Nuôi dạy con thành một đứa trẻ tử tế là điều cần thiết. Tuy nhiên cũng cần có nguyên tắc nhất định. Trong 4 trường hợp dưới đây, trẻ nên học cách từ chối.
1. Không giúp những người mạnh mẽ hơn mình
Một ngày nọ, một phụ huynh vì bận rộng nên đến trường đón con muộn. Một kẻ bắt cóc trẻ em đã nhân cơ hội này lừa cậu bé: “Cậu bé, chú bị mất cái chìa khóa trong nhà vệ sinh, cháu có thể tìm giúp chú được không?”.
Anh ta muốn đứa trẻ đi cùng mình vào nhà vệ sinh nhưng cậu bé ngay lập tức không đồng ý. Anh ta bực mình chất vấn: “Cậu bé, cháu không được dạy phải giúp đỡ người khác à?”.
Đứa trẻ nhìn anh ta và chạy ngay đến chỗ cô giáo của mình. Kẻ bắt cóc thấy vậy liền chuyển mục tiêu sáng đối tượng khác, 10 phút sau một đứa trẻ khác đã mắc bẫy. Thật may là khi anh ta định lái xe đi thì cảnh sát đến. Thì ra, cậu bé đầu tiên đã nói với cô giáo rằng anh ta là người xấu, dù hơi ngờ vực nhưng cô giáo vẫn báo cảnh sát.
“Làm sao con biết chú đó là người xấu?”, cô giáo hỏi. Cậu bé trả lời: “Mẹ con bảo nếu người lớn nhờ con giúp đỡ, hãy bỏ qua họ. Vì nếu một người lớn gặp khó khăn, chắc chắn họ sẽ tìm được một người lớn khác, mạnh mẽ hơn để nhờ giúp đỡ. Một đứa trẻ yếu ớt không cần phải giúp một người lớn mạnh mẽ”.
Hãy nhớ đàn ông trưởng thành không nhờ phụ nữ mang thai hay người già giúp mình. Người lớn không nhờ trẻ em giúp sức. Vì thế, con không cần thể hiện lòng tốt khi một người lớn khỏe mạnh nhờ con giúp đỡ.
2. Không giúp đỡ người khác trong môi trường kín
Trời mưa tầm tã, một thai phụ thấy một người đàn ông ngủ gật bên ngoài hiên nên đã mời anh ta vào nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, sau khi được chủ nhà cho ăn uống tử tế, thiết đãi đàng hoàng, anh ta phát hiện ra chỉ có mình cô ở nhà nên đã đe dọa và bắt cô đưa tiền cho mình.
Trong một không gian khép kín như vậy, chỉ có hai người, không thể kêu cứu ai, lại bụng mang dạ chửa, thai phụ đành phải đưa cho anh ta 10.000 nhân dân tệ (34 triệu đồng).
Khi chuyển từ một không gian mở sang kín, không có sự hiện diện của mọi người xung quanh, chỉ hai người mặt đối mặt, thật khó biết được đối tượng sẽ làm gì với con. Lúc trước, đó có thể là một quý ông rất lịch sự, nhưng chỉ còn con và ông ta, rõ ràng con trở thành đối tượng yếu đuối hơn và có thể bị bắt nạt.
Do đó, con hay luôn nhớ rằng, giúp đỡ người khác có thể là điều tốt, nhưng cố gắng đừng đưa mình vào một không gian kín và không có sự giám sát của mọi người xung quanh.
3. Lòng tốt có thể gây hậu quả xấu
Một đoàn khách đến khu Hy Nhĩ bí ẩn, họ gặp một con linh dương Tây Tạng rất đáng yêu. Thấy con vật nhỏ bé, dễ thương, khách chụp ảnh, lấy thức ăn và nước uống cho nó. Đột nhiên, một tiếng gầm vang lên: “Đi đi!”, thì ra là Đội trưởng của khu bảo tồn tới, đuổi con linh dương đi và yêu cầu khách không cho linh dương ăn. Người khách tức giận hỏi lại: “Anh đang làm gì vậy? Sao anh đối xử với động vật thô lỗ như thế? Chúng tôi chỉ cho nó ăn chứ có làm gì đâu?”.
“Nếu anh quá thân thiện với động vật hoang dã, chúng sẽ nghĩ rằng con người rất tốt bụng. Nên khi gặp phải những kẻ săn trộm, chúng có thể bị bắt”, người đội trưởng trả lời.
Con hãy ghi nhớ rằng, lòng tốt của con có thể trở thành điều xấu vì sự tham lam, ích kỷ của người khác. Vì vậy cần chú ý đến kết quả khi con muốn thể hiện lòng tốt của mình.
4. Lòng tốt phải có mức độ
Hai gia đình là hàng xóm lâu năm của nhau, mối quan hệ trước đây khá tốt, dù một nhà giàu và một nhà nghèo. Năm đó, vùng quê mất mùa, nhà nghèo không có thu hoạch và có nguy cơ chết đói. Gia đình giàu đã mua một thùng gạo mang tặng cho gia đình nghèo.
Gia đình nghèo biết ơn gia đình giàu, coi họ là ân nhân của mình, nên sau đó đã sang cảm ơn. Khi biết nhà nghèo không còn hạt giống gieo trồng cho mùa sau, nhà giàu lại cho một bao thóc. Mang thóc về nhà, người nghèo nghĩ, “Chỗ gạo này có thể làm gì, ngoài việc ăn, đâu đủ làm hạt giống cho mùa sau. Gia đình kia rất giàu, lẽ ra nên cho nhiều hơn”.
Những lời khiếm nhã này đến tai người giàu. Người giàu vô cùng tức giận và nghĩ: “Mình đã cho anh ta lương thực một cách vô ích, anh ta không biết ơn mà còn đòi hỏi hơn, anh ta không phải là con người”. Từ đó, hai gia đình coi nhau như kẻ thù.
Khi ta cho một người đói một bát cơm, người đó sẽ biết ơn ta. Tuy nhiên, nếu ta tiếp tục cho thêm cơm, người đó coi việc làm của ta là điều hiển nhiên. Một bát không đủ, hai bát không đủ, ba bốn bát anh ta vẫn không hài lòng.
Đây là điều ta thường gặp trong cuộc sống. Lần đầu tiên ta giúp đỡ một người, người đó sẽ cảm ơn ta. Lần thứ hai, lòng tốt của ta đã bị xem nhẹ. Sau nhiều lần anh ta sẽ nghĩ đây là điều ta nên làm cho họ, và họ có thể giận dỗi nếu không được giúp đỡ nữa.
Do đó, sự giúp đỡ cũng cần có giới hạn. Khi một người không biết suy nghĩ về tương lai đề nghị giúp đỡ, con không cần phải tử tế với họ.
Nguồn: Gia đình mới