Là cộng đồng tự cung tự cấp năng lượng đầu tiên ở Dubai, người dân tại Thành phố Bền vững sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời, nước tái chế.
Cuối tháng 11/2020, Phil Dunn, kiến trúc sư cảnh quan người Canada bắt đầu thực hiện thử thách chỉ ăn những gì được trồng trọt, chăn nuôi ở cộng đồng địa phương mình trong một năm. Anh gọi thử thách mình đặt ra là Dự án Con người Bền vững, nhằm khám phá vấn đề an ninh lương thực và canh tác đô thị.
Dunn có kế hoạch tạo ra ví dụ quy mô nhỏ về nền kinh tế tuần hoàn nhằm sản xuất, tiêu dùng và tái chế ngay tại địa phương. Mọi việc trở nên dễ dàng hơn nhiều bởi anh sống trong cộng đồng được xây dựng với mục đích thúc đẩy lối sống bền vững. Anh là cư dân của Thành phố Bền vững, cách trung tâm thành phố Dubai (UAE) gần 29km.
Hơn 500 ngôi nhà tại đây dùng điện lấy từ các tấm pin mặt trời có khả năng đạt đến 10 megawatt. Với thời tiết hơn 300 ngày nắng của Dubai, năng lượng mặt trời là nguồn dự trữ rất dồi dào. Tất cả nước được tái chế ngay tại chỗ, đồng thời cũng không có xe cộ phát tán ra khí thải độc hại.
Tiến sĩ Muawieh Radaideh, một cư dân khác cho hay: “Tại Thành phố bền vững, những hóa đơn điện thường là 0 đồng. Chúng tôi tính toán mọi giải pháp tối ưu cho năng lượng từ việc thiết kế tường, cửa sổ, loại sơn, hướng nhà… Từ đó, các tấm pin năng lượng mặt trời có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện cho cả thành phố”.
Thành phố Bền vững có 11 nhà kính biodome, nơi chính quyền thành phố trồng tới 1 triệu chậu rau hàng năm, bao gồm hẹ và rau diếp xoăn. Sản phẩm được cung cấp cho cư dân hoặc bán tại các chợ địa phương. Người dân cũng có thể tự trồng rau trên sa mạc, bắt cá tại bể công cộng, nuôi gà đẻ trứng và thuê mảnh đất riêng trong vườn chung để trồng trọt. Tại đây, Dunn trồng cà chua bi, cải thìa và củ cải.
Đối với những sản phẩm không thể trồng được ở Thành phố Bền vững như dầu ô liu, gạo và đường, anh sẽ trao đổi với những cư dân khác. Để đổi lấy các thực phẩm đó, Dunn đưa cho họ những đồ vật anh làm từ gỗ tái chế còn sót lại từ việc làm vườn như chậu cây và bể nước.
Được thành lập vào năm 2015 bởi công ty Diamond Developers có trụ sở tại Dubai, Thành phố Bền vững trải dài trên hơn 46ha ở ngoại ô Dubai. Cộng đồng tự cấp năng lượng đầu tiên của UAE ra đời nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển bền vững về xã hội, môi trường và tài chính.
Thành phố được bao quanh bởi 2.500 cây xanh, đóng vai trò như một vùng đệm để bảo vệ cộng đồng dân cư khỏi ô nhiễm, cung cấp 3.000m2 cho nông nghiệp đô thị và năng lượng cho tất cả các tòa nhà, bãi đậu xe sử dụng pin mặt trời.
Tại đây cũng đang thử nghiệm các công nghệ mới có thể hỗ trợ thiết lập nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm các trang trại thẳng đứng – phương pháp trồng thực phẩm trong nhà, không dùng đất và thường sử dụng đèn LED thay cho ánh sáng tự nhiên.
“Chúng tôi đã chứng kiến bước nhảy vọt về canh tác theo chiều dọc trong nhà. Đó là kiểm soát khí hậu, ánh sáng với ít năng lượng nhất. Đây là nơi công nghệ xuất hiện và rất phù hợp để phát triển ở các thành phố”, Karim El-Jisr, Giám đốc phát triển bền vững tại Diamond Developers cho biết.
Thành phố Bền vững cũng đang giới thiệu về dịch vụ cho thuê ô tô điện tới tất cả cư dân và nghiên cứu thêm các dự án nguyên mẫu để thu thập độ ẩm và loại bỏ nước trong không khí. El-Jisr nói thêm rằng các thành phố có rất nhiều không gian, chẳng hạn mái nhà và tầng hầm, có thể được chuyển đổi để đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh việc giảm thiểu sự lãng phí, sản xuất lương thực ở các thành phố có thể tăng cường an ninh lương thực. Hiện UAE nhập khẩu khoảng 90% số lương thực. Các giải pháp được áp dụng trong Thành phố Bền vững có thể giúp hướng tới sự độc lập về lương thực.
Nguồn: Dân Trí