Trang chủ Sống Bí quyết ‘một phút’ để sống khỏe

Bí quyết ‘một phút’ để sống khỏe

26
0
Chia sẻ

Chỉ mất một phút áp dụng những thói quen dưới đây mỗi ngày, bạn sẽ nhận được vô vàn lợi ích cho sức khỏe.

Súc miệng trong 30 giây

30 giây là thời gian thối thiểu để răng được khử khuẩn. Nha sĩ Sargon Lazarof tại Los Angeles, Mỹ, khuyến cáo: “Bạn có thể súc miệng bất cứ lúc nào, nhưng tốt nhất là trước khi đi ngủ. Khi ngủ, miệng sẽ khô đi, tạo điều kiện cho vi khuẩn làm tổn thương răng. Nước súc miệng có thể làm giảm những tổn hại đó”.

Uống nước vào buổi sáng

Bác sĩ tiêu hóa Will Bulsiewicz, tác giả của cuốn “Nạp chất xơ” (Fiber Fueled), chia sẻ: “Khi mới thức dậy, hãy uống một cốc nước lớn trước khi dùng cà phê. Cơ thể không chỉ bị mất nước khi ngủ, mà còn do tiểu đêm. Uống nước trước khi dùng cà phê sẽ kích thích hoạt động não bộ, thận và đường ruột, khiến bạn nhanh nhạy và tỉnh ngủ nhanh hơn”.

Pha một tách trà

Bạn thường chỉ mất một phút để ủ một tách trà xanh. Theo một nghiên cứu mới trên Tạp chí Phòng ngừa Tim mạch Châu Âu, uống trà xanh ít nhất ba lần một tuần có thể giảm khoảng 25% nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Ăn rau hoặc hoa quả trong ngày

Hãy dành một chút thời gian mỗi sáng hoặc từ tối hôm trước để cắt sẵn một loại trái cây, rau củ dùng cho bữa ăn nhẹ. “Đó là cách đơn giản để tăng lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất phytochemical chống viêm, hỗ trợ cải thiện tiêu hóa, giúp da khỏe mạnh, ổn định lượng đường trong máu và làm cho cơ thể dẻo dai hơn”, theo chuyên gia dinh dưỡng Desiree Nielsen.

Một nghiên cứu được đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ năm 2016, cho thấy ăn trái cây tươi và rau trong ngày có thể cải thiện tâm trạng và động lực làm việc.

Tập luyện giúp xương chắc khỏe hơn

Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế, chạy bộ ít nhất một phút mỗi ngày giúp xương khoẻ mạnh hơn 4%, so với chạy bộ ít hơn một phút. Tiến sĩ Victoria Stiles, đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết: “Điều này rất quan trọng, đặc biệt với phụ nữ sau khi mãn kinh. Ở giai đoạn này, mật độ khoáng của xương giảm khoảng 1% mỗi năm. Vì vậy, chạy bộ 60 giây hàng ngày giúp đảo ngược quá trình suy giảm”. Việc tập luyện có hiệu quả sau 6 đến 12 tháng chạy bộ hàng ngày.

Tập squat

Bác sĩ Alex Robles, người sáng lập tổ chức The White Coat Trainer, ủng hộ tập squat trong một phút: “Squat giúp tăng cường sức mạnh cho đôi chân, cải thiện khả năng vận động của hông, mắt cá chân, cột sống; và tăng lưu lượng máu đi khắp cơ thể”.

Tư thế squat khá đơn giản. Bạn cần giữ cho lòng bàn chân áp xuống mặt sàn, thẳng lưng, đẩy hông và mông ra sau, sao cho đầu gối song song với các ngón chân.

“Khi mới tập, bạn nên squat 25 lần trong một phút. Để đứng lên dễ dàng hơn, hãy đặt một chiếc ghế ở trước mặt và đặt tay ở sau ghế”, Robles cho hay.

Chạy cầu thang

Một nghiên cứu năm 2019 khuyến cáo chạy 60 bậc cầu thang trong 20 giây, 3 lần một ngày, 3 ngày một tuần và duy trì trong 6 tuần. Theo Tiến sĩ Martin Gibala, tác giả của nghiên cứu trên, bài tập này giúp tăng cường sức khỏe tim mạch lên khoảng 5%. Một con số nghe có vẻ khiêm tốn, nhưng vẫn góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Điều chỉnh nhiệt độ phòng

Bác sĩ W. Christopher Winter, tác giả của cuốn “Giải pháp cho giấc ngủ” (The Sleep Solution), khuyên rằng: “Hãy hạ nhiệt độ phòng từ 2-3 độ sau bữa tối và giảm thêm 2-3 độ nữa khi đi ngủ, sao cho nhiệt độ phòng xuống còn khoảng 18°C. Chúng ta thường ngủ sâu hơn trong điều kiện nhiệt độ thấp”.

Giảm ánh sáng

Theo Tiến sĩ Winter, khi mặt trời lặn, hãy vặn nhỏ độ sáng của đèn. “Thao tác đơn giản này giúp thúc đẩy cơ thể sản xuất melatonin – một hormone có tác dụng an thần, giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn”.

Làm khô tay

Rửa tay trong ít nhất 20 giây là chưa đủ. Theo bác sĩ Jeffrey D. Klausner, giảng viên tại Trường Y khoa David Geffen UCLA và Trường Y tế Công cộng Fielding: “Bạn cần dành thời gian để lau khô tay vì bàn tay ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.

Hít thở sâu

Theo tiến sĩ Glenn R. Fox, trưởng bộ phận thiết kế, chiến lược và tiếp cận tại Viện Khoa học USC ở Los Angeles: “Hít thở sâu từ hai đến ba lần. Trong khi tập trung vào hơi thở, hãy nghĩ đến ba điều tốt đẹp trong cuộc sống hoặc những điều bạn mong đợi trong tương lai, rồi viết chúng ra. Bài tập này có thể làm giảm nhịp tim, huyết áp và cải thiện tâm trạng của bạn”.

Tử tế hơn với chính mình

Bất cứ khi nào bạn buông lời trách móc, hạ thấp, dằn vặt bản thân, hãy dừng lại một phút và tự hỏi bạn có nên nói như thế với người thân của mình hay không. Theo tiến sĩ Jessica Zucker, nhà tâm lý học ở Los Angeles, Mỹ: “Câu hỏi đơn giản này sẽ khiến bạn suy ngẫm về cách trao lòng tốt cho người khác, nhưng đôi khi lại bỏ qua chính mình”.

Đứng dậy

Theo bác sĩ Monique Tello, giảng viên trường ĐH Y Harvard: “Khi ngồi lâu, các chất độc sẽ làm tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh liên quan”. Để tránh những nguy cơ trên, bạn nên đứng dậy một lần sau mỗi giờ để làm giảm những tác động có hại cho mạch máu.

Nguồn: VnExpress