Trong lễ Thanh minh, có bao nhiêu người về quê thăm mộ ông bà tổ tiên, có bao nhiêu người đi du ngoạn?
Ngày 2/4, đoàn tàu mang số hiệu 408 của Đài Loan chở 496 khách đã gặp nạn khiến hơn 200 người thương vong. Trong số đó có một cặp vợ chồng về quê trong lễ Thanh minh. Vào thời điểm xảy ra sự việc, người chồng nhận ra có điều gì đó không ổn, nhanh chóng dùng thân thể bảo vệ vợ. Toàn bộ quá trình chưa đến 10 giây. Trước khi chết, trong cuộc điện thoại cuối cùng gọi về nhà cho chị gái, người đàn ông khẩn khoản: “Dù thế nào hãy đưa em về nhà”.
Nhiều người lang thang bên ngoài suốt cuộc đời, đến khi nhắm mắt xuôi tay lại nhớ về ngôi nhà của mình. “Có một mái ấm để về và có người yêu thương chờ đợi là hạnh phúc lớn nhất đời anh”, người chồng trong câu chuyện đã từng nói với vợ như vậy.
Cách đây vài ngày, một người đàn ông họ Hồ ở Ôn Châu, Chiết Giang về quê An Huy tảo mộ. Khi bước chân vào nhà, nơi có người bố 80 tuổi sống một mình, anh bật khóc nức nở. Mẹ anh mất năm ngoái, từ đó bố anh sống cô độc. Sau hai ngày ở nhà, anh quyết định đưa cả gia đình nhỏ trở lại quê hương để sống cùng bố. Trong câu chuyện của mình, người đàn ông này viết: “Khi bố mẹ còn, tôi vẫn là đứa trẻ. Khi bố mẹ mất, tôi buộc trở thành người lớn”.
Người đàn ông nói, trước đây anh luôn nghĩ cha mẹ sẽ đợi mình trong căn nhà cũ. Nhưng thực tế sinh lão bệnh tử là quy luật không tránh được. “Nhà là nơi có cha mẹ. Không có cha mẹ thì nơi ở dù nguy nga đến đâu cũng chỉ là một ngôi nhà”, anh nói.
Trong chương trình “Xin chào cuộc sống”, năm người dẫn chương trình của đài CCTV Trung Quốc được đưa đến một đồng cỏ rộng lớn ở vùng Tân Cương, cùng hướng lên mặt trởi để xin một điều ước. Người dẫn chương trình Chu Tấn đã hét lên: “Mẹ, quay trở về đi, con nhớ mẹ”.
Mẹ của Chu mất được 10 năm. Ở tuổi 47 dù có sự nghiệp thành công và một gia đình hạnh phúc, nhưng điều cô nhớ nhất chính là ngôi nhà có hình bóng người mẹ. “Không có cha mẹ, mọi hạnh phúc và niềm vui đều không trọn vẹn. Không có cha mẹ, trái tim những người con biết hướng về đâu”, Chu thổn thức.
Phim ngắn từng đạt giải Oscar năm 2000 “Cha và con gái” chỉ kéo dài 9 phút, không thoại, không màu sắc nhưng gây ám ảnh lớn.
Đó là một cuộc chia ly đầy day dứt và nuối tiếc khi người cha chèo thuyền qua sông để lại đứa con gái còn rất nhỏ. Ngày ngày, cô bé đạp xe đến bờ sông chờ cha trở về. Những vòng xe cứ quay đều, quay đều, bất tận như năm tháng mòn mỏi cô bé đợi tin cha. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua, cô bé ngày nào đã trở thành thiếu nữ, lập gia đình, rồi có con. Bất chấp thời gian và thời tiết, dù là những ngày đẹp trời hay những ngày bão lốc, cô vẫn đến bến sông mong được gặp lại cha một lần. Mỗi lần đi qua con đường ấy, cô đều nhìn xa xăm về phía chân trời, nơi lưu giữ hình ảnh cuối cùng của người cha thân yêu.
Cuối cùng, đến lúc đã trở thành một bà lão già lưng còng tóc bạc, không đủ sức đạp xe nữa, cô dắt theo chiếc xe đến dòng sông năm xưa, nay đã trở thành những cồn cát trắng, cỏ hoang mọc đầy, tin vào một phép màu vô hình. Dù cuộc sống có ban tặng cho cô điều tốt đẹp gì, thì cha vẫn là một phần không thể thiếu trong cô.
Rồi cô đi bộ dưới lòng sông, bắt gặp chiếc thuyền cũ kỹ ngày đó nhưng giờ đã mất dấu người cha. Nằm trong chiếc thuyền nhỏ, bỗng dưng cô được sống lại thời trẻ dại và nhìn thấy người cha thân yêu. Nếu không thể gặp lại ông trong thế giới này thì cô có thể đoàn tụ với cha ở một nơi thiêng liêng tốt đẹp trong tâm tưởng. Thời gian có trôi đi vô tình, thì người cha vẫn luôn là tượng đài vĩnh cửu, là bờ bến yêu thương, là sự chờ đợi khắc khoải trong cô bé.
Có bao nhiêu người trong chúng ta đã chờ đợi bên bờ sông suốt cuộc đời. Biết rằng người thân không quay lại, cũng như hiểu rằng chẳng có thiên đường hay thế giới bên kia nhưng vẫn mong đến ngày đó. Hóa ra người thân từ lâu đã trở thành một phần cơ thể của chúng ta. Ngay cả khi họ ra đi vĩnh viễn, cảm giác tồn tại của họ sẽ theo suốt cuộc đời.
Một ngày trước khi qua đời, bà ngoại nói với mẹ tôi muốn có một chiếc điện thoại để nói chuyện video với con cháu. Mẹ và dì bàn bạc, ai có điện thoại không dùng thì mang cho bà. Nhưng bà ngoại lại ra đi bất ngờ. Sau này mỗi khi có người bỏ điện thoại cũ, mẹ lại nói: “Nếu lúc đó có chiếc điện thoại này cho bà ngoại thì hay quá”. Chiếc điện thoại cũ trở thành niềm tiếc nuối của mẹ tôi suốt cuộc đời. Đó cũng là điều ân hận vì bà nghĩ con gái đã không làm tròn chữ hiếu. Bây giờ mẹ tôi đã lên chức bà ngoại nhưng bà không bao giờ còn mẹ nữa.
Người ta thường nói: Trên đời này có hai thứ không được phép bỏ lỡ. Một là chuyến xe cuối cùng để về nhà, hai là người yêu bạn thật lòng.
Tôi hy vọng chúng ta không đợi đến khi mất đi rồi mới nhận ra rằng có một ngôi nhà để trở về là điều hạnh phúc nhất trên thế giới này.
Về nhà đi, trong khi có người ở nhà đang đợi bạn.
Nguồn: VnExpress