Đằng sau cảm giác thoải mái nhất thời của những cách ăn uống vô tư này là những tác hại chồng chất, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất về dài hạn.
Những thói quen hàng ngày không dễ để thay đổi, đặc biệt là khi chúng liên quan đến cách ăn uống. Một vài ví dụ điển hình là ăn nhiều đường sau bữa ăn vì thích tráng miệng, hoặc bỏ bữa sáng vì quen ngủ nướng và lao thẳng vào công việc. Điều quan trọng cần nhớ là, những cảm giác thoải mái ngắn hạn này sẽ dẫn đến tổn hại sức khỏe lâu dài. Dưới đây là các thói quen phổ biến đang gây hại đáng kể cho cơ thể mà bạn nên khắc phục càng sớm càng tốt.
Bỏ bữa sáng
Các chuyên gia cho rằng bỏ bữa sáng là một trong những thói quen ăn uống tồi tệ nhất. Chuyên gia dinh dưỡng Lauren Pimentel cho biết: “Ăn vào buổi sáng giúp cơ thể đảm bảo lượng đường trong máu ổn định cả ngày, tránh cảm giác thèm ăn dữ dội. Nhiều người ăn quá lố vào các thời điểm khác trong ngày vì cơ thể đang đói và cực kỳ cần bổ sung dinh dưỡng”.
Pimentel cũng lưu ý rằng điều này có thể góp phần tạo nên một vòng luẩn quẩn. Trong đó, người bỏ bữa sáng thường ăn cực kỳ nhiều vào ban đêm, cảm thấy rất no khi đi ngủ, và rất có thể sẽ lại thức dậy với rất ít hoặc gần như không có cơn thèm ăn sáng nữa”.
Lam dụng detox với nước ép
Thanh lọc cơ thể bằng cách bỏ bữa và chỉ uống nước ép trái cây và rau củ (juice cleanse) không hề xấu. Tuy nhiên, áp dụng phương thức này thường xuyên sẽ dễ gây rối loạn trong cơ thể và trao đổi chất. Pimentel chia sẻ: “Nếu cứ liên tục nhịn ăn để “thanh lọc”, cơ thể sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất như một biện pháp bảo vệ. Điều này dần dần sẽ gây phản ứng ngược như tăng cân ngoài kiểm soát, khiến cho việc giảm cân càng trở nên khó khăn hơn”.
Ăn đêm
Theo tiến sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Keith-Thomas Ayoob, EdD, ăn trước khi đi ngủ là một thói quen bất lợi có thể dẫn đến gián đoạn giấc ngủ, các vấn đề về trào ngược và khó tiêu, và mất cảm giác muốn ăn vào buổi sáng. Ayoob nói: “Có tồn tại “hội chứng ăn đêm”, theo đó người ta sẽ ăn rất ít vào ban ngày và nghĩ rằng họ đang tiết kiệm năng lượng, rồi sau đó nạp một lượng lớn calo vào ban đêm khi thảnh thơi. Để tránh điều này, hãy ăn trước khi ít ngủ ít nhất 3 tiếng, đồng thời chuẩn bị bữa ăn sáng giàu đạm và ăn trong vòng hai giờ sau khi thức dậy”. Nạp đủ đạm và calo vào ban ngày cũng như tránh ăn đêm sẽ giúp cải thiện giấc ngủ và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Không ăn đủ đậu
Đậu được xem là một trong những thực phẩm lành mạnh nhất. Ayoob nói: “Đậu chứa đủ cả “bộ ba dinh dưỡng” là protein, chất xơ cùng rất nhiều vitamin và khoáng chất. Thực phẩm này cũng có chỉ số đường huyết thấp, không làm tăng lượng đường trong máu như các loại carb tinh chế”. Ayoob gợi ý nên kết hợp đậu vào chế độ ăn uống dần dần nhưng nhất quán và liên tục, chẳng hạn như thêm một hoặc hai muỗng canh đậu vào món súp hoặc salad vài ngày trong tuần, để giảm thiểu tình trạng đầy hơi.
Phần ăn lớn
Ăn khẩu phần quá lớn trong một bữa có thể “hủy hoại” sức khỏe mà bạn không hề nhận ra. Bác sĩ y khoa Daniel Boyer cho biết: “Lượng calo dư thừa có thể được tích tụ dưới dạng chất béo trong cơ thể, dẫn đến tăng cân và mức cholesterol cao. Đây là 2 yếu tố của những vấn đề sức khỏe nguy hiểm như tiểu đường và tim mạch”.
Nạp nhiều đường bổ sung
Tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung (có trong các đồ ngọt chế biến sẵn) là một thói quen rất có hại. Vì thành phần này sẵn có trong nhiều loại thực phẩm bày bán ở các siêu thị và nhà hàng, bạn có thể vô tình nạp quá nhiều ngoài ý muốn. Boyer nói: “Loại đường này có thể gây ra các tình trạng như tăng huyết áp, viêm nhiễm, tăng cân, tiểu đường và các bệnh gan nhiễm mỡ, tất cả đều có liên quan đến đau tim và đột quỵ”.
Nguồn: VTV