Trang chủ Tiêu dùng Đi chợ online – bạn đồng hành với người tiêu dùng thời...

Đi chợ online – bạn đồng hành với người tiêu dùng thời công nghệ số

16
0
Chia sẻ

Với nhịp phát triển mạnh mẽ của ứng dụng thương mại điện tử, cùng với những tác động của dịch COVID-19, các ứng dụng đi chợ online là giải pháp hoàn hảo, người bạn đồng hành với người tiêu dùng.

Di cho online - ban dong hanh voi nguoi tieu dung thoi cong nghe so hinh anh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Với nhịp phát triển mạnh mẽ của ứng dụng thương mại điện tử, cùng với những tác động từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các ứng dụng đi chợ online là giải pháp hoàn hảo, người bạn đồng hành giúp người tiêu dùng được nhận hàng ngay tại nhà mà không cần ra ngoài.

Đi chợ online là hình thức đi chợ qua app hoặc website theo nhu cầu của khách hàng. Khi mua sắm với dịch vụ này, người tiêu cùng chỉ cần ngồi một chỗ và tra cứu thông tin từ tên, nguồn gốc, giá cả, thương hiệu… hàng hóa cần mua. Sau một thời gian, hàng hóa sẽ được giao đến tận nhà.

Chị Phan Thu Trang ở phường Vĩnh Tuy, Hà Nội, cho biết đã lâu chị không đi chợ truyền thống hay đi siêu thị mua đồ mà chọn hình thức đi chợ online. Vì có rất nhiều ứng dụng để người dùng có thể mua sắm trực tuyến thuận tiện, lựa chọn các sản phẩm từ đồ ăn tươi sống đến các vật dụng gia đình và chỉ một thời gian ngắn, các mặt hàng sẽ được giao tận nhà.

“Đi chợ online là một giải pháp hữu hiệu giúp tiết kiệm thời gian và phù hợp những người làm công sở như mình,” chị Phan Thu Trang nói.

Chị Mai Hồng Diễm ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sử dụng ứng dụng đi chợ online giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Chỉ cần tranh thủ 15 phút để đặt thực phẩm, sau đó hẹn shipper giao đến nhà theo thời gian mong muốn, là buổi chiều về chị có thể thong thả, không cần tất bật đi chợ như trước kia. Đặc biệt, khi nhận được đơn hàng các siêu thị xác nhận bằng điện thoại, tin nhắn, gửi hóa đơn qua email để người đặt hàng kiểm tra.

“Việc thanh toán cũng rất đơn giản, tôi có thể thanh toán qua ví điện tử, qua Internet banking hoặc có thể là tiền mặt khi nhận hàng,” chị Mai Hồng Diễm cho biết.

Ngoài sự tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, đi chợ online là một giải pháp quan trọng cho mùa dịch COVID-19. Nó giúp người dùng hạn chế được việc ra ngoài, đến nơi đông người, tiếp xúc đông người… để hạn chế lây nhiễm bệnh.

Hiện có nhiều ứng dụng đi chợ trực tuyến đã ra đời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng từ hàng điện tử, hóa mỹ phẩm, quần áo đến các mặt hàng thiết yếu như rau xanh, thịt, cá tươi… vốn trước đây ít được người tiêu dùng mua trực tuyến cũng trở nên khá phổ biến.

Bên cạnh các ứng dụng điện tử đi chợ online như Taskee, Lazada, Grab, NOW…, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống cũng đã đẩy mạnh bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội facebook, zalo… với nhiều ưu đãi và giao hàng tận nơi. Ví thanh toán điện tử VinID cho phép người dùng mua các mặt hàng của Vinmart và giao hàng tận nhà, hệ thống siêu thị Aeon, Big C, Co.opmart cũng đã có ứng dụng mua sắm dành cho khách hàng mua sắm online.

Ưu điểm của các ứng dụng mua sắm này là việc thanh toán, hỗ trợ nhiều kênh thanh toán khác nhau như ví điện tử, thẻ visa, Internet banking, tiền mặt. Bên cạnh đó, các ứng dụng còn tích điểm, lưu lại lịch sử mua hàng, phản ánh khiếu nại và thường xuyên có nhiều chương trình khuyến mại.

Theo các chuyên gia, khi xã hội khiến con người trở nên bận rộn cộng thêm dịch COVID-19 đã khiến hành vi mua sắm có nhiều thay đổi, người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn hình thức mua sắm thuận tiện và an toàn cho nhu cầu gia đình hằng ngày là thương mại điện tử, cũng như dịch vụ giao hàng tận nhà. Tuy tiện lợi nhưng đi chợ online vẫn còn một số hạn chế như dịch vụ này chỉ mới triển khai ở một số tỉnh, thành phố, do đó sẽ làm hạn chế nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Di cho online - ban dong hanh voi nguoi tieu dung thoi cong nghe so hinh anh 2
Phiên “Chợ tết hàng Việt Nam chất lượng cao” là phiên chợ online đầu tiên của Sàn thương mại điện tử hàng Việt Nam chất lượng cao. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngoài ra, đi chợ online còn khiến người tiêu dùng chưa hài lòng vì không thể “sờ tận tay” do đó khó nắm được chất lượng của hàng hóa.

Cũng khá nhiều lần mua phải thực phẩm là trái cây chưa chín đều, rau xanh, thịt, cá chưa được tươi, nên chị Phan Thu Trang cho biết kinh nghiệm khi đi chợ online là phải lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ có uy tín, tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm.

“Những mặt hàng tươi sống như rau, củ, thịt, cá…. đảm bảo chất lượng, an toàn thông thường sẽ được cung cấp bởi chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống cửa hàng liên kết với các siêu thị,” chị Phan Thu Trang cho biết.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên chọn các cửa hàng hay các thực phẩm được những khách hàng trước phản hồi tích cực; đồng thời phải so sánh giá cả giữa các cửa hàng để có thể mua được thực phẩm với giá hợp lý nhất. Đặc biệt, cần lưu ý thời gian đặt hàng để đảm bảo hàng sẽ được giao đúng giờ đã hẹn.

Có thể thấy, các ứng dụng đi chợ online là một hình thức kinh doanh mới cạnh tranh trực tiếp với cách buôn bán truyền thống lâu năm và có khả năng làm thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực bán lẻ. Việc thúc đẩy, mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến, với sự tham gia của các “ông lớn” trong thị trường bán lẻ đã tạo cơ hội cho người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm vừa hạn chế đến chỗ đông người trong thời kỳ dịch bệnh.

Nguồn: VietnamPlus