Trang chủ Tiêu dùng Nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đồng loạt tăng giá

Nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đồng loạt tăng giá

21
0
Chia sẻ

Người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp bày tỏ lo ngại khi giá các mặt hàng thiết yếu lẫn nguyên vật liệu đều lần lượt tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Cầm trên tay 5 chiếc bánh xèo vừa mua, chị Quỳnh (quận 7, TP.HCM) thở dài vì người bán thông báo tăng giá. “Sáng nay đi mua dầu ăn cũng được báo tăng giá. Sau dịch, thu nhập giảm mạnh nhưng mua thứ gì cũng thấy tăng giá từ xăng xe đến hàng hóa, thực phẩm”, chị nói.

Thực tế hiện nay song song với đà tăng của xăng dầu, gas, giá nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến cước vận tải… đều tăng mạnh khiến giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đồng loạt tăng. Nhiều cửa hàng kinh doanh các thực phẩm chế biến sẵn cũng phải tăng giá hoặc giảm phần ăn.

Nhiều mặt hàng tăng giá

Chị Vân, chủ tiệm tạp hóa trên đường Phạm Hữu Lầu (quận 7, TP.HCM) cho biết hơn 1 tháng nay rất nhiều mặt hàng tiêu dùng được thông báo tăng giá.

Điển hình, dầu ăn Happy Koki chai 1 lít là 40.000 đồng, dầu ăn Neptune 1 lít 52.000 đồng, dầu ăn Simply 1 lít 56.000 đồng/chai, dầu ăn Tường An 1 lít là 47.000 đồng. So với thời điểm đầu tháng 5, mỗi chai dầu ăn đều tăng giá 3.000-5.000 đồng/chai, tùy loại và đang có xu hướng tăng lên.

Tương tự, anh Lê Huỳnh, chuyên phân phối dầu ăn tại TP.HCM cũng thừa nhận giá dầu ăn đang tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu dừng lại. “Tôi nghe thông tin loại dầu ăn Tường An chuẩn bị tăng lên 1.500 đồng/lít”, anh nói.

Một tiểu thương tại chợ Xóm Chiếu (quận 4) cho biết hiện giá thịt heo đã giảm 5-10%, thịt ba rọi ở mức 135.000 đồng/kg, sườn non giá 160.000 đồng/kg, sườn giá 120.000 đồng/kg, nạc xay 110.000 đồng/kg.

“Tuy nhiên giá xăng tăng khiến chi phí vận chuyển cũng tăng theo. Chưa kể túi nylon trước đây 40.000 đồng/kg nay cũng tăng lên 45.000 đồng/kg”, tiểu thương này cho biết.

Biến động giá các mặt hàng tiêu tiêu dùng chủ yếu là do giá lương thực, xăng dầu và gas tăng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM cũng cho biết từ đầu tháng 10 đến nay nhiều nhà sản xuất, cung ứng đề nghị tăng giá bán, trong đó tập trung vào nhóm ngành hàng thực phẩm, công nghệ và tươi sống với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng.

Đại diện Saigon Co.op cho biết một số nhà cung cấp đã liên hệ đề nghị tăng giá bán tuy nhiên phía siêu thị đã đề nghị giữ giá theo hợp đồng đã ký trước đó. Hiện giá cả các mặt hàng trong hệ thống hiện không tăng, thậm chí còn giảm so với trước do đang áp dụng chương trình khuyến mại.

Cụ thể, các mô hình bán lẻ của Saigon Co.op sẽ giảm giá từ 20-50% cho 10.000 sản phẩm thiết yếu như: Các loại sữa, dầu ăn, nước ngọt, dụng cụ nhà bếp, thủy hải sản, thực phẩm chế biến sẵn, gia vị, rau củ quả, bia, nước giải khát… nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng.

Giá xăng dầu, gas tăng nhanh chóng mặt kéo theo giá hàng hóa, thực phẩm cũng tăng theo khiến người dân càng thêm khốn đốn sau đại dịch. Nhiều người lo ngại, với đà tăng giá này, từ nay đến Tết, giá hàng hóa có nguy cơ tăng cao nữa, các hàng quán cũng theo đó nâng giá, ảnh hưởng rất nhiều tới việc chi tiêu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hóa thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao.

Doanh nghiệp sản xuất áp lực trước đà tăng giá

Không chỉ người tiêu dùng, ngay cả doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh… cũng đang gặp thách thức không nhỏ trước bài toán tái phục hồi sau dịch. Chi phí nhân công, nguyên vật liệu… đồng loạt tăng mạnh khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhất là sau thời điểm giãn cách kéo dài.

Bà Đặng Thị Phương Ninh – Giám đốc Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải -Cofidec (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) cho biết công ty đang tiếp tục tuyển dụng thêm công nhân vì còn thiếu khoảng 25-30% lao động so với nhu cầu tuy nhiên vẫn rất khó tuyển dụng được.

