Lần bệnh dịch này giống như một bài kiểm tra bất ngờ với mỗi cá nhân. Dưới đây là 7 kiểu người khi gặp phải nguy cơ rất dễ bị đào thải, cùng xem xem bạn có ở trong số đó không?
1. Khả năng miễn dịch kém
Lần bệnh dịch này, đối tượng chủ yếu chịu tổn thương là người già, bởi lẽ họ có nhiều bệnh nền, khả năng miễn dịch kém. Còn bộ phận những người trẻ tuổi, dù có bị nhiễm bệnh, nhưng cũng có thể không có biểu hiện ra bên ngoài, thậm chí có những người không cần tới trị liệu mà vẫn có thể hồi phục, suy cho cùng thì rồi ai cũng sẽ nhận ra: khả năng miễn dịch mới là năng lực mang tính cạnh tranh lớn nhất của con người.
Trước đó chúng ta hoang mang vì sợ không kiếm được tiền, còn hiện tại, chúng ta hoang mang vì sợ mất đi tính mạng, sợ phải rời xa cuộc sống.
Nhưng đứng trước sống chết, mọi thứ đều chỉ là chuyện nhỏ…
2. Tâm lý yếu đuối
Trước tiên, lần bệnh dịch này tạo ra những tổn hại tâm lý còn lớn hơn nhiều so với những tổn thương về thể chất.
Khi dịch SARS hay những dịch bệnh lớn khác trước đó xảy ra, mạng xã hội vẫn chưa quá phát triển, phần lớn thông tin mọi người được cập nhật đều thông qua tivi hay loa đài, còn hiện nay, khi dịch bệnh Covid 19 xảy ra, chúng ta đang sống trong một thế giới công nghệ thông tin, nơi mà hầu như ai cũng có cho mình một chiếc smartphone cầm trên tay 24/24, đủ mọi luồng thông tin xuất hiện kích thích sự tò mò, reo rắc sự hoang mang, sợ hãi. Con người ta khi rơi vào trạng thái lo âu, hành vi sẽ có sự thay đổi rất lớn.
Nào là tranh nhau khẩu trang, tranh nhau thực phẩm, cực chẳng đã mua tỏi, mua thuốc không rõ nguồn gốc về mong tránh bệnh…
Đến lúc này, chúng ta mới phát hiện ra, thì ra nội tâm của con người lại mong manh tới vậy. trong tương lai, có một tố chất tâm lý mạnh mẽ thực sự quan trọng hơn bất cứ một loại kĩ năng nào.
Thứ hai, đã bao giờ có ai nghĩ tới vấn đề này? Nếu nhốt một người trong phòng, trong nhà, để họ nửa tháng tới 3 tháng không ra ngoài thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Đây là lúc để kiểm tra khả năng chịu đựng, khả năng sống với cô đơn của con người. người mạnh mẽ sẽ không lãng phí quãng thời gian “khép kín” này, còn người mong manh dễ vỡ sẽ chỉ biết ngồi đó lo lắng, sợ hãi.
Mỗi một người chúng ta đều phải trải qua bài kiểm tra tâm lý này để hiểu mình hơn, và để trở nên mạnh mẽ hơn.
3. Thiếu khả năng suy nghĩ độc lập
Càng vào thời khắc khủng hoảng, năng lực tư duy độc lập của một người càng trở nên quan trọng.
Không mù quáng theo đám đông, không tin vào những tin đồn, không theo trào lưu, giữ cho mình sự tỉnh táo, nhìn nhận sự việc một cách khách quan, lý tính, trông thì có vẻ dễ, nhưng số người làm được lại chẳng được bao nhiêu.
Nếu chúng ta độc lập đi phân tích, ta sẽ sáng suốt và thông minh, nhưng chỉ cần nhiều người ở một chỗ, sự lý tính và sáng suốt nhất định sẽ biến mất.
Bởi lẽ con người khi hòa nhập vào một nhóm sẽ sản sinh ra sự đồng cảm mà từ bỏ đi sự độc lập và lý tính, để đổi lại cảm giác thân thuộc khiến mọi người cảm thấy an toàn.
Chúng ta đang sống ở thời đại công nghệ thông tin, thời đại mà chỉ cần một nhà nào đó xuất hiện vết nứt nhỏ như con kiến thôi thì cả thế giới đều sẽ biết và còn biết rằng vết nứt đó to bằng con voi. Trong dòng chảy tin tức hiện nay, chúng ta mỗi ngày sẽ được tiếp xúc với đủ mọi thể loại thông tin, từ chính thống tới tin đồn, dường như ở cái thời đại này, chúng ta đều đang trở thành những tên mù mở mắt!
Vì vậy, càng là trong nguy cơ, càng cần phải giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo và lý tính.
4. Trốn tránh trách nhiệm
Lần dịch bệnh này giống như một chiếc gương, nó soi tỏ bản tính của con người, soi tỏ thực tế.
Một vài người chớp lấy cơ hội để trốn tránh, trong khi những người khác chọn cách đối mặt với vấn đề một cách chủ động.
Một vài công ty nhân cơ hội sa thải, giảm lương, khủng hoảng chuyển nhượng, trong khi những công ty khác lựa chọn chủ động chịu trách nhiệm.
Một vài chủ nhà nhân cơ hội lấy lại phòng, trong khi những người khác chủ động miễn phí hoặc giảm tiền thuê cho người thuê nhà.
Có những doanh nhân tận dụng cơ hội để kiếm tiền, và có những người bình thường âm thầm quyên góp.
Bản chất của con người thường được thể hiện rõ nhất khi nguy cơ xảy đến.
Lúc này, biểu hiện của bạn bè, đồng nghiệp mới là cái vốn có chân thực nhất của họ.
Nếu lúc này bạn gặp khó khăn, hãy quan sát thái độ của những người xung quanh mình:
Có người mở miệng ra là bảo là anh em huynh đệ, nhưng khi nguy cơ xảy đến, họ sớm đã chạy mất hút, đợi bạn vượt qua khó khăn, lại quay trở lại tươi cười rạng rỡ với bạn.
Có những người dù thường ngày ít quan hệ, nhưng vào thời khắc mấu chốt, lại có thể ra tay vì bạn, việc qua rồi cũng không nhắc lại công.
Hoạn nạn không chỉ thấy được chân tình, mà còn khảo nghiệm trách nhiệm của mỗi người.
Lúc này, hãy biết ơn tới những người chủ động đứng ra gánh vác trách nhiệm, chủ động giúp đỡ người khác, giúp đỡ đất nước vượt qua khó khăn.
5. Không biết chỉnh đốn trong khi nghỉ ngơi
Phàm là những người bơi ngoài biển đều biết một đạo lý: khi sóng yên biển lặng nên cố hết sức bơi về phía trước, một khi gặp sóng lớn ập tới, tuyệt đối không được gắng sức, mà nên tĩnh lại, nghỉ ngơi một lúc, đợi sóng qua rồi lại tiếp tục ra sức bơi tiếp.
Nếu lúc này bạn cứ gồng mình lên cố gắng, không chỉ khiến mình bị kiệt sức mà còn rất dễ bị sóng đập lại.
Cùng một đạo lý: khi hình thế kinh tế tốt, chúng ta nên to gan đứng ra kiếm tiền, khi gặp vấn đề tới từ ngoại cảnh, việc nên làm nhất là bình tĩnh lại, nhân cơ hội điều chỉnh lại bản thân, tuyệt đối đừng cuống quýt lên rồi làm càn.
Cũng giống như chơi trò chơi vậy, cứ thỉnh thoảng bạn sẽ cần phải nạp máu cho bản thân, cần nhanh chóng thích ứng với biến đổi bên ngoài, điều chỉnh bản thân về mức thua lỗ tối thiểu.
Hiện nay trạng thái của nhiều người là cuống quýt, hoang mang, giống như con ruồi mất đầu đâm lung tung tứ phía, làm như vậy, kết quả sẽ chỉ là xuống dốc nhanh hơn mà thôi.
