gỡ nhiều người, vì thế những điều mà họ chia sẻ hẳn là đáng nghe.
Nhân chứng lịch sử, là người kết nối quá khứ và hiện tại
Ông bà chính là thế hệ chứng nhân nhiều sự kiện lịch sử – những gì chúng ta được học từ sách lịch sử hay phim ảnh. Đối với nhiều người trong số các ông bà, chiến tranh thế giới, thuộc địa, những cuộc đại khủng hoảng và nhiều hơn thế nữa không chỉ là những sự kiện quan trọng, mà còn là một phần cuộc sống thực của họ.
Không giống như sách giáo khoa, ông bà có thể cung cấp cho thế hệ sau sự kết nối thực với quá khứ, để chúng ta nhận thức rõ hơn. Bất cứ đứa trẻ nào cũng được hưởng lợi từ những thông tin đó. Thêm vào đó, trẻ cũng rất phấn khích khi được ông bà trực tiếp kể cho nghe những câu chuyện như vậy.
Sự gắn kết với gia đình, cội rễ
Peter Harris thuộc Hiệp hội các ông bà (Anh) nói: “Ông bà đóng vai trò như một người bạn tâm giao. Họ có thể kết nối đứa trẻ với đại gia đình, họ có bộ nhớ bao quát thời gian dài và là kho lưu trữ thông tin”. Tất cả những điều này sẽ mang lại cho đứa trẻ một ý thức nhất định về bản sắc và ý tưởng về nơi quê hương chôn rau cắt rốn, khiến chúng cảm thấy vững chãi hơn trong thế giới rộng lớn này.
“Nếu cháu chắt tiếp xúc thường xuyên với ông bà, điều này sẽ đem đến cho chúng cảm giác kết nối chặt chẽ hơn với gia đình của chúng”, bác sĩ Carr, người từng nghiên cứu về xã hội học của sự lão hóa (sociology of aging), nhận định.
Dạy trẻ tôn trọng người lớn tuổi
Ông bà luôn luôn thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc các cháu. Ngược lại, trẻ cũng sẽ dành những tình cảm tương tự với ông bà. Trong mắt trẻ, ông bà là những người lớn đã rất già, thế nên trẻ sẽ nảy sinh tâm lý muốn trợ giúp, muốn quan tâm và yêu thương dành cho ông bà.
Nhận thức rõ hơn về truyền thống văn hóa
Liệu bạn có tưởng tượng được sẽ có bao nhiêu công thức bánh quy truyền thống mà bà của bạn có thể truyền lại cho bạn, nếu như bà vẫn còn sống đến ngày hôm nay? Điều này chắc chắn không giống như việc đọc sách nấu ăn. Và hãy nghĩ về rất nhiều những câu chuyện mà bà có thể kể cho bạn, khi cùng nhau xem lại các album gia đình. Ông bà sẽ luôn là người giữ gìn những truyền thống tốt đẹp ấy, và mọi đứa trẻ đều có thể thừa hưởng, kế thừa từ ông bà của chúng.
Nguồn: VnExpress