Cô gái cao 1m53 có biệt danh “Sơn đẹp trai” trót phải lòng ẩm thực Tây Bắc đã quyết tâm mang món thắng cố ngựa vào Sài Gòn. Cô nghỉ việc và mở quán thắng cố vỉa hè đầu tiên cách đây 5 năm.
8X có cái tên đặc biệt Nguyễn Bồng Sơn (33 tuổi, quê ở Cà Mau), từng có công việc ổn định trong một công ty truyền thông nhưng chị quyết định nghỉ ngang việc để mở quán thắng cố của xứ Tây Bắc ở Sài Gòn.
Cách đây 7 năm, khi đặt chân đến Lào Cai, chị đã phải lòng món thắng cố ngựa.“Lúc đầu nghe được ăn thắng cố, mình cũng chưa biết nó được nấu bằng thịt ngựa. Nghe mọi người nói nấu bằng thịt ngựa nên cũng có sợ. Khi gắp miếng thịt lên tay còn run run, chỉ nghĩ là chỉ bỏ vào miệng nuốt luôn. Thấy ai cũng ăn được chẳng lẽ mình không ăn được”, Sơn chia sẻ.
Lấy hết can đảm để thử món ăn này thì hương vị khiến chị bất ngờ. “Nó cũng ngon, đâu có sợ gì đâu mà mọi người ở trên mạng lại đồn nhau ghê quá”, thế là từ ấy cô gái miền Tây yêu luôn thắng cố.
Cuối năm 2015, chị quyết định mở quán thắng cố vỉa hè đầu tiên tại Sài Gòn. Ban đầu, chị chỉ tính bán vài món ăn vặt để thỏa mãn sở thích nấu nướng, kinh doanh. Tuy nhiên, càng đến ngày khai trương, chị càng nôn nao muốn làm một thứ gì đó mới mẻ.
Thế là chị quyết tâm đem thắng cố Tây Bắc bán ở vỉa hè Sài Gòn. Chị nói: “Có thể chưa ai biết thắng cố là gì, nhưng chỉ cần mình cố gắng thì mọi người sẽ yêu thích nó, như cách mình đã thích”.
“Ban đầu, khi món thắng cố được đưa ra, những người đã từng ăn rồi thì sẽ hỏi mình món này có giống ngoài Tây Bắc hay không? Còn những người chưa bao giờ ăn như mình thì việc đầu tiên là họ lắc đầu nói: “Trời ơi ghê lắm, nó có phân non ở trong đấy, nhất quyết không ăn…”. Tuy nhiên, có những người ăn xong lại thấy thích và ghiền món ăn này”, chủ quán thắng cố vỉa hè nói về phản ứng của thực khách trong những ngày đầu ẩm thực Sài Gòn đón… một món ăn lạ.
“Phải mất đến 2 năm, số lượng người đi du lịch nhiều, thông tin về Tây Bắc rộng rãi hơn… thực khách miền Nam mới bắt đầu cởi mở và yêu thích thắng cố nhiều hơn”, chị Sơn nói.
Khi đưa thắng cố vào Sài Gòn, bà chủ người miền Tây cố gắng giữ nguyên bản cách nấu của người bản xứ Lào Cai.
Chia sẻ về cách nấu thắng cố, chị Sơn nói: “Theo những người trong nhà chuyên nấu thắng cố thì ở ngoài Bắc, ban đầu họ sẽ thái và xào thịt ngựa trước để cho săn lại, thấm gia vị. Sau đó nấu trên những chảo lớn lửa liu riu. Khi về Sài Gòn, rất khó để mình làm như vậy được bởi vì mình không có chợ phiên hay nấu cho số lượng lớn người ăn.
Quán chỉ nấu trước một số lượng đồ ăn vừa đủ trong ngày. Nồi thắng cố được nấu khoảng 2 tiếng… Khi khách đến mình mới cắt thịt. Còn ở ngoài Bắc thì họ cắt trước mới nấu”.
Để cho món ăn thêm hấp dẫn, bà chủ cho thêm bắp vàng, ngò gai, ngò rí lên trên để cho nồi thắng cố. “Ở chợ phiên vùng cao, họ chỉ múc nguyên một chén thịt ra và dùng thôi”. Cách ăn thắng cố Sài Gòn cũng được cải biên khi ăn thành dạng lẩu kèm rau cho đỡ ngán.
Anh Hoàng Trí Hưng, nhân viên văn phòng Q.3, TP.HCM cho biết bản thân anh từng được ăn thắng cố ngoài Sa Pa, nhưng mùi nặng hơn rất nhiều so với Sài Gòn.
“Mình là người gốc Bắc nên cũng có nhiều dịp được lên vùng cao thưởng thức đặc sản. Khi nghe tin Sài Gòn cũng có thắng cố, nhớ lại những chuyến đi băng đèo, nhớ cảm giác lên bản thưởng thức thịt ngựa uống chút rượu ngô nên quyết định ghé quán để thưởng thức. Thắng cố ở đây nấu khá thơm, không nặng mùi như lần mình từng ăn trên Sa Pa, bà chủ giữ được khoảng 70% so với phiên bản gốc”.
Mỗi tuần, bà chủ quán nhập khoảng 60kg thịt ngựa, 40kg gà H’Mông làm sẵn,chuyển xe khách từ Bắc vào Nam. Giờ đây, menu đã lên đến trên dưới 20 món khác nhau. “Ngày xưa thịt ngựa chỉ có mỗi thắng cố, nay có thịt ngựa xào lá lốt, tía tô, xào xả ớt, thịt ngựa nướng… Khách thích ăn gì mình bổ sung”.
Cô chủ quán chia sẻ, cô sẽ mở rộng quy mô và số lượng quán ăn Tây Bắc để thỏa mãn đam mê và đem được nhiều món ngon vùng cao lên bàn ăn của người Sài Gòn.
Nguồn: Thanh Niên