Sự đời, có những người mẹ rơi vào hoàn cảnh bi đát đến cùng cực dẫn đến việc đi cho tặng con. Họ phải trải qua chuỗi ngày cay đắng, tủi nhục cùng nỗi ân hận thấu trời. Và rồi, cả phần đời còn lại, họ mải miết cho việc kiếm tìm để chuộc lỗi…
Về đây, mẹ sẽ bỏ hết công việc để ôm con
Những ngày này, có lẽ là khoảng thời gian vui nhất cuộc đời của bà Lê Thị Ngọc Lan (66 tuổi), khi bà đã tìm được đứa con trai thất lạc hơn 40 năm qua. Để có được cái kết tuyệt vời như thế, bà Lan đã mất hơn nửa cuộc đời sống trong khổ đau và ân hận. Câu chuyện cho con của bà Lan gắn liền với cuộc tình vụng dại giữa cậu chủ và cô giúp việc. Nó lâm li, bi đát như là một thước phim buồn.
Bà Lan sinh ra ở Q. Bình Thạnh (Tp. Hồ Chí Minh), 17 tuổi bà xin vào làm giúp việc cho gia đình ông Trương Hữu Phước ở Q.10. Gia đình ông Phước có 3 thế hệ cùng chung sống, vợ chồng ông sinh được 6 người con, ba trai, ba gái. 18 tuổi, cậu hai Trương Phước Đạt phải lòng cô giúp việc hiền lành, chịu khó Ngọc Lan.
Chuyện tình lén lút cho tới ngày Lan mang thai. Gia đình ông chủ biết chuyện cô giúp việc có bầu nhưng không biết tác giả là ai. Bà chủ cho một ít tiền rồi khuyên Ngọc Lan trở về nhà ở ẩn. Ngọc Lan về nhà bà nội ở dưỡng thai, cậu hai Đạt thường xuyên qua lại cho tiền và chu cấp mọi thứ. Ngày trở dạ, cậu hai túc trực bên cạnh, làm giấy khai sinh đặt tên con là Trương Thanh Long (SN 1976) có cha là Trương Phước Đạt.
Sau ngày sinh con, Lan ở với bà nội. Nhưng khi bà mất, người chú lấy lại nhà, hai mẹ con lâm cảnh bơ vơ không nơi ở. Lúc này, nhà nước có chủ trương khuyến khích dân đi vùng kinh tế mới ở Bình Phước, Lan bồng con ra đi. Ở vùng kinh tế mới, cuộc sống càng khó khăn trăm bề, con trai đau ốm suốt, Lan lại ẵm con quay trở về thành phố. Cô đánh tin cho cậu hai biết, cậu lại cho tiền để nuôi con. Bí mật này tưởng như sẽ được hai người giữ mãi, nhưng ông trời đã an bài tất cả.
Cậu bé Trương Thanh Long nay ốm mai đau, hai mẹ con lăn lóc ở lề đường, vỉa hè, có lần hóc xương cá, may được hàng xóm tốt bụng đưa đi bệnh viện. Bác sĩ phải mổ hai vệt dưới cổ để lấy xương ra, sức khỏe đứa trẻ yếu đi từng ngày. Không còn cách nào khác, Lan đành phải về nhà ông chủ, nói cho bà Tám biết sự thật.
Bà Tám đi sang nhà bế đứa trẻ về, dúi vào tay bà Lan 200.000 đồng. Đồng thời, mỗi tháng cho Lan qua thăm con một lần. Cậu bé Trương Thanh Long được thay tên và đổi danh phận. Trong gia đình, ngoài bà Tám, cậu hai Đạt ra, không một ai biết được sự thật này. Từ đây, đứa trẻ có tên trong giấy tờ là Trương Hữu Phúc, có nguồn gốc là trẻ con nhà nghèo, ba mẹ không có khả năng nuôi nên gia đình bà Tám nhận làm con nuôi. Trương Hữu Phúc được xem là con út trong gia đình, gọi ông bà chủ là ba mẹ, gọi cậu Đạt (cha ruột) là anh.
