Trang chủ Sống 5 năm tình nguyện nhặt rác ở bãi biển Côn Đảo

5 năm tình nguyện nhặt rác ở bãi biển Côn Đảo

42
0
Chia sẻ

Có một cặp vợ chồng trẻ thế hệ 8x sáng sớm, suốt 5 năm qua, chiều hôm nào cũng cặm cụi nhặt rác ở bãi biển Côn Đảo. Họ làm không phải để được nổi tiếng, hoặc khen ngợi, mà chỉ đơn giản, họ muốn biển Côn Đảo sạch, đẹp hơn. Cặp vợ chồng ấy là anh Nguyễn Văn Thắng và chị Nguyễn Thị Thu Cúc sống ở Khu dân cư số 9, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thầm lặng nhặt rác không công

Chiều cuối tuần, biển Côn Đảo trở nên nhộn nhịp bởi hàng trăm khách thập phương xuống tắm sau những giờ thăm “địa ngục trần gian” và viếng mộ các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Hàng Dương.

Anh Nguyễn Văn Thắng cầm chiếc bao tải bảo vợ: “Đi thôi em. Chủ nhật rác nhiều, nhanh về kẻo trời lạnh lắm”. Chị Nguyễn Thị Thu Cúc xắn quần bước xuống bậc đá bắt đầu nhặt rác – công việc của hai tình nguyện viên đặc biệt.

Cũng như nhiều lần trước, khu vực Cầu tàu lịch sử 914 là điểm nhặt rác đầu tiên. Trong khi chị Cúc “len” chân “móc” lên những chai nhựa, túi nilon “mắc kẹt” trong ghềnh đá; thì anh Thắng lội rìa mép nước vớt rong rêu, những mành lưới, dây thừng từ biển dạt vào.

“Vợ chồng tôi đã nhặt rác ở đây 5 năm rồi. Không phải ai cũng có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Có người ăn bánh xong ném luôn lá xuống mép biển. Nếu hai, ba ngày không nhặt thì bãi biển này ngập rác. Rác từ biển ùa vào rồi rác từ khách du lịch thải ra nên rất nhiều”, chị Cúc chia sẻ.

– Nhặt rác có tiền công không chị ơi? Tôi hỏi.

– Vợ chồng tôi tình nguyện chứ công sá gì đâu. Tôi chỉ muốn góp một chút công sức cho biển Côn Đảo sạch hơn thôi – tiếng chị Cúc lẫn vào gió ràn rạt thổi về từ biển.

Vợ chồng anh Thắng, chị Cúc trong một lần gom rác thải ở đảo Hòn Bà. Ảnh: Minh Hương

Cầu tàu 914 không chỉ là nơi ghi nhận 914 người tù khổ sai đã anh dũng hy sinh dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, mà còn là điểm du lịch tâm linh của du khách thập phương. Ngày thường cũng như ngày lễ, tết, khách đến Cầu tàu 914 thăm viếng lúc nào cũng đông. Vì thế, địa danh này luôn có nhiều rác thải.

“Đó cũng là lý do để vợ chồng tôi chọn Cầu tàu 914 làm điểm đầu tiên nhặt rác mỗi ngày. Không kể dưới biển hay trên bờ, cứ có rác là nhặt. Cầu tàu 914 là chốn linh thiêng thì phải nhặt trước cho sạch sẽ để bà con thắp nhang, thăm viếng”, anh Thắng chia sẻ.

Hỏi về quê hương và nghề nghiệp, chị Cúc trải lòng, năm 2017, vợ chồng chị từ đất liền ra Côn Đảo công tác. Anh Thắng làm nghề lái xe, còn chị làm hướng dẫn viên du lịch. Anh chị “bén duyên” với công việc nhặt rác đã tròn 5 năm.

5 năm qua, môi trường sống của hòn đảo từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” này đã từng ngày thay da đổi thịt. Trong đó có một phần công sức của đôi vợ chồng trẻ ngày nối ngày thầm lặng nhặt rác thải không công giữa biển đông người. 

Hành động cao đẹp 

Hồi tưởng lại ngày đầu “bén duyên nhặt rác”, anh Thắng trải lòng: “Một buổi chiều sau một ngày làm việc, vợ chồng tôi đi dạo trên bãi biển Cầu tàu 914. Thấy ở đây rác dạt về nhiều quá. Những chai, lọ, bịch ni lông nhét trong các ghềnh đá mà không ai nhặt. Tự nhủ lòng mình, nếu cứ để rác thế này thì ai dám đến tắm nữa. Tôi bảo vợ ‘mình đi nhặt rác coi như thể dục’. Làm không phải để nổi tiếng, mà làm cho biển sạch, để khách du lịch đến Côn Đảo nhiều hơn”.

Không chỉ nhặt rác thải ở Cầu tàu lịch sử 914, anh Thắng, chị Cúc còn tình nguyện nhặt rác ở nhiều khu vực khác như cảng Bến Đầm, khu vực Bãi Nhát, quanh “Bia tưởng niệm những người vượt ngục”, dọc những cung đường ra sân bay.

