Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta suy nghĩ và hành xử. Ngoài ra, chúng còn giúp chúng ta đưa ra những hành động phù hợp và ảnh hưởng lên các quyết định lớn nhỏ trong cuộc đời.
Cảm xúc có thể ngắn hạn, chẳng hạn như một phút giây ngắn ngủi khó chịu với người đồng nghiệp, hoặc cũng có thể kéo dài lâu hơn, ví dụ như nỗi buồn dai dẳng khi vừa chấm dứt một mối quan hệ. Vậy tại sao chúng ta lại trải qua những loại cảm xúc đó? Chúng đóng vai trò gì trong cuộc sống của chúng ta?
1. CẢM XÚC KHIẾN CHÚNG TA THỰC HIỆN HÀNH ĐỘNG PHÙ HỢP
Khi đối diện với một kỳ thi căng thẳng sắp tới, bạn có thể sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng, liệu bản thân có làm bài tốt hay không và bài thi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết quả của cả một khóa học. Chính vì những cảm xúc này mà bạn có xu hướng học hành chăm chỉ hơn, bạn có thêm động lực để hành động và làm một điều gì đó tích cực để bản thân có thể đạt kết quả tốt hơn trong kỳ thi sắp tới.
Ngoài ra, chúng ta có xu hướng thực hiện một số hoạt động để mang lại nhiều cảm giác tích cực cho bản thân và hạn chế những cảm giác tiêu cực. Chẳng hạn, bạn có thể tham gia các hoạt động xã hội hoặc thực hiện các sở thích để bản thân cảm thấy hứng khởi, vui vẻ hơn. Ngược lại, bạn sẽ hạn chế lâm vào các tình huống khiến mình cảm thấy chán nản, mỏi mệt hay lo lắng.
2. CẢM XÚC GIÚP CHÚNG TA TỒN TẠI, PHÁT TRIỂN VÀ TRÁNH XA NGUY HIỂM
Nhà tự nhiên học Charles Darwin tin rằng cảm xúc là sự thích nghi giúp con người và động vật tồn tại, sinh sản. Khi chúng ta giận, chúng ta có xu hướng tìm kiếm và đối diện với nguồn cơn khiến chúng ta nổi nóng. Khi chúng ta sợ, chúng ta có xu hướng tránh né những mối hiểm họa. Khi chúng ta yêu, chúng ta sẽ tìm kiếm đối tượng để giao phối và sinh sản.
Cảm xúc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thích nghi với cuộc sống, bằng cách thúc đẩy chúng ta hành động nhanh chóng để có thể tối ưu hóa các cơ hội giúp chúng ta tồn tại và thành công.
3. CẢM XÚC GIÚP CHÚNG TA ĐƯA RA CÁC QUYẾT ĐỊNH
Cảm xúc có ảnh hưởng to lớn đến quyết định của chúng ta, từ việc đơn giản như nên ăn gì vào bữa sáng cho đến việc trọng đại hơn như bình chọn cho một ứng viên trong cuộc bầu cử. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, những người từng có tổn thương ở não bộ sẽ gặp một số khó khăn trong việc trải nghiệm các cảm xúc, từ đó khiến họ bị giảm khả năng đưa ra các quyết định sáng suốt.
Ngay cả trong những tình huống khiến chúng ta tin rằng các quyết định mình đưa ra đều dựa trên lý trí và logic thì cảm xúc cũng đóng một vai trò then chốt. Thông minh cảm xúc, là khả năng thấu hiểu và kiểm soát cảm xúc, đã từng được chứng minh về tầm quan trọng trong việc lập ra các quyết định.
4. CHO PHÉP NGƯỜI KHÁC HIỂU CHÚNG TA HƠN
Khi chúng ta tương tác với một người, việc đưa ra những gợi ý để giúp họ hiểu hơn về cảm giác của chúng ta là một điều quan trọng. Những gợi ý này có thể bao gồm việc thể hiện cảm xúc thông qua ngôn ngữ cơ thể, chẳng hạn như nét mặt khi chúng ta trải qua một loại cảm xúc nào đó.
Trong một số trường hợp khác, chúng ta có thể thể hiện trực tiếp cảm xúc của bản thân với người đối diện. Khi chúng ta nói với gia đình, bạn bè rằng chúng ta đang hạnh phúc, buồn bã, hay sợ hãi, đó là những thông tin quan trọng giúp họ hành động phù hợp khi giao tiếp với chúng ta.
5. GIÚP CHÚNG TA HIỂU NGƯỜI KHÁC TỐT HƠN
Cũng giống với việc cảm xúc của chúng ta cung cấp những thông tin quan trọng cho người khác, việc thể hiện cảm xúc của những người xung quanh cũng đưa ra nhiều thông tin về mặt xã hội. Giao tiếp xã hội đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật và mối quan hệ của mỗi người, việc hiểu và phản ứng lại với cảm xúc của đối phương là một điều thiết yếu.
Điều này giúp chúng ta phản hồi một cách phù hợp và xây dựng mối quan hệ sâu sắc, thân thiết hơn với gia đình, bạn bè và những người thân thương. Bên cạnh đó, hiểu được cảm xúc của người khác còn giúp chúng ta giao tiếp hiệu quả hơn trong các tình huống xã hội, từ việc giải quyết vấn đề với khách hàng khó tính cho đến việc quản lý một nhân viên nóng nảy.
Charles Darwin là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên có nghiên cứu khoa học về cảm xúc. Ông cho rằng, việc thể hiện cảm xúc còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sự an toàn và sinh tồn của chúng ta. Ví dụ, khi chúng ta đối diện với một con thú đang gầm gừ, đó là dấu hiệu cho thấy nó đang tức giận và đang phòng thủ, từ đó chúng ta biết rằng mình nên tránh xa nó để bản thân không gặp nguy hiểm.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn thêm thông tin để hiểu hơn về tầm quan trọng của cảm xúc trong cuộc sống của mình. Chúc các bạn luôn vui vẻ và hạnh phúc.
Nguồn: Elle