Lan qua lại thăm con, bà Tám dặn không được xưng má mà phải xưng là chị Hai. Thôi thì là gì cũng được, miễn sao được nhìn thấy con, ôm con vào lòng cho thỏa nỗi niềm nhớ thương. Năm 1981, gia đình ông bà chủ đi định cư tại Đức. Lần cuối cùng sang thăm con, Lan chết đứng khi thấy căn nhà cửa đóng im ỉm, người hàng xóm cho biết họ đã đi rồi. Lan ôm mặt khóc một hồi thì quay trở về. Nỗi nhớ con day dứt, cồn cào trong lòng của bà suốt những năm tháng sau đó.
Rồi bà đi bước nữa, sinh được 2 cô con gái. Gia đình làm đủ thứ nghề để sống, sau này bà Lan chuyển qua Q. 12 cùng con gái thuê mặt bằng bán cơm tấm. Dù biết con trai đã đi thật xa nhưng bà Lan luôn mong mỏi về tin tức của con. Thi thoảng bà lại trở về xóm nhỏ năm xưa, hỏi thăm con trai qua cô Tư, người họ hàng gia đình ông chủ cũ. Ở bên Đức, bà Tám vẫn nhớ đến Lan, lâu lâu gửi về cho một chút tiền. Tuy nhiên, điều bà Lan mong mỏi nhất là được biết tin về con trai, bà năn nỉ, cầu xin cô Tư chuyển lời giúp cho bà nói chuyện với cậu Phúc. Cô Tư bảo, gia đình bên đó đang giấu cậu Phúc về tất cả những gì đã xảy ra ở Việt Nam, kể cả người mẹ ruột.
Vô vọng tìm con, bà Lan đánh liều đi tới gõ cửa nhà cô Hai, người em ở Việt Nam của ông chủ. Cô Hai không chồng con lại đã già yếu, và không hề biết gì về chuyện bí mật của gia đình. Cô Hai đưa cho bà Lan một mẩu giấy của bì thư, có ghi địa chỉ của bà Tám ở bên Đức. Bà Lan nương vào đây mà tưởng tượng, hy vọng. Bà mang tờ giấy đi nhờ người ta tìm, rồi nhờ viết rất nhiều thư bảo đảm sang Đức. Thư đi mà không có hồi âm. Người đàn bà cả đời lam lũ, cơ cực, không chữ nghĩa, ít hiểu biết, cứ đi tìm con trong nỗi nhớ niềm đau khắc khoải.
Cuối năm 2020, câu chuyện của bà Lan được một người chia sẻ lên mạng xã hội. Lần này, cũng như bao lần khác, bà cố gắng làm mọi cách để tìm con mặc dù hy vọng thì rất mong manh. Chưa đầy một tháng sau, bà Lan nhận được cuộc gọi từ bên Đức, người đàn ông nói tiếng Việt lơ lớ giới thiệu mình là Phúc. Bà Lan không tin vào những gì mình vừa nghe thấy, tim bà đập thật nhanh, nước mắt trào ra, bà nghẹn mà không nói thành lời. Tuy nhiên, bà cũng trấn an lại mình, biết đâu có sự nhầm lẫn ở đây. Bà không nghĩ hạnh phúc đến quá đỗi ngọt ngào như thế này.
Bà hỏi về gia đình, tên của những người thân. Tất cả đều được người tên Phúc trả lời đầy đủ, đúng hết. Cuối cùng, là vết sẹo ở cổ, đều phù hợp với đứa con tên Thanh Long ngày xưa bị hóc xương cá phải mổ. Tiếng “má” thân thương được phát ra từ bên trời Âu khiến bà Lan như rụng rời chân tay, bà chỉ biết khóc mà thôi.
Hơn 40 năm xa rời “giọt máu” từ mối tình vụng dại, biết bao bi kịch đã ập xuống cuộc đời người đàn bà chân chất, thật thà này. Đã có lúc trên dòng đời nghiệt ngã, bà muốn buông xuôi nhưng rồi hình ảnh của đứa con bé nhỏ, nỗi ân hận của người mẹ không thể nuôi nổi con cứ ám ảnh, vây riết lấy suy nghĩ của bà. Bà cố sống, để tìm con, đó là tâm nguyện cuối cùng và duy nhất của bà Lan. Nay được nghe giọng nói của con sau ngần ấy năm mong ngóng, bà Lan vẫn chưa thể mãn nguyện. Bà muốn được một lần nhìn ngắm hình hài của con.