Để “điều chỉnh” thói quen “xấu” xả rác bừa bãi của khách du lịch, mỗi lần dẫn đoàn khách đi thăm nhà tù Côn Đảo, chị Cúc đều dặn “ý thức sống xanh bảo vệ môi trường” của mỗi người khi đến đây. Hàng trăm lần chị cúi xuống nhặt mẩu thuốc lá hay một cái khăn ướt bỏ vào túi mình mà ai đó vô thức ném ra lối đi trong lúc thăm “chuồng cọp”.

Và không ít lần cái túi đựng đồ trang điểm của chị chứa đầy tóp thuốc lá, vỏ kẹo cao su. Chị bảo: “Dơ túi hơn dơ đường, dơ phố. Nếu mình không nhặt thì người khác nhìn thấy họ sẽ vứt theo. Thà mình nhặt bỏ vào túi mình còn hơn để đường đầy rác thải”.

Bãi biển Côn Đảo luôn sạch nhờ một phần công sức vợ chồng anh Thắng, chị Cúc. Ảnh: Mai Thắng

Thông điệp sống xanh

Sau 5 năm nhặt rác ở Côn Đảo, anh Thắng, chị Cúc không nhớ hết bao bàn chân dầm trong biển mặn, ngón chân bao lần bị hà xén chảy máu, bao đêm rọi đèn vớt rác và bao tấn rác thải biển được đưa từ cảng Bến Dầm, dốc Ông Đụng, Bãi Nhát, Cầu tàu 914 về xử lý.

Chỉ biết, anh chị làm bằng tất cả tấm lòng yêu biển, vì môi trường xanh, sạch. Anh Thắng bảo: “Một khi biển đã ngấm vào máu thịt và ý thức cộng đồng luôn ở trong đầu, thì việc nhặt rác đã trở thành niềm vui”.

Biết chồng luôn đồng thuận và ủng hộ việc nhặt rác thải với mình, chị Cúc hãnh diện lắm. Chị chia sẻ: “Ngoài ý thức giữ gìn môi trường biển sạch sẽ, tôi coi việc nhặt rác thải còn là niềm vui mỗi ngày. Thoạt đầu thấy vợ chồng tôi chiều nào cũng cặm cụi nhặt rác, có người bảo vợ chồng rỗi hơi, bao đồng. Có người nói thẳng vào mặt rằng chúng tôi rảnh việc. Ai nói kệ họ, miễn sao mình làm việc có ích cho cộng đồng”.

Việc làm thiết thực của anh Thắng, chị Cúc như một thông điệp sống xanh và lan tỏa ý thức cộng sinh khiến nhiều người dân mến phục. Có người trước kia “chê” anh chị là rỗi hơi, bao đồng, thì nay lại theo anh chị nhặt rác. Và cũng chính họ động viên kêu gọi những người khác cùng tham gia, rồi lập thành tổ, nhóm như “Nhóm Tình nguyện màu xanh”, “Tôi yêu Côn Đảo” để cùng anh Thắng, chị Cúc nhặt rác mỗi ngày.

Hơn 2 năm qua, chị Nguyễn Thị Thu Ba, chủ quán nước trước Cầu tàu 914 đã theo chị Cúc nhặt rác thải. Mới đầu chị Ba cũng đi để cho vui, nhưng thấy việc làm của vợ chồng chị Cúc thực sự có ý nghĩa, chị đã nhiệt tình tham gia. Chị Ba rủ thêm 4 người bạn khác cùng nhặt rác.

Vậy là cứ 6 giờ chiều, chị Ba và nhóm bạn lại xắn quần đi dọc bờ biển nhặt rác. Những bãi biển xa hoặc nơi có nhiều rác thải “rắn” như dốc Ông Đụng, Bãi Nhát, chị Ba cùng mấy bà bạn đi xe máy đến đó. Người nhặt, người gom chất lên xe máy đem về nơi quy định.

Chị Ba cho biết, ở bãi biển khu vực Cầu tàu lịch sử 914, sau 8 giờ tối là rác đổ về. Rác từ biển Côn Đảo theo sóng đưa vào, rác từ du khách tắm thải ra. “Thấy vợ chồng chú Thắng nhặt rác mấy năm qua, tui rất khâm phục. Sáng sớm đi chân trần trên cát biển nhặt rác thải như thay tập thể dục, vừa khỏe người, lại có ích nữa”, chị Ba chia sẻ.

Thêm một ngày cuối tuần trôi qua cũng đồng nghĩa với biển Côn Đảo có nhiều rác thải mới. Nơi ấy, có hai dáng người mảnh khảnh in xuống mặt biển mờ mờ khi bóng tối đến gần. Ngày nối ngày, họ nhặt rác như một nhu cầu thú vui, nhưng ẩn chứa sâu sắc trong nghĩa cử cao đẹp ấy là thông điệp sống xanh cho cộng đồng và một tình yêu biển chưa bao giờ vơi cạn.

________________

“Biển là không gian sinh tồn bền vững. Người dân Côn Đảo bao đời nay sinh sống phần lớn nhờ biển. Để biển Côn Đảo mãi là điểm dừng chân cho khách thập phương, nó phải sạch, đẹp. Tôi nhặt rác thải không ngoài mục đích góp chút sức lực cho biển đẹp hơn, sạch hơn, và đó cũng là thú vui mỗi ngày của vợ chồng tôi, ai cũng có thể làm được”, chị Cúc chia sẻ.

Nguồn: Quân đội nhân dân