Trang chủ Dinh dưỡng 5 lời khuyên ăn uống lành mạnh trong mùa dịch

5 lời khuyên ăn uống lành mạnh trong mùa dịch

188
0
Chia sẻ

Một số ý tưởng hay giúp các gia đình duy trì chế độ ăn đủ dinh dưỡng.

1. Duy trì ăn hoa quả và rau

Có thể sẽ khó mua, dự trữ và nấu các món rau tươi trong điều kiện bị phong tỏa vì COVID-19, đặc biệt là khi cha mẹ được khuyến cáo hạn chế tối đa đi ra khỏi nhà. Nhưng bất kỳ khi nào có thể, cha mẹ cần đảm bảo thật nhiều hoa quả và rau trong chế độ ăn của trẻ.

Hãy cố gắng mua những thực phẩm tươi bất kỳ lúc nào có thể. Rau, quả tươi có thể ăn ngay hoặc cũng có thể làm đông lạnh để giữ được phần lớn chất dinh dưỡng và hương. Nấu soup, món hầm từ rau tươi hoặc những món khác sẽ bảo quản được lâu hơn và dự trữ ăn tiếp trong vài ngày. Những món này cũng có thể đông lạnh rồi hâm nóng lại khi ăn.


2. Khi không mua được thực phẩm tươi thì dùng thực phẩm khô hoặc đóng hộp tốt cho sức khỏe

Nhìn chung, thực phẩm tươi luôn là lựa chọn tốt nhất, tuy nhiên khi không mua được thực phẩm tươi thì vẫn có rất nhiều lựa chọn khác tốt cho sức khỏe, dễ bảo quản và chuẩn bị.

Đậu và đậu gà đóng hộp, là món ăn rất nhiều chất dinh dưỡng, và có thể bảo quản để sử dụng hàng tháng thậm chí hàng năm, chúng ta có thể dùng món này trong các bữa ăn theo nhiều cách khác nhau. Các loại cá hộp ngâm dầu như cá mòi, cá thu và cá hồi rất giàu đạm, a-xít béo omega 3 và nhiều vitamin và khoáng chất. Các loại cá hộp có thể mở ra ăn ngay kèm với món bánh mỳ kẹp, salad hay mỳ, hoặc chế biến hoặc làm nóng để ăn cùng với các món ăn khác.

Rau củ đóng hộp như cà chua, thường không chứa nhiều vitamin như rau củ tươi nhưng đây cũng là một lựa chọn để dự trữ khi khó mua rau củ tươi hoặc đông lạnh.

Thực phẩm khô như đậu, đỗ và các loại hạt như đậu lăng, đậu khô tách đôi, gạo, couscous hay diêm mạch cũng rất giàu dinh dưỡng, bảo quản được lâu và rất thơm ngon, giá thành phải chăng và ăn no. Yến mạch đã xay ăn với sữa hoặc nước đều có thể là bữa sáng tuyệt ngon, và có thể cho thêm vào sữa chua, hoa quả thái nhỏ hay nho khô.

3. Dự trữ một chút đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe

Trẻ em thường hay ăn đồ ăn vặt vào một thời điểm nào đó trong ngày. Thay vì cho trẻ ăn đồ ngọt hay có muối, chúng ta nên cho trẻ ăn những đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe như các loạt hạt, pho-mát, sữa chua (tốt nhất là loại không đường), hoa quả hoặc hoa quả sấy khô, trứng luộc, hoặc những đồ ăn vặt khác tốt cho sức khỏe mà sẵn có ở nơi bạn sinh sống. Những đồ ăn vặt này giàu dinh dưỡng, làm trẻ thấy no, và giúp trẻ hình thành những thói quen ăn uống lành mạnh sau này.


4. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn

Khi không thể mua thực phẩm tươi, thì cũng nên hạn chế không mua nhiều thực phẩm chế biến sẵn. Đồ ăn ngay, đồ ăn vặt và đồ tráng miệng đóng gói thường có nhiều chất béo bão hòa, đường và muối. Nếu bạn phải mua đồ ăn chế biến sẵn, thì hãy nhìn kỹ nhãn sản phẩm và cố gắng chọn những thực phẩm chứa ít các chất này. Cố gắng tránh không uống đồ ngọt, thay vào đó uống thật nhiều nước. Cắt thêm lát hoa quả hay rau rủ như chanh, chanh vàng, dưa chuột hoặc dâu vào nước uống là cách hay để tăng thêm hương vị.

5. Biến nấu nướng và các bữa ăn thành những khoảng thời gian vui vẻ và có ý nghĩa của gia đình

Nấu nướng và ăn cùng nhau là một cách rất hay để tạo thành những thói quen lành mạnh, gắn kết các thành viên trong gia đình và để mọi người vui vẻ với nhau. Bạn nên cho con mình cùng tham gia chuẩn bị bữa ăn – trẻ nhỏ hơn có thể giúp bố mẹ rửa hoặc phân loại thực phẩm còn trẻ lớn hơn thì có thể làm những việc phức tạp hơn như giúp bố mẹ sửa soạn bàn ăn.

Cố gắng hết sức để dành riêng một khoảng thời gian cố định cho bữa ăn gia đình. Những khoảng thời gian và thói quen như thế này có thể giúp trẻ giảm lo âu căng thẳng trong thời gian dịch bệnh như thế này.



Lời khuyên cho trẻ đang bú sữa mẹ

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ từ 2 đến 24 tháng tuổi. Phụ nữ mắc COVID-19 vẫn có thể tiếp tục cho con bú nếu họ vẫn muốn. Tuy nhiên, người mẹ cần phải biết giữ gìn vệ sinh khi cho con bú, cần phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ôm con; và thường xuyên vệ sinh và khử khuẩn các bề mặt mà họ chạm vào. Nếu người mẹ quá mệt không thể cho con bú do nhiễm vi-rút hoặc các biến chứng khác, người mẹ cần phải được hỗ trợ để tiếp tục cho con ăn sữa mẹ bằng mọi cách có thể.

Lời khuyên về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịch COVID-19

Mặc dù ở thời điểm hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm hay gói bọc thực phẩm có liên quan đến truyền nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra (COVID-19), người nhiễm COVID-19 có thể do chạm vào bề mặt hoặc một vật có vi-rút và sau đó sờ tay lên mặt. Nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn khi một người có tiếp xúc gần với người khác khi đang mua thực phẩm hoặc nhận đồ ăn giao tại nhà. Khi chế biến thực phẩm chúng ta luôn phải chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng tránh các bệnh liên quan.

Loại bỏ đóng gói không cần thiết và bỏ vào thùng rác có nắp đậy. Nên lau sạch thực phẩm đóng hộp bằng khăn khử khuẩn trước khi mở ra ăn hoặc dự trữ. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong vòng ít nhất 20 giây, hoặc dùng dung dịch rửa tay khô có cồn, ngay sau khi lau đồ đóng hộp.

Với những thực phẩm không đóng gói như hoa quả và rau, rửa kỹ dưới vòi nước sạch.

Lời khuyên về vệ sinh an toàn thực phẩm:

  • Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước sạch trong vòng ít nhất 20 giây trước khi chuẩn bị đồ ăn.
  • Dùng thớt riêng biệt cho thịt và cá sống
  • Nấu chín đồ ăn đến nhiệt độ thích hợp
  • Bảo quản những thực phẩm chóng hỏng trong tủ lạnh hoặc tủ đông, lưu ý hạn sử dụng của thực phẩm.
  • Cố gắng tái chế hoặc loại bỏ thực phẩm thừa và bao gói một cách hợp lý và vệ sinh, tránh chất đống đồ loại bỏ làm mất vệ sinh và khiến vật ký sinh xâm nhập.
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong vòng ít nhất 20 giây trước khi ăn và đảm bảo con bạn cũng rửa tay sạch.
  • Luôn luôn sử dụng đĩa, bát, và đồ nấu nướng sạch sẽ.

Nguồn: Unicef