Tặng con 4 triệu và gần 30 năm day dứt đi tìm
20 tuổi, Đặng Thị Hồng (SN 1969, quê Hải Hậu, Nam Định) vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn. Năm 1992, Hồng lấy chồng ở Lộc Ninh (Bình Phước). 2 năm sau, cuộc sống bế tắc, gia đình lạnh nhạt, Hồng bỏ đi với suy nghĩ chết ở đâu thì chết, mặc kệ cuộc đời. Hồng không thiết sống nhưng ông trời chưa cho chết, lại ban tặng cho hai sinh linh bé nhỏ trong bụng. Hồng tới Bệnh viện Từ Dũ, được các chị em ở đây thương, cho một chân dọn dẹp vệ sinh. Ngày làm việc, tối Hồng lang thang, vạ vật, nằm đâu ngủ đó.
Ngày nằm trên bàn mổ, Hồng vẫn mang trạng thái buồn bã, đau khổ, bất mãn với cuộc sống. Hai thiên thần một trai một gái lành lặn chào đời, Hồng đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Người ta ái ngại cho hoàn cảnh của bà mẹ đơn thân, không nhà cửa, không tiền bạc thì lấy gì nuôi con, để người khác nuôi chúng nó sẽ được ăn học đàng hoàng. Họ hỏi Hồng, có muốn cho con không? Hồng khóc một hồi thì gật đầu đồng ý.
Khoảng 5 ngày sau, có một ma sơ tới gặp Hồng, đưa cho tờ giấy ký tặng cho con kèm theo 4 triệu đồng. Hồng cầm toàn bộ số tiền đưa cho một người bạn mượn, 4 triệu đồng vào thời điểm năm 1994 trị giá gần bằng 1 cây vàng. Cho đến nay, người mượn vẫn chưa trả lại. Bà Hồng cho biết, dù có chết đói cũng không bao giờ bà dùng đến số tiền tặng con đó.
Ngày tháng trôi đi, khi sức khỏe tạm ổn, bà Hồng nhớ con, day dứt khôn cùng. Bà đi nhận giữ trẻ, chỉ để khỏa lấp nỗi nhớ con giày xéo ruột gan. Ngày xưa nông nổi dại khờ, bà Hồng còn chẳng nhớ mình sinh con vào ngày nào. Sau này bà nhờ người hộ lý đỡ đẻ năm đó tìm giúp. Cầm trên tay vỏn vẹn tấm giấy xác nhận ngày sinh, bà Hồng đi tìm lại người nhận con năm xưa, lòng vẫn nhen nhóm hy vọng, dù là mong manh, nhưng ma sơ đã mất rồi. Bà Hồng quay trở lại Bệnh viện Từ Dũ và may mắn gặp được y tá Loan. Bà Loan đã đưa cho bà Hồng tấm ảnh chụp hai con đang chơi đùa ở bãi cỏ, chúng cười thật tươi, hồn nhiên và đáng yêu vô cùng. Tấm ảnh do chính vợ chồng người Pháp chụp và mang về Việt Nam để tìm mẹ đẻ cho hai con nuôi vào năm 1997. Do không tìm gặp được bà Hồng nên họ gửi lại tấm ảnh cho bệnh viện. Bà Hồng luôn mang tấm ảnh bên mình, đó là kỷ vật quý nhất của người mẹ nửa đời lạc lối.
Bà Hồng cho biết, mình từng bị tai nạn giao thông, bác sĩ cho thuốc một ngày 1 viên thuốc nhưng bà uống 3 viên, uống nhiều năm như thế, trí nhớ của bà có vấn đề, nhớ trước quên sau, nhiều chuyện quá khứ đã quên lãng. Tuy nhiên, chuyện về hai đứa con song sinh thì chưa một phút giây nào người mẹ này quên được. Nước Pháp xa vời vợi, làm sao mẹ gặp được các con. Lúc này, bà Hồng cảm thấy tuyệt vọng, khổ đau tàn úa thân xác.
Tình mẫu tử luôn thôi thúc bà đi tìm con. Bà nhờ khắp nơi, gặp ai cũng hỏi, bà còn đăng ký cả chương trình “như chưa hề có cuộc chia ly”… Cuộc kiếm tìm vẫn mỏi mòn, chưa có hồi kết.
Nguồn: An ninh thế giới