Rất nhiều người đang tin rằng bữa sáng là quan trọng nhất. Tuy nhiên, đứng ở góc độ dinh dưỡng, TS. BS Trương Hồng Sơn cho rằng ăn sáng hay không tuỳ thuộc vào nhu cầu của cơ thể.
Ăn sáng quan trọng nhất vẫn còn tranh cãi
Rất nhiều người đang cho rằng bữa sáng có vai trò rất cần thiết cho cơ thể sau 8 tiếng thức dậy. Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam, chủ đề vai trò của bữa sáng hiện vẫn đang được rất nhiều nhà khoa học tranh cãi.
Nhiều người đang nghĩ rằng ăn nhiều vào bữa sáng còn bữa tối ăn ít là cách tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều bằng chứng mạnh mẽ về vấn đề đó.
Hiện nay, trên thế giới có 2 trường phái quan điểm khác nhau về bữa sáng.
Quan điểm thứ nhất, coi bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Theo quan điểm này, sau 8 tiếng ngủ đêm cơ thể cần năng lượng để giúp cho bộ não tỉnh táo hơn. Bữa sáng sẽ giúp cho cơ thể có đủ năng lượng để hoạt động cả ngày hiệu quả.
Quan điểm thứ 2, lại cho rằng bữa sáng chỉ nằm trong tổng thể của một bữa ăn. Việc ăn sáng hay không sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng và cách sống.
“Tôi thấy trường phái coi bữa sáng là quan trọng hiện được nhiều người ủng hộ. Nhưng ít người biết đứng đằng sau những nghiên cứu đó là ngành công nghiệp thức ăn chế biến sẵn. Do bữa sáng mọi người dậy phải chuyển bị cho con đi học, vội vàng đi học nên thường dùng đồ ăn chế biến sẵn”, TS.BS Hồng Sơn giải thích.
Theo chuyên gia nên có cái nhìn đúng đắn hơn về bữa sáng. Việc ăn sáng hay không sẽ tùy thuộc vào cá thể của từng người.
Ví dụ, các nhà sư ngày xưa chỉ ăn từ sáng tới trưa và sau 12h họ không ăn nữa. Bởi vì, thời xưa không có điện khoảng 5-6h họ đã đi ngủ và dậy thường sớm 4h để quét dọn chùa, gánh nước, bổ củi nên ăn sáng rất sớm.
“Chúng ta hiện nay đang sống trong thời đại công nghiệp việc ăn sáng mang tính cá thể. Bữa sáng ăn hay không sẽ tùy thuộc vào cơ thể và nhu cầu cá thể của từng người. Ví dụ, như tôi thường lùi bữa sáng vào bữa trưa và đẩy bữa trưa thành bữa chiều. Bởi vì, vào buổi sáng tôi không thấy đói nên tôi không thể ăn.
Quan điểm cứ ăn 3 bữa/ ngày, bữa sáng là chưa thực sự đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ thể đã thấy đói mà không ăn sáng thì lại có thể gây ảnh hưởng tới dạ dày. Vì vậy, tôi khuyên mọi người hãy ăn theo nhu cầu của cơ thể”, TS. BS Hồng Sơn nói.
Nếu ăn sáng thì cần lưu ý
TS.BS Hồng Sơn cho hay, một bữa ăn sáng cần phải có tinh bột, protein, chất xơ và vitamin. Nên tránh ăn đồ chiên, xào, đồ ngọt, chất béo vào buổi sáng có thể gây ra đầy bụng, khó tiêu.
Đối với trẻ em, người có cân nặng ở mức thấp hoặc công việc bận rộn nên ăn sáng trong khoảng thời gian từ 7h-8h sáng. Người thừa cân, béo phì nên đẩy bữa sáng lên gần bữa trưa.
“Như vậy không có một khung giờ “vàng” ăn bữa sáng cho tất cả mọi người như rất nhiều người đang nghĩ”, TS.BS Hồng Sơn lưu ý.
Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo thêm, không nên ăn bữa tối quá muộn. Thời gian tốt nhất để ăn bữa tối là trước 19h và đi ngủ trước 23h. 4 tiếng là khoảng thời gian cần thiết để cho thức ăn trong dạ dày được tiêu hoá.
Nguồn: Soha