Nhịn ăn, không nạp đủ lượng calo cần thiết, sử dụng sản phẩm có hương thơm hay dùng thuốc giảm đau có thể khiến bạn tăng cân nhanh.
1. Ăn quá nhiều chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh có trong các loại hạt, cá béo, dầu ô liu, quả bơ…
Chất béo lành mạnh bao gồm chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, giúp giảm viêm, kiểm soát lượng đường trong máu, hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Chế độ ăn kiêng lành mạnh khuyến khích nạp chất béo tốt để thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng.
Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo sẽ gây phản tác dụng. Tiến sĩ Lisa R. Young, phó giáo sư dinh dưỡng tại Đại học New York, giải thích chất béo có chứa hàm lượng calo lớn hơn so với protein, carbohydrate, dễ khiến bạn tăng cân nếu nạp quá nhiều. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nếu ăn khoảng 2.000 calo/ngày, bạn nên tiêu thụ khoảng 13 g chất béo lành mạnh.
2. Ăn thiếu protein
Protein là chất dinh dưỡng thiết yếu giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, giữ lượng đường trong máu ổn định, ngăn chặn sự sụt giảm năng lượng, làm giảm cảm giác thèm ăn. Nạp đủ protein giúp tăng cường cơ bắp, đẩy nhanh quá trình tiêu đốt mỡ thừa.
Kết hợp rau xanh cùng các thực phẩm giàu protein vào mỗi bữa ăn giúp no lâu, hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Những người khỏe mạnh cần được nạp 10-35% lượng calo hàng ngày từ protein, tương đương 45 g protein đối với nữ giới và 52 g protein cho nam giới.
3. Nhịn ăn
Nhịn ăn có thể giúp bạn giảm cân nhanh trong thời gian ngắn nhưng lại khiến bạn tăng cân nếu kéo dài chế độ này. Khi cơ thể bị bỏ đói, bạn có xu hướng ăn nhiều hơn nhu cầu thực để bù đắp nguồn năng lượng thiếu hụt.
Nhịn ăn cũng khiến quá trình trao đổi chất bị chậm lại, cơ chế dự trữ mỡ thừa được kích hoạt để duy trì nguồn năng lượng cho cơ thể. Do đó, sau thời gian dài nhịn ăn, bạn có thể tăng cân nhanh và tích nhiều mỡ hơn.Quảng cáo
4. Không nạp đủ lượng calo cần thiết
Cần nắm được chỉ số BMR của cơ thể để đưa ra thực đơn ăn kiêng phù hợp, tránh nạp quá ít calo.
Thiếu hụt calo là chìa khóa để giảm cân thành công. Tuy nhiên, nếu sự thiếu hụt này vượt quá mức cho phép, tức là đưa cơ thể vào trạng thái không đủ calo liên tục trong thời gian dài, bạn có thể bị tăng cân nhanh hơn. Tỉ lệ trao đổi chất khi nghỉ ngơi (Basal Metabolic Rate) là chỉ số cho biết tỉ lệ trao đổi chất cơ bản của cơ thể.
Đây là lượng calo tối thiểu cần để duy trì các chức năng sống của cơ thể như thở, tuần hoàn máu và nhiệt độ. Nếu không nạp đủ lượng calo tối thiểu này, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách làm chậm quá trình trao đổi chất, đốt cháy ít calo hơn, dẫn đến cân nặng tăng lên.
5. Dùng sản phẩm có hương thơm
Thói quen sử dụng sản phẩm có hương thơm cũng có thể ảnh hưởng đến cân nặng. Nghiên cứu của viện Y học Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ (NEH) chỉ ra một số hóa chất dân dụng được xem là thủ phạm gây tăng cân, béo phì ở người và được đặt tên là obesogen, trong đó có phthalates. Phthalates thường gặp trong các sản phẩm kem dưỡng thể, sản phẩm chăm sóc tóc hay chất tẩy rửa.
6. Thay đổi thói quen ngủ
Thay đổi thói quen ngủ cũng gây ảnh hưởng lớn tới hiệu quả giảm cân. Thiếu ngủ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, hết năng lượng, khiến bạn có xu hướng thèm ăn thực phẩm chứa nhiều đường, gây tăng cân. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra việc giảm thời lượng giấc ngủ sâu (REM) có thể cản trở sự phát triển của cơ bắp, gây tăng cân nhanh chóng.
7. Sử dụng thuốc giảm đau
Sử dụng thuốc giảm đau thời gian dài cũng có thể gây tăng cân.
Một số loại thuốc giảm đau có thể gây ra tình trạng táo bón. Táo bón khiến bạn tăng cân nhanh chóng vì tất cả thực phẩm tiêu thụ trong ngày bị tích tụ. Quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng cũng gây tích tụ mỡ thừa nhiều hơn.
Nguồn: Ngôi sao