Căn nhà này ở TP.HCM có 3 thế hệ sinh sống, nên kiến trúc sư đã thiết kế một không gian ấm áp phù hợp cho các độ tuổi khác nhau.
Ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1980, đã qua nhiều lần cải tạo, mở rộng. Khu đất nằm trong khu vực dân cư mật độ cao. Đề tài đặt ra cho các nhà thiết kế là tạo ra không gian sống cho 7 con người các độ tuổi khác nhau.
Gia chủ muốn có một nơi sống có không gian yên tĩnh, gần gũi phù hợp với thời tiết khí hậu nóng ẩm. Nơi ấy đầm ấm nhưng vẫn bảo đảm được sự riêng tư và thoải mái cho các thành viên trong gia đình.
Các nhà thiết kế đã tính toán giữ lại một số cấu kiện của ngôi nhà cũ, nhưng vẫn phải bỏ đi một số vật liệu đã cũ, hư hỏng. Cách thức của kiến trúc sư là tùy chỉnh linh hoạt những chi tiết cũ và phối trộn cùng những kết cấu mới.
Giải pháp này mang đến sự kết nối liên tiếp giữa các không gian trong nhà, kết nối bên trong với bên ngoài, kết nối con người với thiên nhiên.
Ở không gian sống này, con người không tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng vẫn giữ được sự riêng tư ở chốn thị thành đông đúc.
Không gian sinh hoạt chung của cả nhà và bếp ăn được đặt ở vị trí trung tâm của công trình. Đây cũng là khu vực rộng nhất của căn nhà.
Đây là nơi để các thành viên gia đình gắn kết, bởi nó kết nối với các phòng chức năng khác, tạo sự gắn bó giữa các thành viên gia đình.
Các phòng trong nhà đều mở ra không gian thông thoáng ở hai đầu. Gió có thể lùa từ phía trước nhà ra phía sau và ngược lại.
Ngôi nhà còn có tới 3 giếng trời, thông gió theo chiều thẳng đứng. Bên cạnh đó là các vùng đệm, trồng cây xanh, giúp ngăn bức xạ nhiệt từ ánh nắng vào nhà.
Một số chi tiết màu đỏ của ngôi nhà được giữ lại từ những cấu kiện cũ như màu gạch nung đỏ của cầu thang. Một số nội thất cũ của căn nhà được giữ làm nét chấm phá cho căn nhà mới, gợi ký ức đẹp cho những người đang sống trong nó.
Nguồn: Viet Build Forum