Trang chủ Tiêu dùng Đổi tiền lẻ ngày Tết: Thị trường chợ đen hét giá ’10...

Đổi tiền lẻ ngày Tết: Thị trường chợ đen hét giá ’10 ăn 6′

37
0
Chia sẻ

Mặc dù, việc buôn bán và kinh doanh tiền lẻ đã bị cấm, mức phạt có thể lên tới 40 triệu đồng, song hoạt động này vẫn diễn ra rầm rộ trong những ngày cận Tết Nguyên đán.

Chợ đen hét giá đổi tiền lẻ “10 ăn 6”

Cách 2 tuần trước Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền lẻ bắt đầu trở nên sôi động, nhộn nhịp ở nhiều mặt trận, từ các cửa hàng đổi tiền dịch vụ gần đền chùa, cho tới các chợ đen trực tuyến trên mạng xã hội.

Năm nay, bất chấp các ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, xu hướng cũng không ngoại lệ.

Phí dịch vụ đổi tiền lẻ đang dao động ở mức 3% - 20%, tùy từng mệnh giá.
Phí dịch vụ đổi tiền lẻ đang dao động ở mức 3% – 20%, tùy từng mệnh giá.

Theo khảo sát trên mạng xã hội, trong 1 tuần trước Tết Tân Sửu 2021, phí dịch vụ đổi tiền lẻ đang dao động ở mức 3% – 20%, tùy từng mệnh giá.

Trong đó, các mệnh giá dưới 10.000 đồng, như 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng có mức phí đổi “chát” nhất lên tới 20% – 25%. Tức là, nếu khách có nhu cầu đổi 1 triệu đồng tờ 1.000 đồng, phí dịch vụ sẽ là 200.000 đồng.

Với các mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng, phí dịch vụ là 10%. Phí dịch vụ của 100.000 đồng và 200.000 đồng là 5%. Cuối cùng, mệnh giá 500.000 đồng, phí dịch vụ đổi tiền mới là 3%.

Trong khi đó, tại một số cổng chùa, đền lớn tại Hà Nội, một “cò” đổi tiền tự do “hét giá” phí dịch vụ đổi tiền lẻ lên tới 40% tổng giá trị tiền mặt. Tức là 10 ăn 6. Tuy nhiên, mức phí cao như vậy áp dụng cho các giao dịch nhỏ, đổi dưới 200.000 đồng. Với các giao dịch trên 500.000 đồng, mức phí khoảng 25% – 30%.

Năm nay, vì dịch bệnh, phí đổi tiền lẻ giảm nhẹ.
Năm nay, vì dịch bệnh, phí đổi tiền lẻ giảm nhẹ.

So với mọi năm, phí dịch vụ đổi tiền năm nay giảm khoảng 5% – 10%, tùy từng mệnh giá.

Giải thích cho hiện tượng này, anh Ninh, một “cò” đổi tiền cho biết, năm nay, do ảnh hưởng từ dịch bệnh và lệnh hạn chế khai hội, nên người đi lễ được dự báo sẽ ít hơn hẳn mọi năm. Do đó, dịch phí dịch vụ có đà giảm.

Theo Ninh, các tờ tiền lẻ trông như mới, nhưng thực chất là hàng tồn từ những năm trước. Tuy nhiên, do là hàng “lướt”, nên độ mới lên tới 99%. Đặc biệt, “cò” tiền cam kết muốn đổi bao nhiêu cũng có, đổi càng nhiều, phí dịch vụ càng giảm.

Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng.

Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 02 lần.

Vì sao hệ thống Ngân hàng không có tiền lẻ mới?

Trong khi đó, người dân có nhu cầu đổi tiền lẻ ở hệ thống ngân hàng đều nhận được số lượng rất ít. Đặc biệt, với các mệnh giá dưới 10.000 đồng gần như không có.

Sở dĩ, tiền mới có mệnh giá nhỏ trở nên khan hiếm trên thị trường, bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã có quyết định không in thêm để tiết kiệm ngân sách.

Theo thông báo từ NHNN, đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế. Với việc không in thêm tiền mới có mệnh giá nhỏ, ngân sách đã tiết kiệm được hơn 3.500 tỷ đồng.

Đại diện NHNN cho biết, việc người dân sử dụng tiền lẻ mới vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, đi lễ đền chùa là thói quen từ lâu của người dân và những sự kiện có yếu tố tâm linh thì không nên đặt nặng vấn đề tiền bạc.

NHNN sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan để tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về vai trò của tiền mệnh giá nhỏ.

Nguồn: Nhà báo & Công luận