Trang chủ Sống Chuyện ‘hậu trường’ một chuyến bay hồi hương

Chuyện ‘hậu trường’ một chuyến bay hồi hương

28
0
Chia sẻ

Sau 14 ngày hết thời hạn cách ly, được trở lại bình an với cuộc sống thường nhật, tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm, những ấn tượng khó quên về hành trình đáng nhớ của chúng tôi khi nhận nhiệm vụ thực hiện chuyến bay chở khách từ Canada về Việt Nam cuối tháng 7/2020.

Phi hành đoàn với 26 thành viên. (Ảnh: NVCC).

Phi hành đoàn chúng tôi lên đường thực hiện chuyến bay trong một đêm mùa hè oi nóng. Khi đó cả đất nước Việt Nam chúng ta vẫn đang may mắn sống trong 99 ngày yên bình, hạnh phúc vì chúng ta đang tạm thời khống chế được dịch bệnh Covid-19. 

Nếu lên đường khi dịch bệnh đang hoành hành thì chúng tôi đã ở một trạng thái tâm lý khác. Mọi người ở nhà đang có cảm giác yên tâm, dịch chỉ đang hoành hành ngoài đất nước chúng ta. Còn chúng tôi bị áp lực bằng mọi giá, chuyến bay chở khách hồi hương phải trở về an toàn, không ảnh hưởng đến mọi hoạt động trong đời sống xã hội bên ngoài. 

Điều đó thúc giục chúng tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn từng công đoạn, từng quy trình, từng chi tiết nhỏ từ đảm bảo an toàn, an ninh chuyến bay, quy trình phục vụ chuyến bay mùa dịch cấp độ 4, đến đảm bảo an toàn sức khoẻ cho toàn bộ hành khách và phi hành đoàn. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ cũng đủ gây hậu quả lớn. 

Phi hành đoàn chúng tôi có 26 thành viên gồm 8 phi công, 16 tiếp viên, 2 kỹ sư máy bay (chúng tôi thường gọi các anh bằng một tên gọi thân thương là thợ máy), một nhân viên phục vụ mặt đất và một điều phối viên. 

Tôi là một trong ba TVT của chuyến bay. Anh Phạm Hải Bằng là một TVT lão luyện, dày dạn kinh nghiệm, từng thực hiện chuyến bay giải cứu từ Vũ Hán và Moscow, làm TVT chính, quản lý toàn bộ chuyến bay. Tôi là TVT2 cùng một TV nữa đảm nhận việc phục vụ phi hành đoàn trong suốt hành trình. Còn TVT3 Lê Vũ phụ trách toàn bộ các vấn đề liên quan đến hành khách. 

Mới nhìn vào việc phân công này tôi hơi áy náy vì nhiệm vụ của tôi có vẻ như nhẹ nhàng hơn 2 TVT nam. Tuy vậy, tôi cố mường tượng và hình dung công việc mình sắp làm, tự nhủ để hoàn thành trọng trách của mình cũng không hề dễ dàng. 

Để chuẩn bị cho một hành trình dự kiến kéo dài hơn 40 giờ, chúng tôi đã có mặt trước giờ cất cánh của chuyến bay khoảng 2h 30 phút (giờ dự định cất cánh là 3 giờ sáng VN). Trước đó chúng tôi đã lập một group viber nhóm bay, một dự thảo chi tiết phân công nhiệm vụ từng thành viên trong tổ được TVT Bằng và phòng An toàn chất lượng của Đoàn tiếp viên (ĐTV) gửi lên nhóm. Nhìn vào danh mục các việc phải làm, với một người bay lâu năm như tôi cũng đã thấy hồi hộp, trọng trách nặng nề rồi huống chi các em tiếp viên mới vào nghề, giờ bay chưa nhiều. 

Chúng tôi họp tổ, phân công nhiệm vụ cụ thể, nhận trang thiết bị bảo hộ. Lúc đó tôi còn nói vui với các TV của mình, chúng ta tranh thủ tận hưởng nốt những phút giây bình yên, thoải mái trên hành trình bay sang Canada nhé (ý là chỉ phải đeo khâu trang y tế, chưa cần đóng bảo hộ, khẩu trang N95, tấm kính chắn giọt bắn…). Chặng về chúng ta có thể chẳng nhận ra nhau, chẳng được ăn uống, chuyện trò, đi lại để gặp nhau chia sẻ công việc trên chuyến bay nữa đâu, chỉ có thể gật đầu và chào nhau bằng ám hiệu nữa thôi. 

Tôi và một TV nữa được phân công phục vụ tổ lái và 2 thợ máy. Tổ lái sẽ được chia thành 4 kíp (1 cơ trưởng, 1 cơ phó / 1 kíp) lúc nghỉ ngơi sẽ chỉ ngồi ở 2 dãy ghế trái của khoang hạng thương gia. 

Trong suốt hành trình, hai chúng tôi chỉ được quanh quẩn từ hàng ghế 1-7 bên trái khoang Thương gia, khu vực bếp, phòng vệ sinh bên trái và buồng lái. Quy ước chung, ngoài chúng tôi: 2 TV, 8 phi công và 2 thợ máy, không ai được “bén mảng” vào khu “cấm địa” này, mọi liên lạc thông qua interphone (hệ thống liên lạc nội bộ). 

