Triển vọng thị trường 3 tháng cuối năm vẫn chưa rõ ràng và phụ thuộc chủ yếu vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19 của Chính phủ.Nguồn cung có thể sẽ cải thiện so với 3 quý đầu năm nhưng chưa đủ sức làm thị trường phục hồi.Nhu cầu đầu tư bằng tiền mặt dịp cuối năm có thể tạo ra bong bóng ở một số địa phương.
Sau 9 tháng khó khăn do dịch Covid-19, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc vào quý cuối năm. Tuy nhiên, không phải góc nhìn nào cũng lạc quan.
Tiếp tục phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa đưa ra góc nhìn về triển vọng thị trường 3 tháng cuối năm, trong đó cho thấy hoạt động thị trưởng vẫn sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19 của Chính phủ. Cụ thể, theo đơn vị này, nếu Việt Nam kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh Covid-19, kinh tế trong nước hồi phục, tăng trưởng dương, lực cầu sẽ được tiếp sức để thị trường bất động sản nóng ấm, phục hồi trở lại.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cũng đưa ra dự báo tương tự khi cho rằng tương lai của thị trường vẫn phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch Covid-19. Nhìn chung, người mua vẫn có tâm lý chờ đợi bất động sản giảm giá và chờ đợi thị trường khởi sắc vào năm sau.
Theo Savills, 3 tháng cuối năm, triển vọng thị trường vẫn chưa rõ ràng đối với một số loại hình bất động sản như căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề. Cả nhà đầu tư lẫn chủ đầu tư vẫn có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng các tín hiệu mới, thậm chí tạm hoãn kế hoạch bán hàng đến năm sau.
Bất động sản du lịch tiếp tục là phân khúc phụ thuộc nhiều nhất vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Phần lớn các chuyên gia đều đưa ra cái nhìn thận trọng khi nói về triển vọng của phân khúc này. Việc mở lại đường bay quốc tế thậm chí cũng không làm cho thị trường có thể ấm lên ngay trong quý cuối năm, sự phục hồi của thị trường này hiện tại đang phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch nội địa. Tuy nhiên, điều này vẫn đặt trong mối tương quan với diễn biến dịch Covid-19.
Nguồn cung tiếp tục khan hiếm
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, nêu quan điểm trong quý IV, giống như các năm trước, nguồn cung bất động sản có thể lớn hơn so với các quý trước đó trong năm tuy nhiên sự chênh lệch đó vẫn chưa thể làm ấm thị trường và tạo ra sự phục hồi ngay lập tức.
Theo bà Hằng, từ nay đến hết năm, khoảng 9.800 căn hộ từ một dự án hiện tại và 11 dự án trong tương lai sẽ được ra mắt. So với dự báo được Savills đưa ra về nguồn cung quý IV năm trước, con số 9.800 này chưa bằng 2/3.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dựa trên hoạt động thực tế của thị trường, nguồn hàng tại các dự án bất động sản do các doanh nghiệp triển khai sẽ không có nhiều thay đổi trong 3 tháng cuối năm, khan hiếm nguồn hàng mới tại các đô thị lớn vẫn diễn ra.
Cẩn trọng với nguy cơ bong bóng bất động sản
Thực tế, từ đầu năm tới nay, cơn sốt đất đã xuất hiện ở một số địa phương bất chấp dịch Covid-19. Hồi đầu năm, cơn sốt đất nền diễn ra chóng vánh ở Thạch Thất, Hà Nội sau khi có thông tin Vingroup nghiên cứu đầu tư 2 dự án khu đô thị tại khu vực này. Cơn sốt làm cho giá đất tăng chóng mặt, vượt xa giá trị thực, tăng 3 lần chỉ sau 20 ngày. Những mảnh đất nằm sát bờ ruộng có giá 5-6 triệu đồng/m2 đã được giới “cò đất” thổi lên 17-18 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy một tháng, cơn sốt nhanh chóng hạ nhiệt, giá đất ngay lập tức chững lại.
Báo cáo thị trường quý III của Hội Môi giới cũng chỉ ra ở Hà Nội, do khan hiếm nguồn hàng chính thống, giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hòa Lạc… Đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển bất động sản lớn của Việt Nam, có công bố quy hoạch cho phát triển đô thị…
Hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm cho đất đai tại các khu vực này trở nên sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Đất làng, có miếng vài năm trước chỉ khoảng vài trăm nghìn/m2 đến nay đã lên đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu. Tại nhiều khu vực, giá đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu/m2.
Theo đại diện Hội Môi giới bất động sản, ở giai đoạn cuối năm, áp lực về nhu cầu đầu tư sử dụng tiền mặt có thể tăng cao thay vì để trong ngân hàng suốt thời gian dài với lãi suất thấp có thể tạo nên cơn sốt đất đai. Hiện tượng săn tìm đất dai trong dân ở những địa phương bị đồn thổi thông tin sẽ có chiều hướng gia tăng. Điều này vô tình tạo ra nhiều thị trường giao dịch không chính thống, không được kiểm soát, đặc biệt là tạo bong bóng giá cả và thị trường ảo.
“Các nhà đầu tư nên cẩn trọng với các đợt sốt ảo, không nên chạy theo đám đông. Trước khi quyết định xuống tiền, phải đặt giá đất hiện tại trong mối tương quan với hạ tầng, với các khu vực có cùng tính chất. Nếu trong một thời gian quá ngắn, chỉ một vài tháng, giá đất tăng 30-40% thì chứng tỏ đất đang sốt ảo, đầu tư vào có thể bị mắc cạn”, ông Đính nói.
Nguồn: Người đồng hành