Trang chủ Sống Chuyện một ‘bông hồng thép’ cứu nạn, cứu hộ

Chuyện một ‘bông hồng thép’ cứu nạn, cứu hộ

16
0
Chia sẻ

Công tác trong lĩnh vực thường ít dành cho nữ giới, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan, cán bộ cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) được ví như “bông hồng thép”, là tấm gương sáng của đơn vị. Ngoài sự nhiệt huyết, năng nổ, đam mê với nghề, chị còn làm tốt vai trò của người “giữ lửa” trong gia đình.

Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan luyện tập phương án đu dây trên mặt phẳng vách tường nhà cao tầng. Ảnh: Mai Hữu

Cuốn theo niềm đam mê 

Buổi sáng một ngày đầu tháng 3-2021, như thường lệ, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan cùng các cán bộ, chiến sĩ của Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 2 (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) chuẩn bị phương án luyện tập cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng.

Khác với những đồng đội nam có thân hình vạm vỡ, rắn chắc, dáng người mảnh khảnh, nhỏ nhắn của Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan khiến nhiều người bất ngờ khi chị là phụ nữ duy nhất của đơn vị thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. “Đây cũng là lợi thế giúp tôi khi phải tiếp cận những không gian nhỏ, chật hẹp lúc làm nhiệm vụ”, chị Lan tự tin nói.

“Tôi đến với nghề cứu nạn, cứu hộ bởi đam mê và bản tính ưa mạo hiểm”, chị Lan vừa chuẩn bị các thiết bị bảo hộ vừa tâm sự. Theo học chuyên ngành Y, ra trường, chị Lan về công tác tại bộ phận y tế của Cục Cảnh sát bảo vệ (Bộ Công an). Đến năm 2014, chị chuyển công tác sang Phòng Cứu nạn, cứu hộ thuộc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội (từ tháng 8-2018 hợp nhất vào Công an thành phố Hà Nội).

Tại đơn vị mới, ban đầu chị Lan tiếp tục làm công tác y tế, nhưng khi thấy đồng đội trong đơn vị đu dây trên nhà cao tầng để luyện tập cứu nạn, cứu hộ, chị đã đề nghị chỉ huy đơn vị cho luyện tập thử rồi đam mê và xin chuyển sang tham gia trực tiếp cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, để đáp ứng công việc chuyên môn, chị Lan còn học thêm văn bằng 2 tại Đại học Phòng cháy, chữa cháy.

“Tôi nghĩ rằng, làm cứu nạn, cứu hộ lại có kiến thức về y tế sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bởi trong thực tế khi cứu nạn, cứu hộ thì công tác cấp cứu ban đầu với người bị nạn có vai trò hết sức quan trọng”, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ về cơ duyên đến với nghề.

Chuẩn bị xong phương tiện bảo hộ, “bông hồng thép” dặn tôi ngồi đợi một lát để chị cùng đồng đội tập luyện phương án đu dây cứu người tại hiện trường nhà cao tầng. Chứng kiến nữ Đại úy nhỏ bé, treo lơ lửng ở độ cao cả chục mét so với mặt đất, tôi thực sự nể phục. Vậy nhưng chỉ sau khoảng 2 phút, chị Lan đã hoàn thành bài tập đu dây trên mặt phẳng vách tường ở độ cao tương ứng tòa nhà 7 tầng. Vừa gỡ bỏ bộ đồ nghề trên người, chị vừa nhoẻn cười bình thản…

Không chỉ như “người nhện” trên những tòa nhà cao tầng, nữ Đại úy còn là một “người nhái” cứu nạn, cứu hộ dưới nước. Chị tâm sự, ở môi trường nước, nguy hiểm và nỗi sợ hãi nhiều hơn trên cạn, bởi xuống nước hầu như không nhìn thấy gì, chưa kể nhiều khi dòng nước chảy xiết sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia cứu nạn, cứu hộ.