Khu vực hàng ghế bên phải khoang Thương gia và WC bên phải dành cho các TV còn lại và 2 nhân viên mặt đất, do anh Bằng quản lý. Các tiếp viên trực tiếp phục vụ hành khách sẽ phải tự mang đồ ăn về khu vực trách nhiệm của mình, tự phục vụ . 

Hành khách ngồi khoang nào thì chỉ được sử dụng WC khoang đó suốt hành trình. TV ở mỗi khu vực trách nhiệm quản lý khoang khách của mình. 

Hành trình bay sang Canada có thời gian bay 17 tiếng. Chúng tôi chỉ chở 1 hành khách người Canada bị kẹt lại Việt Nam do dịch trở về nước. 

Các TV của tôi trên hành trình này được nghỉ ngơi nhiều hơn. 

Tôi với cô bạn (partner) của mình bắt đầu vào cuộc trước!

Chặng về chúng tôi gật đầu và chào nhau bằng ám hiệu. (Ảnh: NVCC).

Nhìn menu món ăn phục vụ cho phi hành đoàn cung ứng cấp lên mà choáng. Hành trình cả đi và về hơn 40 giờ với 6 bữa ăn chính mỗi bữa ăn có đến 3 lựa chọn cho món ăn chính chưa kể các món ăn phụ, trái cây, nước chanh gừng sả uống phòng dịch. Hai chị em tôi bàn nhau phải viết ra giấy menu này dán lên cánh cửa lò nướng đề tiện phục vụ và tổ lái cũng dễ chọn lựa. Hai chi em bắt đầu sắp xếp các bữa ăn, xe ăn sao cho khoa học, hợp lý, thuận tiện, giữ lạnh tốt cho các bữa ăn sau. . . 

Tôi nói vui nhưng cũng là mệnh lệnh, với Thảo – partner của mình, người có chồng là cơ trưởng đang cách ly, từ phút này chúng ta phải phục vụ tổ lái và thợ máy thật cẩn thận, chu đáo. Họ là tài sản quý giá của VNA đấy! Giữ cho họ an toàn là trọng trách của chúng ta. Họ phải được ăn uống, nghỉ ngơi và an toàn tuyệt đối! Con virus Corona không được phép bén mảng đến gần họ! “Đấy chị thấy không, nhiệm vụ của chị em ta đâu có nhẹ nhàng gì!”, Cô vừa cười vừa đáp . 

Thế rồi, chặng bay đón 340 hành khách từ Canada về cũng đến. Từ giờ phút chuẩn bị đón khách lên máy bay là 2 chị em tôi bắt đầu nói lời “ tạm biệt “ với đồng đội của mình!

Bạn tưởng tưởng được không, với hành trình hơn 17 tiếng bay, trong bộ đồ bảo hộ, khẩu trang N95 thít chặt vào mặt, rồi chỉ loanh quanh mấy hàng ghế, khu bếp, muốn bước qua cái rèm ngăn cách với hành khách kia để ngó xem đồng nghiệp và hành khách của mình thế nào mà cũng không được phép, thì chị em tôi chồn chân thế nào. 

Làm gì cho hết 7-8 tiếng trực đây? Phục vụ bữa ăn cho phi công theo nhu cầu từng người là một cách, vào ra dọn vệ sinh WC, xịt thơm khử khuẩn, dùng giấy tẩm cồn lau từng cái khóa, cái chốt xe, từng cánh tủ… Cần phải nghĩ ra nhiều việc để làm trong một không gian chật hẹp như thế này cho bớt căng thẳng chứ.

Cuối cùng, để giải tỏa, tôi nghĩ ra cách tập thể dục và đi bộ trong khoang bếp. Mỗi lần tổ lái đổi ca, thấy tôi trong trang phục bảo hộ đang tập thể dục chắc họ buồn cười lắm. Anh Bằng thì trêu, lần nào anh tỉnh giấc cũng thấy cô múa máy chân tay. Thôi tập thể dục cho khuây khoả và tăng sức đề kháng! 

Sau 12h bay, máy bay của chúng tôi hạ cánh ở sân bay Sapporo – Nhật Bản để nạp thêm nhiên liệu. Tại đây, TV chúng tôi phải tự dọn vệ sinh khoang khách, chuyển rác ra cửa cho nhân viên mặt đất chuyển ra ngoài. 2 thợ máy và 2 nhân viên phục vụ mặt đất mỗi lần ra ngoài để làm việc, kiểm tra máy bay và nạp dầu, khi vào máy bay đều phải thay đồ bảo hộ mới và xịt khử khuẩn khắp người…

Hai chị em tôi cũng chỉ được loanh quanh trong khu vực bếp và mấy hàng ghế, muốn ló mặt ra cửa máy bay trong chốc lát để hít thở không khí trong lành của buổi sáng ở Sapporo mà không được phép. Quy định đảm bảo an toàn phòng dịch mà. Đành ngắm mấy chiếc máy bay của Japan Airlines nằm đơn côi giữa mênh mông mông sân đỗ qua cửa sổ máy bay.

