Chị Phạm Xuân Hương cho rằng ở độ tuổi nhỏ, con cần thời gian, sự quan tâm của cha mẹ hơn là chi thật nhiều tiền cho trường lớp, khóa học.
Chị Hương, chuyên gia marketing, bà mẹ 3 con, tiếp tục chia sẻ bước thứ tư trong chiến lược học tập – phân bổ nguồn lực tối ưu. Nguồn lực ở đây gồm tiền bạc, thời gian, công sức của con và bố mẹ.
Tiền bạc
Khi làm việc ở công ty cũ, tôi đã giúp tìm trường quốc tế cho 3 con của sếp. Với năng lực tài chính mạnh, cả 3 con sếp đều học trường quốc tế hàng đầu, du học Mỹ từ những năm trung học và cứ thế tiếp tục vào trường đại học tốt của Mỹ.
Tuy nhiên, tôi từng biết nhiều trường hợp cha mẹ vì quá thương con mà cố cho con học trường quốc tế, với ngân sách khá nặng so với thu nhập của gia đình. Cho đến khi gia đình gặp khó khăn về công ăn việc làm, thu nhập sụt giảm, thì các bé đành quay về trường công để học. Lúc này, nhiều vấn đề khó khăn phát sinh, bé khó hòa nhập với trường công, sức học trong các môn bị lệch (vì trường công học nặng về học thuật hơn).
Bạn tôi, do con không thể hòa nhập được với trường công, nên đã cho con học homeschooling tại nhà mà cách học này tiếp tục gây ra nhiều vấn đề bất cập hơn cho cháu.
Trong gia đình tôi, khi cháu gái tôi đạt học bổng 70% ở Mỹ, cha mẹ không đủ tài chính để hỗ trợ (vì đã không lên kế hoạch tài chính an toàn ngay từ đầu). Cháu tôi đã phải bỏ dỡ ước mơ vào trường đại học hàng đầu của Mỹ.
Ngân sách dành cho việc của con rất cần được tính toán khôn ngoan, bảo đảm sự an toàn cho con ở bậc đại học. Ở độ tuổi nhỏ, các bé cần thời gian và sự quan tâm của cha mẹ hơn là chi thật nhiều tiền cho trường lớp, khóa học. Không bao giờ chi quá khả năng của gia đình. Cha mẹ nên để dành khoản ngân sách đủ tốt để lúc nào cũng sẵn sàng cho mọi trường hợp như: khi con đạt học bổng 50-70%, khi con muốn học một ngành mà không có học bổng (ngành Y – Dược gần như không có học bổng), hoặc khi con muốn học ở một nước không có, hoặc rất ít học bổng.
Thời gian
Để sử dụng tối ưu thời gian, chúng tôi tập trung cho từng mục tiêu cụ thể. Ở cấp tiểu học, chương trình học nhẹ, tôi yêu cầu con làm hết bài tập ở trường. Khi về nhà, bé chỉ tiếp xúc với Anh. Cuối tuần, ngoài thời gian thể thao, đi chơi, còn lại bé tiếp tục tắm trong tiếng Anh.
Chúng tôi không lãng phí thời gian của bé cho những môn học theo phong trào, những môn mà bé không thật sự giỏi, hoặc đam mê. Về kỹ năng, tôi chỉ cho bé học những kỹ năng sinh tồn (học bơi, học võ, học nấu ăn) hoặc thật sự quan trọng cho tương lai (hùng biện, tranh biện, viết sáng tạo, viết học thuật).
Khi chọn các môn nghệ thuật để giúp bé cân bằng cuộc sống, nhìn vào năng khiếu của con, tôi không ép con học nhạc cụ (mất quá nhiều thời gian luyện tập) mà cho con học thanh nhạc. Chỉ cần mỗi tuần một giờ, bé vẫn thể có niềm vui âm nhạc mà lại giúp bé rất nhiều trong việc hòa nhập với bạn bè ở môi trường mới.
Tôi cũng không cho bé học trường chuyên, lớp chọn, vì thấy việc học luyện thi tranh giải quá nặng, tốn quá nhiều thời gian. Học chuyên để giành giải thưởng cấp thành phố, cấp quốc gia có thể được xem là một chiến lược để xin học bổng. Tuy nhiên, tôi muốn con tôi phải học thật, giỏi thật, hơn là chỉ học luyện để thi cử. Tôi cho bé học kiến thức phổ thông bằng tiếng Anh, giúp bé vừa giỏi tiếng Anh, vừa có nền tảng kiến thức vững chắc và tương đồng với nền tảng học thuật ở bậc đại học khi du học. Sau này, khi con vào đại học ở Mỹ hoặc Australia, con đã có nền tảng sâu sắc về văn hóa và kiến thức của học thuật phương Tây.
Công sức học hành của con
Chúng tôi luôn trân trọng việc học của con. Con chịu học, con thích học đã là may mắn nên chúng tôi cực kỳ cân nhắc cho con học và không học cái gì.
Với tôi, học tư duy là quan trọng nhất. Tôi cho rằng một đứa trẻ có tư duy tốt thì sẽ thành công ở mọi vị trí, mọi công việc. Tôi bỏ thời gian để trao đổi với con, chất vấn con, để từ từ, từng chút, xây dựng tư duy phản biện (critical thinking). Tôi không quá vội vã bắt con học kiến thức, tôi chưa bao giờ cho con đi học thêm Toán, hay bất cứ môn học thuật nào.
