Trang chủ Tiêu dùng Chỉ ‘nhức đầu’ người tiêu dùng nước mắm

Chỉ ‘nhức đầu’ người tiêu dùng nước mắm

37
0
Chia sẻ

Cùng được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập ngày 3/9, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cùng ráo riết tổ chức đại hội đầu tiên cùng thời điểm cuối tháng 10/2020.

Anh107.
Ảnh minh họa.

Cùng là “nước mắm”, nhưng hai hiệp hội này có nhiều sự khác biệt. Hiệp hội Nước mắm truyền thống giữ quan điểm nước mắm là sản phẩm được hình thành từ quá trình lên men của hỗn hợp cá và muối. Còn Hiệp hội Nước mắm Việt Nam lại có các DN sản xuất các sản phẩm công nghiệp chứa nhiều phụ gia khác và chất bảo quản.

Về cơ cấu thành viên, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam tập hợp hơn 200 hội viên là các nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nước mắm, nhà khoa học, quản lý và kiểm nghiệm nước mắm, chiếm 70% doanh số toàn ngành nước mắm. Trong khi đó, Hiệp hội Nước mắm truyền thống có 117 hội viên, 87,2% là doanh nghiệp đến từ 17 tỉnh, thành.

Xét về mục tiêu hoạt động, Hiệp hội Nước mắm truyền thống nêu cao sự tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng ngành, qua đó gia tăng sự hiện diện của nước mắm truyền thống trên bàn ăn người Việt. Trong khi đó Hiệp hội Nước mắm Việt Nam có tôn chỉ tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật để bảo tồn ngành và gia tăng sản lượng.

“Cuộc chiến” giữa hai luồng quan điểm này đã kéo dài nhiều năm. Từ tháng 5/2017, một ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống đã được Bộ NN&PTNT cấp phép, đến cuối tháng 7/2017 hoàn thiện hồ sơ xin thành lập hiệp hội gửi đến Bộ Nội vụ. Nhưng sau đó 2 tuần, một ban vận động khác cho Hiệp hội nước mắm cũng được Bộ Y tế cấp phép, cũng gửi hồ sơ đến Bộ Nội vụ xin thành lập hiệp hội.

Cuối tháng 4/2018, Bộ Nội vụ đã trả lại cả hai hồ sơ với lý do tên gọi 2 hiệp hội gần giống nhau, có cùng lĩnh vực hoạt động chính và phạm vi hoạt động cả nước nên Bộ chưa đủ cơ sở xem xét, giải quyết. Bộ Nội vụ đề nghị 2 ban vận động ngồi lại với nhau để thảo luận thống nhất lại các nội dung hoạt động cho phù hợp.

Thế nhưng quan điểm giữa một bên là những “ông lớn” DN và bên kia là các DN sản xuất nước mắm truyền thống không thể dung hòa. Có ý kiến nếu vẫn thành lập 2 hiệp hội thì bên “ông lớn” đổi tên thành hiệp hội sản xuất nước chấm, hoặc nước mắm công nghiệp, nhưng bên “nước mắm” có phụ gia và chất bảo quản không chịu.

Giữa lúc “cuộc chiến” vẫn âm ỉ, Bộ KH&CN đưa ra quy định mới, trong đó có thêm khái niệm “nước mắm nguyên chất”, còn nước mắm được định nghĩa “sản phẩm được chế biến từ nước mắm nguyên chất, có thể bổ sung nước muối, đường, phụ gia thực phẩm, có thể được điều chỉnh màu, mùi”.

Rồi Bộ Nội vụ bất ngờ cấp phép thành lập cả 2 hiệp hội. Và có ý kiến cho rằng 2 hiệp hội “nước mắm” cùng hoạt động “không có vấn đề gì mà còn cạnh tranh nhau giúp toàn ngành phát triển”; “Do 2 hiệp hội tự chủ tài chính, không sử dụng tiền ngân sách nên không cần phải “độc quyền” trong việc thành lập hiệp hội nước mắm”…

Nếu xét theo khái niệm mà Bộ KH&CN mới thay đổi về “nước mắm”, nói như vậy không sai. Thế nhưng về bản chất, có thể khẳng định “cuộc chiến” giữa hai nhóm DN này đã chỉ xoay quanh khái niệm “nước mắm”, mục đích hướng tới người tiêu dùng, thúc đẩy bán hàng nhiều hơn. Cái khó cuối cùng đã bị đẩy cho người tiêu dùng, khi phải nhọc công tìm hiểu thế nào là “nước mắm”, “nước mắm truyền thống”, “nước mắm nguyên chất”, “nước mắm có phụ gia”…

Và khi ngay ở quê hương của “nước mắm” mà người tiêu dùng đã phải nhức đầu hoang mang như vậy thì kỳ vọng của cả hai “hiệp hội nước mắm” là khuếch trương, lan tỏa sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu “nước mắm” trên thị trường quốc tế, quả là điều hoang tưởng.

Nguồn: Pháp luật Plus