Đặc biệt, hiện nay doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn về chi phí phụ liệu tăng rất cao. “Mặt hàng nào cũng tăng giá, trong đó, dầu ăn là phụ liệu tăng cao nhất, khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020 và dự kiến còn tăng cao hơn nữa”, bà thở dài.

Lãnh đạo Cofidec cho biết từ thời điểm đầu năm nay giá các loại nguyên phụ liệu đã tăng nhưng đến thời điểm gần đây giá bắt đầu tăng vọt. “Hiện khâu vận chuyển, nguyên liệu, lao động đều ổn định, chỉ có giá cả tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về chi phí”, bà nói.

Hiện, xi măng và sắt thép cũng đồng loạt tăng giá đẩy nhiều nhà thầu xây dựng vào tình thế khó. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Trương Chí Thiện – Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt – cho biết mọi chi phí sản xuất đều tăng từ bao bì, vỉ nhựa đựng trứng đến lương nhân công. Trong khi đó, sức mua của người dân ở kênh chợ truyền thống và siêu thị đều giảm mạnh.

Ông cho biết phải mua vỉ nhựa đựng trứng với giá cao gấp rưỡi trước đây nhưng số lượng cũng hạn chế. Các nhà máy sản xuất bao bì cũng gặp khó khăn vì thiếu lao động, không mua được nguyên liệu sản xuất.

“Chúng tôi thường dự trữ bao bì đủ dùng cho 1 tháng nhưng đến khi cả thị trường đều thiếu, nhà cung cấp chậm giao hàng cũng khó xoay xở” ông Thiện nói và cho biết dù nguyên phụ liệu tăng giá và phí giao hàng tăng cao, nhưng vẫn giữ nguyên giá trứng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thảo Viên – Giám đốc nhân sự của CJ Food Việt Nam và CJ Cầu Tre – cũng cho biết hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn về nguồn lao động và chi phí nguyên liệu sản xuất tăng cao. “Giá xăng dầu tăng khiến giá tất cả các loại nguyên liệu cũng tăng theo. Lúc này đầu vào tăng mạnh nhưng đầu ra chỉ tăng không đáng kể”, bà nói.

Bà Viên cho biết quan điểm của doanh nghiệp vẫn phải giữ giá bình ổn, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, không thể tăng giá bán trong bối cảnh thu nhập người dân giảm mạnh.

Nguy cơ lạm phát tăng?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng đầu năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020 – mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; lạm phát 10 tháng qua tăng 0,84% – thấp nhất kể từ năm 2011.

Trong tháng 10/2021, chỉ có 3 nhóm hàng hóa là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm giá trong khi 8 nhóm hàng hóa khác tăng. Biến động giá tiêu dùng chủ yếu là do giá lương thực, xăng dầu và gas tăng.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả – cho rằng khi các chi phí đầu vào như xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi tăng… sẽ cảnh báo nguy cơ lạm phát. Thực trạng này đang ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian ngưng trệ.

Ông cho biết giá nhiên liệu tăng tác động trực tiếp và gián tiếp đến hầu hết lĩnh vực, đẩy CPI tăng. Các doanh nghiệp vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ, nông nghiệp sử dụng xăng dầu… chịu ảnh hưởng trực tiếp.

“Còn các loại hàng hóa đến tay người tiêu dùng thông qua khâu vận chuyển sẽ chịu tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng. Khi giá xăng tăng, chi phí sản xuất tăng, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng”, ông nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng giá xăng dầu trong nước phụ thuộc lớn vào giá xăng dầu thế giới. Hiện nay có 2 đơn vị liên quan đến quyết định tăng hay giảm giá xăng dầu là Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế.

Quỹ Bình ổn giá đang dần cạn. Bộ Tài chính ước tính số quỹ này hiện chỉ còn khoảng 600 tỷ đồng. Việc điều tiết về thuế cũng cần phải được tính toán, cân nhắc, bởi giảm thuế sẽ gây áp lực lên nguồn thu ngân sách.

Ông Long cho rằng lúc này các ngành phải cùng vào cuộc, cần phải làm tốt công tác dự báo giá xăng dầu, từ đó có kịch bản điều hành phù hợp, tránh bị động. “Cùng với đó, là các giải pháp hỗ trợ về tài chính, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, sớm khôi phục sản xuất”, ông nói.

Chỉ đạo công tác điều hành giá quý IV/2021 trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao các bộ ngành, địa phương cần tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.

“Đây là những việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đã làm hàng năm, nhưng năm nay có đặc thù là nền kinh tế bị tác động nặng nề của dịch bệnh cho nên cần lưu ý để tổ chức công tác dự trữ, bình ổn hợp lý”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn: VietNamNet