Tôi ưu tiên cho bé học kỹ năng, đặc biệt là sinh tồn. Với tôi, trong thế kỷ mới, tiếng Anh là kỹ năng sinh tồn nên ưu tiên tập trung cho bé. Bên cạnh đó, tôi giúp bé xây dựng thói quen đọc sách và kỹ năng tự học. Trong suốt những năm cấp 1, tôi dành tất cả thời gian (ngoài việc học ở trường) để cùng bé đọc sách, học tiếng Anh, giúp bé tự học. Hiện nay, bé đã có thể tự ngồi học liên tục trong 2-3 giờ mà không mất tập trung và không cần chúng tôi giám sát.
Tôi cho con học kiến thức một cách tự nhiên. Lúc con còn nhỏ, tôi bồi dưỡng văn hóa Việt cho bé bằng những tác phẩm văn học của các tác giả nổi tiếng. Tôi mua sách của nhà văn Thạch Lam, Tô Hoài, Sơn Nam… và cùng bé đọc. Tôi cũng chọn mua những bộ sách về danh nhân thế giới để truyền cảm hứng cho con. Khi bé đọc tốt, tôi tiếp tục chọn các loại sách có mức độ khó cao hơn.
Đầu tiên là tôi cho bé đọc Việt Nam Sử Lược. Sau đó, bé tiếp tục tìm đọc về lịch sử Mỹ, lịch sử thế giới, Lã Mã cổ đại. Có lúc, bé muốn đọc về khoa học vũ trụ, tôn giáo và triết học, tôi phải tìm tòi các loại sách viết về chủ đề này (ở trình độ dành cho trẻ em) để thỏa mãn nhu cầu đọc của con. Con đặc biệt thích bộ sách khoa học được viết theo phong cách hài hước, phù hợp trẻ con. Bằng cách đó, con từ từ có được nền kiến thức vững chắc, hiểu đúng và hiểu sâu bản chất vấn đề. Việc này đã giúp con luôn đạt được điểm tốt ở trường mà con không phải học thuộc lòng hay đi học thêm.
Với từng môn học, tôi yêu cầu bé tập trung năng lực học tập riêng. Tôi không ép bé học thật giỏi, đạt điểm 10 các môn ở trường. Ngược lại, tôi luôn khuyến khích bé đọc và viết. Môn viết tôi xem trọng và luôn dành khoảng thời gian chất lượng nhất cho bé, vì tôi biết ở đại học quốc tế, kết quả học tập thường được đánh giá bằng bài luận văn. Tôi yêu cầu con tập trung năng lực nhiều nhất cho môn viết.
Các môn học cũng khác nhau ở từng giai đoạn. Từ lớp 1 đến 3, tôi chỉ ưu tiên cho con đọc thật nhiều. Nghe tiếng Anh bằng cách xem phim. Đến năm lớp 4 tôi mới bắt đầu cho bé học ngữ pháp nghiêm túc và khuyến khích bé viết. Nhờ đọc nhiều, con có nhiều từ vựng, nhiều kiến thức để viết tốt. Việc đọc nhiều sách tiếng Anh cũng giúp con thấm nhuần văn phong tiếng Anh một cách rất tự nhiên. Điều này đã cho kết quả tốt khi con học viết sáng tạo.
Công sức của bố mẹ
Quá trình học hành của con sẽ hiệu quả khi có sự dày công của bố mẹ. Trong một lần trò chuyện gần nhất với một cháu du học sinh người Việt, vừa đậu vào trường Berkeley (trường đại học hàng đầu của Mỹ tại bang California), bạn trẻ ấy nói với tôi “Con không coi trọng người kỳ vọng con. Con rất coi trọng người dành thời gian cho con”. Là cha mẹ, tôi nghe mà trong lòng không khỏi cảm thấy xáo động.
Đặc biệt, khi ở độ tuổi nhỏ, con rất cần cha mẹ. Nhà khoa học Orlando Aloysius Battista từng nói “Di sản tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con là chút ít thời gian mỗi ngày”. Ở độ tuổi nhỏ, con cần cha mẹ dành nhiều thời gian để cùng con học, cùng con chơi, và quan trọng hơn nữa là giúp con bồi đắp động lực, tinh thần hiếu học, trọng sự học và các thói quen tốt như đọc sách, tự học.
Khi con lớn dần, cha mẹ nới lỏng sự giám sát và nên cho con không gian tự do nhất định. Cha mẹ chỉ cần có mặt ở những việc, kỳ thi quan trọng, hoặc khi con cần giúp đỡ. Sự tận tâm và thời gian chất lượng mà bạn dành cho con nhiều bao nhiêu thì con càng hạnh phúc và tăng khả năng thành công bấy nhiêu.
Chị Phạm Xuân Hương, thạc sĩ marketing quốc tế, đã và đang đảm nhiệm vị trí Strategic Marketing Director tại nhiều công ty dược trong và ngoài nước. Chị có 3 con, con trai đầu 26 tuổi, du học ở Australia, đã định cư và làm manager tại Melbourne. Con trai thứ 24 tuổi, tốt nghiệp trường Vatel của Pháp, đang là manager cho một doanh nghiệp F&B của Pháp tại Việt Nam. Con gái út 11 tuổi, đạt học bổng 100%, học vượt lớp hệ phổ thông trực tuyến của Nisai Global School (thuộc tổ chức giáo dục Cambridge – Anh quốc).
Nguồn: VnExpress