Dưới góc nhìn khoa học, điều gì có thể giúp chúng ta sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn? Nghiên cứu mới đây của Đại học Y khoa Harvard sẽ cung cấp cho bạn lời giải đáp cụ thể nhất về vấn đề này.
Bí quyết của cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc luôn là một trong những bí mật to lớn nhất mà con người nỗ lực khám phá trong suốt nhiều thiên niên kỷ. Để trả lời câu hỏi hóc búa này, Robert Waldinger (giáo sư Đại học Y khoa Harvard kiêm giám đốc dự án Harvard Study of Adult Development) đã thực hiện một nghiên cứu quy mô lớn, kéo dài hơn 80 năm.
Theo các nhà khoa học, quan điểm của mọi người về sức khỏe và hạnh phúc vô cùng đa dạng. Trong đó, hầu hết chúng ta cho rằng tiền bạc, danh tiếng và sự giàu có là những yếu tố quyết định cuộc sống mơ ước. Đa số mọi người cho rằng hạnh phúc là khi ta trở thành người xuất sắc nhất trong một hoặc nhiều lĩnh vực, làm việc chăm chỉ, thăng tiến trong sự nghiệp, kiếm được nhiều tiền và chiến thắng các cuộc đua.
Liệu quan điểm ấy có chính xác và phù hợp với tất cả chúng ta? Cuối cùng, những người đạt được mục tiêu trên có thực sự cảm thấy hạnh phúc? Để tìm hiểu điều này, chúng ta cần một bức tranh toàn cảnh đầy đủ, tổng quát hơn. Đó cũng chính là lý do tiến sĩ Robert Waldinger tiến hành một cuộc nghiên cứu toàn diện trong hơn 80 năm, theo dõi cuộc sống cá nhân (sức khỏe thể chất – tinh thần, hôn nhân, nghề nghiệp…) của rất nhiều người. Đây là một trong những nghiên cứu kéo dài và toàn diện nhất trên thế giới.
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này như thế nào?
Nghiên cứu độc nhất vô nhị này bắt đầu vào năm 1938, trong giai đoạn Đại khủng hoảng. Những người tham gia được chia ra thành 2 nhóm:
– Nhóm 1 gồm 268 nam sinh viên tốt nghiệp từ trường Đại học Harvard (do Glueck phụ trách). Nhóm này gồm thanh thiếu niên, đàn ông đã tốt nghiệp trong Thế chiến II và đa số đều lựa chọn phục vụ chiến tranh.
– Nhóm 2 gồm 456 người nghèo (có xuất thân khác nhau) sống tại thành phố Boston (do Grant chịu trách nhiệm). Theo thống kê, sau khi trưởng thành:
- Rất ít người trở thành công nhân nhà máy/xí nghiệp
- Một số người nghiện rượu
- Một số người mắc bệnh tâm thần phân liệt
- Một số người làm luật sư và bác sĩ
- Một số người vô cùng thành công
- Một người trở thành tổng thống thứ 35 của nước Mỹ (John F. Kennedy)
- Một người là biên tập viên kỳ cựu của tờ Washington Post (Ben Bradlee)
- Một số người chạm đáy xã hội
Vào năm 2015, dự án mở rộng nghiên cứu 1.300 đứa trẻ là con cái của các đối tượng nghiên cứu.
Nhằm xây dựng một bức tranh toàn cảnh rõ ràng và chính xác, nhóm nghiên cứu phải trực tiếp gặp mặt những người tham gia 2 năm một lần để cập nhật liên tục mọi thay đổi trong cuộc sống của họ đồng thời thu thập mẫu máu, quét não và các hồ sơ y tế khác.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng dành thời gian trò chuyện cùng các thành viên gia đình của đối tượng nghiên cứu để ghi nhận mối quan tâm sâu sắc nhất của họ. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn khuyến khích một số phụ nữ tham gia dự án (ban đầu, đây là nghiên cứu chỉ dành cho nam giới).
Hiện tại, Robert Waldinger hy vọng có thể mở rộng nghiên cứu từ thế hệ thứ hai sang thế hệ thứ ba và thứ tư. Trong 80 năm qua, dự án này đã tạo ra lượng dữ liệu số khổng lồ, từ đó, rút ra bài học hạnh phúc quý giá cho tất cả chúng ta.
