Trang chủ Nhà ở 8 đề nghị với Quốc hội và Chính phủ để ‘cứu’ thị...

8 đề nghị với Quốc hội và Chính phủ để ‘cứu’ thị trường bất động sản

37
0
Chia sẻ

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa có văn bản nêu 3 đề nghị với Chính phủ, 5 đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản. 

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành một số nghị định, nghị quyết

Bên cạnh đề xuất cấp bách sửa đổi một nội dung của Nghị định 30/2021/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Chính phủ sớm xem xét ban hành một số văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường bất động sản.

Ban hành nghị định để tạo điều kiện tái khởi động lại hàng trăm dự án đầu tư, dự án nhà ở có sử dụng quỹ đất có nguồn gốc thuộc Nhà nước

Hiệp hội này đề nghị Chính phủ ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp, xử lý tài sản công”, để xử lý có tình có lý, tạo điều kiện tái khởi động lại hàng trăm dự án đầu tư, dự án nhà ở có sử dụng quỹ đất có nguồn gốc thuộc Nhà nước quản lý.

Việc xử lý này theo nguyên tắc đảm bảo không làm thất thoát tài sản công và không làm thất thu ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Đề nghị Chính phủ ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015/NĐ-CP Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”, trong đó có các cơ chế, chính sách khả thi, trong đó có chỉ tiêu dân số, để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng lại hàng trăm nhà chung cư cũ, hư hỏng hiện nay.

Điều này nhằm thực hiện tái định cư cho các hộ gia đình có nhà ở tốt hơn chỗ ở cũ, thực hiện chỉnh trang tái phát triển các khu vực đô thị cũ.

Cuối cùng, tổ chức này đề nghị Chính phủ ban hành “Nghị quyết về các giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp” với các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, tiếp cận đất đai, rút gọn thủ tục đầu tư xây dựng… nhằm cung ứng loại căn hộ nhà ở thương mại giá thấp (1-2 phòng ngủ).

Theo đó, mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 đối với các tỉnh và mức giá không quá 25 triệu đồng/m2 đối với các đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1.

Điều này nhằm tạo cơ sở, động lực tích cực cho thị trường bất động sản năm 2021 phát triển ổn định và bền vững. Đồng thời giải quyết được nhu cầu nhà ở thực của đông đảo người thu nhập thấp đô thị, cán bộ công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động, người nhập cư.

Tạo điều kiện giải quyết nhu cầu nhà ở thực của người thu nhập thấp đô thị, người nhập cư…

5 đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong năm 2021, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét “Đề án sửa đổi Luật Đất đai 2013” để có thể sớm ban hành Luật Đất đai (mới). Đồng thời đề nghị xem xét ban hành mới Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Quy hoạch đô thị; Luật Đấu thầu; Luật Du lịch.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Ngân sách nhà nước; Bộ Luật Dân sự để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và liên thông của hệ thống pháp luật.

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật để có thể tái khởi động lại dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).

Hiệp hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại quy định của Luật PPP đã bãi bỏ các dự án PPP có giá trị dưới 200 tỷ đồng (trừ y tế, giáo dục – đào tạo). Tổ chức này này cho rằng nhu cầu đầu tư các dự án PPP có giá trị thấp dưới 200 tỷ đồng trên địa bàn cấp huyện, cấp xã (nhất là vùng sâu, vùng xa) là rất lớn và phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.

Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để khôi phục lại các dự án đầu tư PPP đối với các dự án PPP có giá trị dưới 200 tỷ đồng tại các tỉnh, trước hết là các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.

Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung “Chương trình mục tiêu phát triển nhà ở xã hội” khi ban hành “Nghị quyết ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025”. Điều này nhằm để có nguồn ngân sách nhà nước thực hiện tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở.

Cuối cùng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bỏ quy định bất hợp lý về việc quyết định phá dỡ nhà chung cư hư hỏng (chưa đến mức độ nguy hiểm cho người sử dụng, cấp D) phải được toàn bộ 100% chủ sở hữu nhà chung cư nhất trí, vì không khả thi và không phù hợp thực tiễn.

Nguồn: Viet Build Forum