Theo Bộ Xây dựng, trong 3 tháng đầu năm 2020 lượng giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm xuống tiền để “bắt đáy” nhưng cũng có nhiều người tin rằng giá bất động sản còn giảm sâu…
Thị trường gặp khó, giá bất động sản vẫn không giảm.
Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, quý I/2020 là quý ghi nhận nguồn cung mới và lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Theo đó, một trong những nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó là sự ách tắc trong việc cấp phép mới dự án, tín dụng bất động sản bị siết chặt.
Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi thị trường rơi vào cảnh trầm lắng thì giá bán nhà ở không có xu hướng giảm thậm chí vẫn tăng so với cuối năm 2019.
Theo Bộ Xây dựng, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại TP.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%). Với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.
Chuyên gia bất động sản đánh giá, dịch Covid-19 trùng đúng vào quý I và đầu quý II, đây lại là thời điểm giao dịch nhà đất ảm đạm nhất trong năm. Do đó, các chủ đầu tư vẫn không sốt ruột với việc bán hàng và có xu hướng chờ đợi dịch qua đi nên giá nhà từ đầu năm đến nay vẫn cơ bản ổn định.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết rất ít doanh nghiệp giảm giá bất động sản trong bối cảnh dịch Covid-19. Hiện chỉ có lác đác một số chủ đầu tư ở TP.HCM và Hà Nội giảm giá một cách nhỏ giọt để kích cầu những dự án lớn khó khăn về đầu ra.
‘Bắt đáy’ hay găm tiền chờ giảm giá?
Nhận định về thị trường thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng đây là lúc xuống tiền để “bắt đáy” nhưng cũng có nhiều người tin rằng giá bất động sản còn giảm sâu.
Anh Huy Hoàng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2019 do chuyển công tác nên gia đình có nhu cầu mua nhà ở quận Thanh Xuân. Đầu năm 2020, dù có dịch Covid -19, anh vẫn rốt ráo tìm mua nhà sớm để ổn định.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế tại nhiều dự án anh Hoàng không thấy giá bán giảm. Giá các dự án tại các trục đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng… phổ biến ở mức 30-35 triệu đồng/m2. Một số dự án cao cấp hơn, mức giá khoảng 35-45 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, về giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở, Bộ Xây dựng đánh giá chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân (theo cách đánh giá chung hiện nay: giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng).
Một khảo sát thị trường bất động sản mới đây của một kênh thông tin bất động sản cho thấy, mức độ quan tâm bất động sản trong quý I/2020 giảm thấp nhất trong 3 năm qua. Sang tháng 4 nhu cầu bán nhà đất tiếp tục giảm hơn 30% so với tháng 3, tuy nhiên sự quan tâm của người mua không hề giảm.
Nhu cầu bán và cho thuê nhà đất khá rõ rệt thời điểm trước trong và sau nới lỏng giãn cách xã hội. Khảo sát của kênh này cũng cho thấy, có khoảng 60% số người tham gia khảo sát lựa chọn sẽ tiếp tục đứng ngoài thị trường để quan sát thay vì mua/bán nhà đất ngay trong quý II, trên 30% cho biết họ muốn mua nhà ngay trong thời điểm này.
Liệu đây là thời điểm lý tưởng để đầu tư vào bất động sản?
Nguồn: VietNamNet