3 bí quyết của cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc
Từ kết quả nghiên cứu, giáo sư Robert Waldinger đã tiết lộ 3 bí mật quan trọng nhất của cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Ông chia sẻ: “Phát hiện đáng ngạc nhiên của chúng tôi là sự hài lòng trong các mối quan hệ có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sức khỏe của mỗi chúng ta. Tuy việc nâng niu cơ thể rất quan trọng nhưng sự quan tâm đúng mực đến những mối quan hệ cũng là một hình thức chăm sóc bản thân… Những mối quan hệ chất lượng sẽ giúp chúng ta sống hạnh phúc và khỏe mạnh hơn”.
Bài học 1: Kết nối xã hội là chìa khóa bí mật của hạnh phúc
Các đối tượng nghiên cứu có mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè, hàng xóm và cộng đồng đều hài lòng về sức khỏe thể chất – tinh thần của bản thân. Họ cảm thấy hạnh phúc và sống lâu hơn hẳn những người thiếu kết nối với thế giới xung quanh.
Những người sống cô độc, ít tương tác xã hội sẽ kém hạnh phúc hơn. Họ có sức khỏe yếu dù điều kiện kinh tế tương đối ổn định. Lý giải điều này, Robert Waldinger lập luận, sự cô đơn đang âm thầm giết chết nhiều người. Bởi trong trạng thái ưu phiền, buồn bã, chức năng não của con người có thể giảm sút nhanh chóng. Vì vậy, tuổi thọ của họ ngắn hơn người khác khá nhiều.
Đồng tình với ý kiến trên, tiến sĩ Vivek Murthy (cựu phó đô đốc của Quân đoàn Ủy ban Dịch vụ Y tế Công cộng Hoa Kỳ) khẳng định trên tạp chí Harvard Business Review: “Sự cô đơn và kết nối xã hội kém có liên quan đến việc giảm tuổi thọ tương tự như việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày”.
Bài học 2: Chất lượng của mối quan hệ quan trọng hơn số lượng
Những mối quan hệ gắn bó luôn khiến chúng ta hạnh phúc. Số lượng bạn bè không thể tạo nên cảm giác hài lòng, vui vẻ. Bài học thứ hai từ nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của những mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống. Nếu đã sẵn sàng cam kết và duy trì một mối quan hệ chân thành, sâu sắc thì bạn sẽ nhận được vô vàn giá trị tinh thần. Trong khi đó, sự hoài nghi, ganh tị, mâu thuẫn, phản bội đến từ các mối quan hệ độc hại chỉ khiến chúng ta thêm khổ đau và bất hạnh.
Bàn về vấn đề này, Robert Waldinger cho biết, một người đàn ông 80 tuổi trong nghiên cứu trên chia sẻ, ông và vợ mình vẫn sống rất vui vẻ, hạnh phúc ngay cả khi đã tuổi cao sức yếu, bởi họ luôn hòa thuận và tôn trọng nhau. Những mối quan hệ lành mạnh, bền vững có thể chữa lành mọi tổn thương, lấp đầy khiếm khuyết đồng thời tiếp thêm sức mạnh để chúng ta vượt qua hàng loạt thăng trầm của cuộc sống bộn bề.
Bài học 3: Những mối quan hệ thân thiết có khả năng bảo vệ não bộ của con người
Theo giáo sư Robert Waldinger, mối quan hệ khăng khít, bền chặt với những người thân yêu còn giúp bạn tăng cường trí nhớ. Ngược lại, những người đa nghi, thiếu tin tưởng vào đối tác của mình thường nhanh chóng suy giảm khả năng ghi nhớ khi đến tuổi xế chiều. Thêm vào đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người có mối quan hệ bền vững thường hiếm khi phạm phải sai lầm cũng như không dễ dàng bỏ cuộc khi đương đầu với nghịch cảnh.
Như vậy, mối quan hệ tuyệt vời chính là chìa khóa bí mật của sức khỏe và hạnh phúc. Do đó, thay vì quá tất bật với nhịp sống hiện đại xô bồ hay bận tâm thái quá về mạng xã hội, hãy dành thêm nhiều thời gian nuôi dưỡng và vun đắp tình cảm với những người thân thương. Thỉnh thoảng, bạn nên “hâm nóng” các mối quan hệ bằng cách rủ rê gia đình, bạn bè, người yêu đi xem phim, du lịch, ăn uống, mua sắm, chuyện trò, dọn dẹp nhà cửa, tập luyện thể thao… Những kỷ niệm vui vẻ, bình dị ấy chính là yếu tố cốt lõi của một cuộc sống giản đơn và trọn vẹn.
Nguồn: Elle