Một cô gái trẻ mang nhiều hoài bão khi bước chân lên thành phố thế nhưng vài năm sau những ước mơ của cô lại gắn chặt vào cánh đồng, ngôi nhà nhỏ. Khi đó cô quyết định bỏ phố về quê.
Bỏ phố về quê xây ước mơ
Sinh ra và lớn lên ở xã Eatyh, H.Eakar (Đăk Lăk), ngay từ nhỏ Nguyễn Thúy An (29 tuổi) luôn mơ về ánh đèn phố thị, nơi có cuộc sống náo nhiệt, được làm việc văn phòng, được mặc váy xinh, có nhiều đồng nghiệp. Thế là lớn lên cô bé đen nhẻm khăn gói lên TP.HCM để bắt đầu giấc mơ phố thị. An chọn ngành Đông Nam Á học, Trường ĐH Mở TP.HCM làm bước đệm vào đời của mình.
Tới khi tốt nghiệp ra trường, An tất bật làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống. Có khi làm quản lý cước, bán thực phẩm chức năng, bán sản phẩm du lịch rồi tới bất động sản… Các công việc với mức lương tạm ổn với một cô sinh viên mới ra trường phải chi tiêu tiện tặn, dư được chút ít gửi về nhà.
Sống trong guồng quay tấp nập đó, công việc văn phòng tưởng nhẹ nhàng nhưng khiến An cảm thấy áp lực. Sau mỗi giờ làm, An chỉ biết làm bạn với bốn bức tường của phòng trọ.Một ngày của 3 năm trước, một ý nghĩ chợt loé lên, An muốn về nhà, về với đồng quê thân thuộc. Thế là cô gái trẻ với chiếc ba lô, máy tính bảng và chiếc xe máy chạy băng băng về quê với sự ngạc nhiên của nhiều người.
An cho rằng về quê đối với nhiều người đó là đánh mất cơ hội, phấn đấu hết mình ngoài xã hội; kèm theo là sự học hỏi, trau dồi, kiếm tiền và thăng tiến. Nhưng An không hề tiếc nuối vì đã bỏ phố, bỏ tât cả để về quê.
“Nhà tôi ai cũng dễ tính, khi chọn ngành học, khi chọn việc làm, khi trở về với má, không ai có ý gì phản đối cả. Má tôi nói nếu mệt quá thì về đi. Nhiều người bị phản đối mạnh khi từ bỏ thành phố về rừng rẫy, nhưng tôi hên chỗ đó. Tôi có má ở nhà. Ngày tôi rời thành phố với chiếc ba lô, tôi hoàn toàn như trút đi một cái gì đó, thật nhẹ nhàng, không kẹt xe, không ngập nước nữa, không còn những bon chen”, An nói.
_______________
Ngày tôi rời thành phố với chiếc ba lô,
tôi hoàn toàn như trút đi một cái gì đó, thật nhẹ nhàng,
không kẹt xe, không ngập nước nữa, không còn những bon chen
Nguyễn Thúy An
_______________
Ngày mới trở về, cuộc sống như thay đổi chóng vánh với cô gái văn phòng bé nhỏ. Nhà An nuôi 4 con bò, một đàn heo, trồng thêm chôm chôm và sầu riêng trong cái rẫy với 7 sào đất. An và má cùng đàn chó, mèo cả ngày quây quần bên nhau. An bắt đầu công việc cắt cỏ cho bò, rửa dọn chuồng, làm cỏ vườn, cắt cành, trồng thêm rau, cho cá ăn ở cái hồ nhỏ. Tuy vậy, An không mệt với công việc này bởi lúc nhỏ An cũng thường lên rẫy hái cà phê.
An kể tiếp: “Thật sự về nhà vui lắm. Nhiều người cũng hỏi tôi là về quê ru rú vậy có buồn không. Không một chút nào luôn. Thậm chí tôi nói nhiều hơn, cười nhiều hơn khi ở thành phố. Sáng mở mắt ra là lũ chó nhảy chồm lên giỡn, cả ngày tôi có má trò chuyện. Tôi không áp lực nữa, rau cỏ, cá, gà, không đa dạng đồ ăn như khi ở thành phố, nhưng không phải ăn cơm bụi cơm muộn như khi ở thành phố nữa”.
Cô gái đồng quê được hàng ngàn người theo dõi
Tuy nhiên, An về quê không đồng nghĩa với việc tránh xa khỏi thế giới bên ngoài. Ban đầu, mỗi ngày An chỉ đăng tải những hình ảnh, video clip đẹp về cuộc sống đồng quê của mình lên mạng xã hội. Mục đích chỉ muốn chia sẻ cuộc sống với bạn bè thân thiết. Mãi gần đây cuộc sống ở miền quê nghèo của An được cộng đồng quan tâm theo dõi nhiều hơn.
Mỗi ngày An lại giới thiệu những nét mộc mạc của đồng quê, giới thiệu những món ăn đặc trưng của Đăk Lăk. Hoặc chia sẻ một góc cạnh mộc của cuộc sống hiện tại. Điều đó đã lan toả được hiệu ứng tích cực. Cuộc sống đơn giản của An khiến nhiều người mong muốn.
Ngoài ra, An còn nhận được nhiều tình cảm yêu thương từ các bạn phương xa. Những lời động viên, đồng cảm, lan truyền tình yêu làng quê, yêu chó mèo, yêu sự dân dã.
“Theo tôi thì hạnh phúc là ăn thấy ngon miệng, ngủ thẳng giấc. Dù ở đâu đi chăng nữa miễn không thấy quá nặng lòng là được. Về quê, có khi cả tháng tôi mới lò đầu ra ngoài đường khi cần thiết. Chủ yếu tôi ở nhà. Thỉnh thoảng có tụi con nít biết cô An nổi tiếng trên mạng xã hội, rồi bọn nó vô chơi với cô An, vô thăm bọn “gấu lùn”, như vậy cũng đủ hạnh phúc lắm rồi”, An cô gái bỏ phố về quê, chia sẻ.
Nguồn: Thanh niên