Suy thoái kinh tế là xu thế chung của cả thế giới, khuyên mọi người trong giai đoạn này đừng cuống quýt mà đưa ra những quyết định sai lầm, thay vào đó, tĩnh lại, nạp thêm “năng lượng” cho bản thân, nỗ lực nâng cao tri thức, chuyên môn và tầm nhìn của mình.
Một suy nghĩ sâu sắc tốt hơn 100 hành động nhanh nhảu; một chiến lược đúng đắn tốt hơn 100 kế hoạch bốc đồng.
6. Không thể “lắng đọng”, trấn tĩnh lại
Churchill từng nói: Đừng lãng phí một cuộc khủng hoảng tốt.
Mỗi cuộc khủng hoảng đều tồn tại những cơ hội tiềm ẩn, khủng hoảng càng lớn, cơ hội càng lớn!
Khủng hoảng, đối với nhiều người mà nói, là cơ hội tốt để “thoát xác”, làm mới bản thân và một lần nữa trỗi dậy.
Người thực sự thông minh, tuyệt đối sẽ không bỏ lỡ cơ hội lần này.
Cùng là phải nghỉ ở nhà, cùng là phải cách ly, có người chơi game, cày phim cả ngày, có người lại tranh thủ cơ hội để học tập.
Ở Bali, có một ngày lễ gọi là “ngày im lặng”, trong ngày này, mọi người sẽ chỉ ở nhà nghỉ ngơi, ngồi thiền, “thẩm xét” lại những thiếu sót và phát triển của bản thân trong năm qua.
Thực ra, con người, chỉ khi ngồi tĩnh lại, mới có thể tư duy thật sâu vấn đề.
Quyết định cao độ cuối cùng của một người, không phải là điểm khởi đầu, mà là bước ngoặt, cơ hội luôn ở điểm ngoành. Mọi người đều biết, khi chạy đua, chỉ ở điểm ngoành mới dễ dàng vượt lên người khác nhất, điểm ngoành chính là bước ngoặt, phản công của đời người đều xảy ra ở điểm này.
Chúng ta nên trân trọng khoảng thời gian ở nhà này, suy nghĩ thật kĩ càng, xem xét lại vấn đề của bản thân, nhận thức ra thiếu sót của chính mình.
Biết người là kẻ trí, biết mình là người sáng suốt, làm sao để hiểu hết bản thân là vấn đề mà ai cũng nên dành thời gian, dành ra một khoảng lặng để suy nghĩ.
7. Không chịu được đả kích
Đời người là một cuộc tu hành, có thể lấy được chân kinh hay không, phải xem xem lúc khó khăn hoạn nạn bạn có vượt qua được hay không, đến thần tiên cũng còn phải độ kiếp nữa là người phàm chúng ta.
Lần dịch bệnh này, khiến nhiều người sau một đêm rơi vào khó khăn, nhưng thường thì khó khăn mới là khởi đầu cho sự trỗi lên mạnh mẽ.
Muốn biết năng lực của một người, không phải xem đỉnh của họ cao bao nhiêu mà là xem khả năng đàn hồi của họ mạnh ra sao khi đang ở đáy vực.
Anh hùng thực sự, cuộc đời nhất định phải trải qua hai giai đoạn, một là nghịch cảnh, hai là tuyệt vọng.
Nghịch cảnh giúp ta trưởng thành, tuyệt vọng giúp ta tỉnh ngộ.
Con người khi rơi vào tuyệt vọng là khi dễ dàng thức tỉnh nhất, chỉ những người có thể thoát khỏi tình huống tuyệt vọng này mới là những người thực sự mạnh mẽ, phi thường và thành công.
Suy cho cùng, lần dịch bệnh này chính là một thử thách lớn với con người, sự đào thải của tự nhiên vốn dĩ rất tàn khốc, mọi khủng hoảng là sự tự nâng cấp của hệ thống xã hội, và kẻ yếu sẽ bị loại bỏ, kẻ mạnh sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, đây là quy luật bất biến của tự nhiên.
Làm sao để ứng phó với nguy cơ, với khủng hoảng? Cách duy nhất là trở nên độc lập và tự cường!
Nguồn: Cafebiz