Mua hàng online trở thành kênh mua sắm quan trọng bậc nhất giúp cho Thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng 18% ngay trong mùa dịch. Hiếm có thị trường nào trong khu vực Đông Nam Á đạt mức tăng trưởng 2 con số như vậy trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Những con số…
Ngay trong giai đoạn giãn cách theo các Chỉ thị 15 và 16 ở khu vực phía Nam, thương mại điện tử càng khẳng định vai trò là một trong những kênh cung cấp hàng hóa chủ yếu, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm.
Ngành thương mại điện tử Việt Nam có mức tăng trưởng 16% vào năm 2020. Bước sang năm 2021, theo báo cáo công bố gần đây của Google, Temasek Holdings (Singapore) và Bain & Company (Mỹ), ngành thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 53%, góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng 31% trong năm nay.
Việc mua hàng qua kênh thương mại điện tử đã và đang trở thành thói quen của nhiều cá nhân, hộ gia đình tại Việt Nam khi trải qua đợt dịch thứ 4 bùng phát trong cộng đồng.
Qua đó, thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy. Trong 9 tháng đầu năm, thanh toán qua di động tăng hơn 76% về số lượng và 88% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; thanh toán qua Internet cũng tăng hơn 51% về số lượng và hơn 29% về giá trị.
Và đằng sau những con số
Dịp cuối năm, các sự kiện, chương trình về thương mại điện tử diễn ra dày đặt. Sau Ngày độc thân 11.11 lại đến Black Friday 26.11, tiếp đó là Tuần lễ Thương mại điện tử từ 27.11-4.12, Online Friday 2021 từ ngày 3-5.12…
Dù số đơn hàng, giá trị giao dịch tăng 2-3 lần. Tuy nhiên, về chất lượng các giao dịch nói chung và sản phẩm hàng hóa nói riêng vẫn là điểm yếu cố hữu của ngành thương mại điện tử Việt Nam trong nhiều năm qua mà cho tới nay chưa được cải thiện tương xứng.
Người viết bài này đặt mua trên sàn thương mại điện tử T. bộ bàn ăn mặt đá marble và 4 ghế nệm tại TPHCM. Hàng giao đến, một ghế bị cập kênh vì chân thấp chân cao. Nhưng người giao hàng thì cứ nói xí xóa: “Cập kênh một tí, tự chỉnh được mà”. Ghế nệm thì ngồi khoảng một tuần đã xẹp lép tới mặt gỗ lót. Nhà bán hàng thì rất ít tương tác khi xảy ra khiếu nại của người tiêu dùng.
Một tình huống khác, anh Hùng (Quận 4, TPHCM) đặt mua bộ đèn bàn ăn từ một shop ở Hà Nội, dù đã chat qua hệ thống của sàn L. dặn đi dặn lại shop cần kiểm tra kỹ trước khi giao hàng đi. Nhưng khi hàng tới tay người tiêu dùng, vẫn bị thiếu ốc vít, khiến cho tổng thời gian hoàn tất đơn hàng bị kéo dài hơn cả tuần.
Chị Tuyết (quận Bình Thạnh, TPHCM) là người thích và thường xuyên mua hàng online nhưng cũng hay “chuốc vào mình” sự bực dọc sau khi nhận hàng mua từ một số sàn thương mại điện tử lớn.
“Nhiều món hàng ghi giảm 20-30%, thậm chí hơn 40%. Tuy nhiên khi so sánh với mức giá trước đó, mới thấy rất nhiều shop tự nâng giá sản phẩm lên trong dịp ngày hội mua sắm trực tuyến, sau đó chiết khấu giá mạnh để tạo cảm giác giảm giá sâu cho người mua từ 30-50%. Nhưng thực chất, mức giảm chỉ bằng một nửa tỉ lệ này”, chị Tuyết cho biết.
Có đến 1.001 tình huống mua hàng online dở khóc dở cười về chất lượng. Đó cũng chính là những vấn đề đằng sau chưa thể phản ánh qua những con số tăng trưởng đẹp đẽ, cho thấy chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng.
Chị Tuyết cho rằng, vấn đề chất lượng nằm ở 3 bên. Thứ nhất là shop bán không tuân thủ cam kết chất lượng, không ít shop làm ăn chụp giật. Thứ hai, sàn thiếu sự kiểm soát, chủ yếu chạy theo tăng trưởng. Thứ ba là không ít người tiêu dùng còn dễ dãi chấp nhận mua hàng kém chất lượng giá rẻ, vì thế những hàng hóa này vẫn có môi trường để tồn tại.
Nguồn: Lao động