Rồi chúng tôi nhận tin Đà Nẵng có ca đương tính đầu tiên trong cộng đồng. Một nỗi buồn không thể tả nổi xâm chiếm lòng tôi. Cảm giác như có bão tố giấu trong sự yên bình tạm thời trong một buổi mai đầy nắng ở Sapporo! 

Tạm biệt Nhật Bản chúng tôi tiếp tục hành trình về Đà Nẵng. Lúc này 2 tiếng Đà Nẵng ám ảnh tôi suốt hành trình còn lại. Chúng tôi ra đi trong bình yên, giờ trở về sẽ đón một làn sóng dịch mới, lại sẽ phải gồng mình lên đối phó với con virus quỷ quái! Thương quá Đất nước tôi!

Máy bay hạ cánh Đà Nẵng. Lần đầu tiên, khi phát thanh chào tạm biệt khách, tôi đã mạn phép thay đổi nội dung bài phát thanh. 

– “Chào mừng Quý khách đến Việt Nam! Máy bay của chúng ta vừa hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. 

– … Chúc quý khách có những ngày tốt đẹp trên quê hương Việt Nam yêu dấu!”.

Một tràng pháo tay vang lên từ dưới khoang hành khách. 

Lúc đó một cảm giác hạnh phúc xen lẫn nỗi buồn xâm chiếm lòng tôi. 340 hành khách đã trở về Việt Nam an toàn!

Đà Nẵng ấm áp đón chúng tôi trong sự khẩn trương nhưng tĩnh lặng. Không biết những ngày tiếp theo Đà Nẵng sẽ sao đây?

Phía trước chúng tôi là hành trình tiếp tục bay về Sài Gòn và cách ly tập trung 14 ngày tại đây. 

Trước ngày đi, chúng tôi đã nghĩ ra nhiều kịch bản ở khu cách ly của VNA. Sẽ rất thiếu thốn, khó khăn, không như ở nhà… Xa gia đình, xa người thân bạn bè…

Thế nhưng vào đây mọi việc đều khác hẳn. Từ anh bảo vệ, chị lễ tân, cô lao công… đều nhiệt tình niềm nở, không quản ngày đêm để phục vụ chúng tôi. 

alt text
TVT Bùi Lệ Uyên. (Ảnh: NVCC).

Ngày 3 bữa chúng tôi đều được phục vụ bữa ăn đến tận phòng. Thiếu thốn cái gì từ móc phơi áo, lọ thuốc nhỏ mắt đến chai thuốc xịt côn trùng… chỉ cần một cuộc điện thoại cho anh bảo về hay chị lễ tân, 5 phút sau đã có tiếng gõ cửa, mở cửa ra chúng tôi đã thấy các vận dụng để ngay ngắn trên ghế rồi. Đáng yêu quá đi mất! 

Chúng tôi được đặt suất ăn theo menu có sẵn. Quá nhiều lựa chọn để tôi với Thảo ngày nào cũng băn khoăn không biết chọn món gì đây? Bún bò Huế, hay súp lươn Nghệ An? Bún chả Hà Nội hay cơm tấm sườn Sài Gòn hay canh chua cá lóc Nam Bộ đây? Chao ôi chu đáo đến thế là cùng!

Hàng ngày ăn uống, sinh hoạt, tập thể dục, cập nhật tình hình thời sự Covid-19, tranh thủ học tiếng Anh, gọi điện cho những người thân yêu giúp chúng tôi thấy thời gian cách ly như trôi nhanh hơn. 

Cứ mỗi một bản tin thời sự 18 giờ đến là 2 chị em mong sao các ca dương tính mỗi ngày một ít hơn. Cầu mong cho Đà Nẵng sớm khống chế được dịch để 2 con của Thảo sớm được về với bố mẹ ở Hà Nội. Cả bố và mẹ đều cách ly nên gửi con cho bà ngoại ở Đà Nẵng. Thương thế chứ!

Chúng tôi hết hạn cách ly trở về Hà Nội trong một đêm mưa gió. Lần đầu tiên sau 25 năm đi bay, tôi được lái xe của Công ty chở về tận nhà. Các đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Giờ phút chia tay sao mà lưu luyến thế! 

Tự nhiên tôi nhớ tất cả các đồng nghiệp của tôi, nhớ tất cả mọi con người VNA mà tôi đã gặp trong suốt hành trình của chuyến bay đặc biệt này, từ phi công, tiếp viên, thợ máy, nhân viên điều hành, nhân viên check-in hành lý, nhân viên cung ứng, anh bảo vệ, chị lễ tân, cô lao công, anh lái xe… và nhiều những con người thầm lặng khác nữa…

Tất cả những đóng góp nhỏ bé của họ đã tạo nên những chuyến bay an toàn, tạo nên một VNA kiên cường, đoàn kết, nghĩa tình và trách nhiệm như hôm nay!

Mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi để chúng tôi được trở lại bầu trời bình yên như trước đây. 

Mong lắm!

Bui Le Uyen

Nguồn: VietnamAirlines