“Một lần thực hiện nhiệm vụ vớt tang vật tại sông Hồng ở khu vực cầu Chương Dương, ngoài đeo bình khí ô xy nặng 20kg, tôi còn mang theo 3 quả chì nặng 15kg. Dòng nước chảy xiết cuốn phăng đi tất cả khiến tôi rất vất vả mới có thể đến được mục tiêu an toàn”, nữ Đại úy kể thêm.

Năm 2017, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan là thành viên nữ duy nhất trong đoàn cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội tham gia khóa tập huấn về chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Hàn Quốc. Khóa tập huấn vô cùng khắc nghiệt đã giúp chị hoàn thiện kỹ năng, tích lũy nhiều kinh nghiệm bổ ích phục vụ quá trình công tác.

Giỏi chuyên môn, đảm việc nhà

Bên cạnh việc luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan còn năng nổ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của đơn vị, đồng thời là một tuyên truyền viên tích cực trong phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy đến phụ nữ, học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Là “bông hoa” duy nhất của đơn vị, với bản lĩnh trong công tác, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan luôn nhận được sự khâm phục, quý mến từ các đồng đội. Thiếu tá Nguyễn Kim Thành, cán bộ Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 2 (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) cho biết, “bông hồng thép” luôn sống chan hòa, tình cảm, nhiệt tình giúp đỡ đồng đội trong thực hiện nhiệm vụ cũng như cuộc sống hằng ngày. “Có thể nói, Đại úy Lan là hạt nhân đoàn kết, quy tụ cán bộ, chiến sĩ trong đội”, Thiếu tá Nguyễn Kim Thành nói.

Trong khi đó, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 2 (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) đánh giá, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan là cán bộ giỏi chuyên môn, đồng thời là tấm gương luôn chấp hành tốt các nội quy, quy định của đơn vị và lực lượng Công an nhân dân.

“Năm 2020, chị Lan đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” và đoạt Huy chương vàng tại giải bắn súng quân dụng của Công an Thủ đô”, Phó Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 2 cho biết thêm.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở đơn vị, chị Lan cũng làm tròn vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Chia sẻ về người vừa là đồng nghiệp, vừa là người vợ gắn bó trăm năm, Trung tá Phạm Hồng Sơn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Thanh Trì) – chồng Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan – luôn dành tình cảm vừa mến phục, vừa trân trọng.

“Ngoài nhiệt huyết, đam mê với công việc, vợ tôi luôn làm tròn vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình khi đã chăm sóc, dạy bảo các con khôn lớn và động viên, chia sẻ cùng tôi mọi khó khăn trong cuộc sống cũng như trong công việc. Lan là chỗ dựa gia đình vững chắc, giúp tôi yên tâm công tác”, Trung tá Phạm Hồng Sơn đầy tự hào khi nói về người vợ của mình.

Trung tá Phạm Hồng Sơn còn cho biết, khi vợ tham gia lực lượng cứu nạn, cứu hộ, anh cũng lo lắng. “Năm 2019, Lan bị gãy chân khi thực hiện diễn tập, tai tôi ù lên khi nghe đơn vị báo tin. Nhanh chóng lao đến bệnh viện, thấy vợ vẫn tỉnh táo, tôi nhẹ cả người”, anh Sơn kể. Thi thoảng thấy trên người vợ có những chấn thương trong khi luyện tập, làm nhiệm vụ, anh Sơn cũng xót xa nhưng tôn trọng niềm đam mê của vợ nên hiểu và luôn động viên, ủng hộ vợ.

Bước sang tuổi 40, nhiều phụ nữ sẽ chuyển sang công việc nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, “bông hồng thép” của lực lượng cứu nạn, cứu hộ Thủ đô với nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ khẳng định vẫn sẽ theo nghề đến khi nào còn sức khỏe, luôn nỗ lực cao nhất vì sự an toàn của nhân dân.

Nguồn: Hà Nội Mới