Để ngắm những khung cảnh ít người biết, chúng ta phải đi những con đường ít người qua. Chúng tôi đã đến Bảo Lộc bằng đường vòng không cần phải qua đèo Bảo Lộc, và thu hoạch được một chuyến đi độc đáo.
Chúng tôi chọn đi bằng xe máy để có thể đi sâu hơn, đến gần hơn những đồi chè trải từ sườn đồi xuống hồ nước xanh ngọc, vượt qua những con đèo quanh co dưới rừng thông, trèo lên những ngọn đồi trong thung lũng, nhìn những thác nước tung bọt trắng xóa…
Từ TPHCM chúng tôi đến Đạ Huoai, không qua đèo Bảo Lộc mà rẽ trái thêm 15km vào Đạ Tẻh – một thung lũng nằm sát rừng Nam Cát Tiên. Đường ĐT 725 này chạy dọc những bờ suối, rừng tre, cái lạnh mát len vào da thịt dù ai cũng mặc 2-3 lớp áo.
Con đường ĐT 725 tuy xa hơn nhưng bù lại vắng vẻ và yên tĩnh, cảnh trí dân dã. Xuất phát từ sáng sớm ở Đạ Tẻh, khi chạy lên đỉnh đèo chúng tôi đã nhìn thấy biển mây ôm ấp những ngọn đồi xung quanh thị trấn. Buổi sớm nắng chưa kịp lên, mây xuống thật thấp trông như đang ôm trọn thị trấn yên bình này.
Chúng tôi đi tiếp con đường này để xuyên qua huyện Bảo Lâm bao bọc cao nguyên B’Lao từ trên cao, với những chặng đường đèo gấp khúc. Lên đến nơi cao nhất, chúng tôi ngồi nghỉ chân và ngắm toàn cảnh thị trấn Bảo Lộc với những mái nhà ngói đỏ lẫn trong rừng thông.
Chúng tôi tiếp tục đổ đèo, men theo con đường đất đỏ hai bên là những rẫy cà phê ngút ngàn, leo khoảng chục con dốc dài để tới đồi chè Tâm Châu ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm. Cũng những ngọn đồi thoai thoải ngập tràn những cây chè xanh mướt kéo dài xuống tận mặt hồ nhưng mỗi thời điểm sẽ cho mắt nhìn một cảnh sắc khác nhau.
Vào buổi chiều, nắng xuyên qua những hàng cây, du khách sẽ chìm đắm trong khoảng không gian vàng óng màu mật ong ngập tràn cả khu đồi chè. Còn với hai hàng cây ven con đường đất đỏ dẫn xuống hồ, cành lá cũng ngả màu vàng đất, bên dưới là đồi chè xanh mướt từng cọng lá run run trong gió.
Chúng tôi cũng từng đến đồi chè Tâm Châu trước đây vào buổi sáng. Trời xanh trong, cảm giác ngắm nhìn những cụm mây lững lờ phủ trên đỉnh đồi thật tuyệt.
Nếu bạn có dịp đến đồi chè Tâm Châu, nên ngồi xuống chiếc ghế gỗ ai đó kê dưới gốc cây mà thả hồn trong mùi ngan ngát của hoa trà ngập tràn không gian, chìm trong những làn sương nhè nhẹ giăng lối
Từ đây, chúng tôi tiếp tục đi thêm chừng vài trăm mét thì thấy một cái bảng đề “Chùa Di Đà 4km”. Bảng để 4km nhưng cũng phải 7-8 cây số vì đường đất đá bụi đỏ mịt mù, nhưng mà chúng tôi dặn nhau đừng bỏ cuộc, cứ đi rồi sẽ tới.
Chùa Di Đà khá rộng lớn, phía trước là đồi chè xanh um và hồ nước. Chúng tôi để xe ở sân chùa rồi đi vòng ra phía sau, ở đó có một cánh cổng gỗ hướng ra khu đồi. Đi hết ngọn đồi là đường mòn dẫn vào rừng.
Lên dốc rồi trượt xuống vài bận, chúng tôi thích thú khi nghe tiếng thác đổ. Chúng tôi cứ men theo mà đi, rồi khung cảnh hiện ra một con suối nước trong, chảy qua những trảng đá nhẵn, hai bên là những cây rừng lớn. Xuôi theo dòng suối, chúng tôi đến một con thác lớn – thác Tam Hợp – nước tuôn trào từ trên cao xuống hồ nước rộng.
Một địa điểm ở Bảo Lộc mới nổi lên trong giới du lịch gần đây, đó là chùa Linh Quy Pháp Ấn. Để chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp nhất của chùa này, chúng tôi đã chọn nghỉ đêm tại một khách sạn gần đó rồi dậy thật sớm để vượt khoảng 20km đường đất đá, qua những quả đồi cao thấp và đến nơi trước khi mặt trời xuất hiện.
Thời khắc ấy, biển mây ngập tràn trên thung lũng, rồi bất chợt mặt trời đỏ hồng nhẹ nhàng tỏa lan khắp không gian. Trong sương hồng hiện ra một quả bóng đỏ au, trồi lên từ từ sáng lóa cả vùng trời.
Ba chiếc cổng chùa hướng về 3 hướng, và đều hướng ra thung lũng mây ngoài kia, như muốn đón nhận hết những tinh túy của đất trời. Chúng tôi say sưa ngắm nhìn, chụp vài kiểu ảnh và cảm thấy thật hài lòng vì đã cảm nhận trọn vẹn những gì đẹp nhất của Bảo Lộc.
Bảo Lộc vẫn giữ được nét nguyên sơ bao nhiêu năm qua, không đô thị hóa, không ùn ùn du khách, không chặt chém và đặc biệt là môi trường trong lành vẫn còn vẹn nguyên. Một vùng đất với phong cảnh thơ mộng, sương giăng lãng đãng và thời tiết mát mẻ quanh năm, thích hợp để bạn thử khám phá theo con đường ĐT 725.
Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị