Trò chơi điện tử ngày một đa dạng. Có những trò chơi giúp giải trí, thư giãn, trong khi một số khác lại tốt cho việc học và sự phát triển trí não của trẻ.
Nếu bậc phụ huynh cho trẻ tiếp xúc với trò chơi điện tử ở mức hợp lý thì việc chơi game không những không gây hại mà còn mang lại những lợi ích bất ngờ.
Nâng cao kỹ năng làm việc nhóm
Ngày nay, phần lớn các trò chơi điện tử đều được chơi trực tuyến và có sự tham gia của nhiều người chơi đến từ nhiều vùng miền, nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Điều này sẽ khuyến khích trẻ kết bạn và xây dựng các kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc theo nhóm để cùng nhau nghĩ cách giải quyết các nhiệm vụ trong trò chơi.
Tăng khả năng sáng tạo
Một công trình nghiên cứu được thực hiện trên 500 trẻ em do Đại học bang Michigan (Hoa Kỳ) công bố vào năm 2011 đã chứng minh việc chơi game sẽ giúp gia tăng đáng kể khả năng sáng tạo của trẻ nhỏ.
Thống kê này cũng cho thấy chính những nhiệm vụ, hướng dẫn… trong game đã kích thích các bé phải tự tìm tòi, học hỏi nhằm tìm ra cách giải quyết, từ đó thúc đẩy khả năng tư duy của não bộ.
Kích thích các hoạt động của não bộ
Trong quá trình chơi game, một kỹ năng nhất định sẽ được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần làm cho não bắt đầu tạo ra các đường dẫn truyền thần kinh mới để tối ưu hóa chức năng của mình.
Không những vậy, sự tập trung cao độ khi chơi game còn giúp não rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề nhanh, từ đó khả năng nhận thức của trẻ cũng cao hơn hẳn so với những đứa trẻ khác.
Mặc dù có thể mang đến cho trẻ nhiều lợi ích nhưng như đã đề cập ở trên, nếu cha mẹ cho trẻ chơi “vô tội vạ” mà không có sự kiểm soát hợp lý, trẻ sẽ rất dễ gặp phải các vấn đề.
Vấn đề về học tập
Tình trạng mê mẩn với các trò chơi điện tử có thể khiến trẻ không quan tâm đến bất kỳ việc gì khác, kể cả việc học ở trường.
Trẻ không quan tâm đến việc làm bài tập về nhà, thậm chí còn có thể bỏ học để đi chơi game. Tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài có thể làm ảnh hưởng đến kết quả học tập, thậm chí là cả trí tuệ của trẻ.
Xa rời xã hội
Các trò chơi trực tuyến có thể kết nối nhiều người nhưng tất cả đều thực hiện qua một thế giới ảo và hầu hết trẻ đều tự chơi một mình với chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh. Nếu trẻ cứ chơi như vậy trong thời gian dài, các kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lâu dần, trẻ sẽ trở nên cô đơn, chỉ thích ở một mình và tương tác qua màn hình. Trẻ sẽ không có bạn bè để chia sẻ, kết quả là nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tâm lý như trầm cảm, lo lắng, căng thẳng cũng ngày một tăng cao.
Có hành vi hung hăng
Nội dung bạo lực trong các trò chơi điện tử và sự hài lòng tức thời mà các trò chơi này đem lại có thể khiến những đứa trẻ trở nên thiếu kiên nhẫn và nóng nảy. Khi mọi thứ không đi theo kế hoạch của bản thân, trẻ bắt đầu có những hành vi và suy nghĩ tiêu cực.
Nguồn: Lao động