Vi chất dinh dưỡng có vai trò thiết yếu trong sản xuất năng lượng, tham gia hoạt động của nhiều cơ quan và tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Vì vậy, bổ sung thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng cho sức khỏe, sự phát triển và trí thông minh của trẻ.
Chế độ ăn uống không hợp lý, trong đó thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ nhỏ. Đây là tình trạng phổ biến, nếu để kéo dài sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, chậm lớn… Vậy cần bổ sung dinh dưỡng như thế nào để giúp trẻ ăn ngon và tăng cân đúng chuẩn?
Vi chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với sức khỏe của trẻ
Vi chất dinh dưỡng bao gồm bao gồm các vitamin và khoáng chất. Cụ thể như các vitamin A,B,C,D,E…; các nguyên tố khoáng: can xi, phốt pho, sắt, kẽm, i-ốt, selen, đồng …
Nếu trẻ bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, sức đề kháng của trẻ sẽ bị suy giảm, trẻ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, dễ mắc bệnh, hoạt động trí não và khả năng học tập kém…
Cách bổ sung vi chất dinh dưỡng hiệu quả và an toàn nhất là thông qua chế độ ăn uống, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày.
Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng giúp trẻ khỏe và thông minh
Vitamin A
Ngoài vai trò bảo vệ mắt, vitamin A còn giúp trẻ tăng trưởng, tăng sức đề kháng với bệnh tật… Thiếu vitamin A, trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh: sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu vitamin A là quáng gà, khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin A là thịt gia cầm, gan động vật, lòng đỏ trứng…; Các loại rau, trái cây có màu đỏ hoặc vàng như cà chua, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài, cam… Hoặc các loại rau có màu xanh đậm như cải bó xôi, rau ngót, rau muống, bông cải xanh…
Vitamin B1
Vitamin B1 rất cần cho hoạt động của hệ thần kinh của trẻ. Biểu hiện khi trẻ thiếu vitamin B1 là quấy khóc, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, chậm tăng cân…
Nguồn thực phẩm giàu vitamin B1 dồi dào là sữa mẹ, sữa bò, trứng, ngũ cốc thô, gạo không xay xát kỹ… Không nên nấu rau, ngũ cốc quá chín vì vitamin B1 sẽ bị phá hủy khi ở nhiệt độ cao.
Vitamin C
Vitamin C là chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Nếu thiếu vitamin C cơ thể trẻ dễ bị bầm da, chảy máu nướu răng hoặc mắc bệnh đường hô hấp.
Nguồn cung cấp vitamin C chủ yếu trong các loại rau màu xanh đậm, các loại trái cây như cam, quýt, lê, táo; các loại đậu…
Vitamin E
Vitamin E là chất chống oxy hóa quan trọng đối hoạt động của não bộ. Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, khoai lang, quả kiwi, rau màu xanh sẫm…
Vitamin D
Vitamin D giúp điều hòa hàm lượng canxi trong máu và xương. Nếu thiếu vitamin D, cơ thể dễ gặp các bất thường ở xương và có nguy cơ cao bị viêm nướu.
Các loại thực phẩm giàu vitamin D là hải sản, trứng, sữa… Trẻ cần được tắm nắng thường xuyên để cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể.
Sắt
Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em gây suy dinh dưỡng, kém thông minh, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng… Vì vậy trong chế độ ăn của trẻ cần bổ sung các thực phẩm giàu sắt như: thịt, gan, trứng, tiết; các loại rau như dền, ngót, muống, đậu đỗ…
Kẽm
Thiếu kẽm có thể dẫn đến một số rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa, thần kinh, sự tổng hợp bài tiết của nhiều hoóc môn tăng trưởng quan trọng khác. Trẻ bị thiếu kẽm thường có biểu hiện suy giảm tiêu thụ năng lượng như chán ăn, chậm tiêu, khó ngủ, mất ngủ, quấy khóc; hay mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa… Trẻ chậm tăng cân và chiều cao, dễ bị suy dinh dưỡng.
Nguồn thực phẩm giàu kẽm là: tôm, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng…
I-ốt
Khi thiếu i-ốt, cơ thể sẽ phát sinh nhiều bệnh tật và các rối loạn chuyển hóa khác. Thiếu i-ốt liên tục ở trẻ em có thể khiến trẻ chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng, giảm khả năng trí tuệ, giảm chỉ số thông minh…
Để phòng ngừa, cần bổ sung thực phẩm giàu i-ốt như các loại trái cây tươi, thịt và sữa; hải sản: tôm, cua, cá, ghẹ, rong biển, tảo biển; các loại rau xanh đậm, rau dền, rau đay, mồng tơi… Sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong ăn uống.
Phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ
Để chủ động phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ, các bà mẹ cần lưu ý:
– Cho trẻ bú sớm ngay sau sinh, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ cùng với ăn bổ sung hợp lý đến 24 tháng tuổi.
– Bữa ăn của trẻ cần lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, đủ chất.
– Đa dạng hóa bữa ăn trong gia đình.
Khi được ăn uống đủ chất dinh dưỡng, trẻ sẽ khỏe mạnh, phát triển toàn diện về thể chất và trí thông minh.
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống