Bạn sẽ là những ông bố, bà mẹ thất bại nếu có những hành động xấu dưới đây với con. Nếu nhận ra bản thân mình ở đó hãy nhanh chóng thay đổi để không làm ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của con.
1. Đả kích con
Ranh giới giữa khiêm tốn và thiếu tự tin thường khá mỏng manh. Nhiều phụ huynh vì sợ con kiêu ngạo, không biết khiêm tốn nên thường xuyên có hành động đả kích con.
Ví dụ con làm bài được 8 điểm, hớn hở vui mừng nói cho cha mẹ biết, cha mẹ lại nói rằng “Sao không được 9 điểm?” Khi con thi được 9 điểm, cha mẹ lại hỏi “Sao chỉ có 9 điểm? Không thi nổi 10 điểm à?” Khi trẻ đứng thứ 2, cha mẹ sẽ nói có gì mà đáng tự hào, dù gì cũng chả phải là xếp thứ nhất.
Cha mẹ nên nhìn nhận một cách chính xác về từng bước trưởng thành của con mình, đồng thời phải có sự khẳng định, khích lệ một cách khách quan với trẻ nhỏ. Như vậy mới giúp trẻ nhận thức đúng đắn về bản thân, càng tự tin hơn.
2. Bắt đứa lớn nhường nhịn đứa bé
Lớn nhường bé hoàn toàn không phải chuyện gì xấu, thế nhưng với con trẻ thì điều này chưa hẳn đã đúng. Rất nhiều gia đình từ 2 con trở lên luôn bắt đứa lớn nhường đứa bé, thậm chí chỉ phê bình đứa lớn và bênh vực đứa nhỏ.
Cứ kéo dài việc này sẽ không có lợi cho sự trưởng thành về tâm lý của cả hai đứa con. Đứa lớn sẽ cảm thấy cha mẹ không công bằng, không yêu con nữa dần tự cách xa. Ngược lại đứa nhỏ sẽ được đà, tự coi mình là trung tâm và ngày càng ương bướng.
3. Luôn khiến con sợ nhưng lại muốn con phải yêu thương cha mẹ
Nếu đứa trẻ sinh ra trong gia đình có cách giáo dục này, đặc điểm chung của chúng là luôn phải đoán tâm trạng bố mẹ bằng những hành động nhỏ nhất như tiếng đặt đồ, tiếng bước chân. Bởi chúng luôn ở trong trạng thái lo sợ và e ngại.
Những bố mẹ này thường cảm thấy tức giận và bị xúc phạm vô cùng nếu lòng tốt của họ bị nghi ngờ và thông thường hay nói với con những câu kiểu như: “Bố/mẹ đã làm mọi thứ vì con mà con vẫn vô ơn như thế đấy!”
4. Dọa nạt nhưng không phạt
Nếu như đã cảnh cáo rằng sẽ phạt khi con làm sai việc gì đó bố mẹ nên thực hiện lời nói của mình. Bởi chỉ dọa mà không làm sẽ còn nguy hiểm hơn việc không nói và không phạt gì cả.
Nếu chỉ dọa và không phạt sẽ khiến con từ từ nhận ra rằng, bố mẹ chỉ nói vậy thôi, không làm đâu và dần dần sẽ khiến con đánh mất niềm tin. Cùng với đó khiến con nghĩ rằng bố mẹ sẽ không phạt nên không phải sợ, cứ làm sai cũng không sao.
5. Cho con phụ thuộc vào đồ công nghệ quá nhiều
Trong số những phụ huynh có con nhỏ, không ít những bậc cha mẹ quen đưa cho con điện thoại, máy tính bảng bất cứ khi nào từ ăn cơm, trên xe bus, chờ xếp hàng,…
Liệu họ có biết tác hại khi để trẻ con tiếp xúc quá nhiều với công nghệ? Hay thậm chí biết nhưng vẫn “tặc lưỡi” cho qua vì không có thời gian, vì bận quá nhiều việc mà không ở bên chơi cùng con?
Nguồn: Gia đình mới