Trang chủ Tiêu dùng Freelance- hình thức làm việc triển vọng trong tương lai

Freelance- hình thức làm việc triển vọng trong tương lai

16
0
Chia sẻ

Dịch bệnh mang đến những biến động to lớn cho các cơ quan, doanh nghiệp. Người lao động quen nhận được thu nhập ổn định hàng tháng theo đó cũng lao đao bởi phải đối diện với tình trạng giảm lương, nợ lương, nghỉ luân phiên.

“Freelance”- hình thức làm việc triển vọng trong tương lai

Thực tại đang buộc mỗi cá nhân suy ngẫm nghiêm túc về con đường nghề nghiệp, mà freelance là lựa chọn đáng để mỗi chúng ta cân nhắc.

Freelance là gì?

Theo định nghĩa từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Freelance được hiểu theo nghĩa là làm việc tự do. Những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thì được gọi bằng danh từ Freelancer (người làm tự do), để chỉ những người làm việc theo cung cách tự quản, không bị giới hạn về quy củ, môi trường, địa điểm và thời gian làm việc”.

Ở website chuyên về freelance: www.vlance.vn (hiện có gần 500.000 freelancer đang hoạt động) cũng đưa ra đặc điểm của freelance: “Freelancer có hai kiểu: bán thời gian hoặc toàn thời gian. Không giống như làm nhân viên, freelancer được phép làm việc cho nhiều người sử dụng lao động cùng lúc và thực hiện các nhiệm vụ theo cách riêng của họ, miễn là công việc được tiến triển theo những đặc tả của khách hàng. Không giống như thuê nhân viên, chủ dự án không phải trả cho freelancer bất kỳ chi phí nào dưới đây như: thuế thu nhập, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp thất nghiệp.”

“Freelance”- hình thức làm việc triển vọng trong tương lai - Ảnh 1.

Freelance mang lại sự tự do nhưng cũng kèm theo cam kết và trách nhiệm. Những lĩnh vực xuất hiện nhiều freelancer nhất thường gồm: Marketing, thiết kế, viết lách, dịch thuật, nhập dữ liệu… và danh mục này đang ngày càng phát triển thêm dựa theo nhu cầu của xã hội.

Freelance là cơ hội trong tầm với của tất cả những ai tự tin vào năng lực của bản thân, biết sắp xếp công việc và có trách nhiệm. Bởi trong xu thế chuyển dịch nhanh chóng của nền kinh tế, kéo theo sự ra đời của hàng loạt các mô hình start-up (khởi nghiệp), dự án tư nhân, các tổ chức phi chính phủ (Non-Governmental Organization) thì nhân sự làm việc theo thời hạn như freelance là lựa chọn hấp dẫn.

Ngược lại, đối với những cá nhân có kỹ năng chuyên môn cao, ưa thích sự tự do và biết cách làm chủ thời gian, lịch trình của bản thân ,thì ổn định không phải tương lại họ muốn gây dựng. Thay vì gắn bó cố định ở một tổ chức để tìm kiếm sự ổn định (đôi khi kèm theo tính trì trệ) thì các freelancer luôn sẵn lòng làm chủ bản thân, thử thách để bứt phá khỏi vùng an toàn và liên tục mở rộng các giới hạn để xây dựng sự nghiệp cho chính mình.

“Freelance”- hình thức làm việc triển vọng trong tương lai - Ảnh 2.

Ở thời điểm đang phải đối mặt với khó khăn trong khi tìm kiếm các cơ hội việc làm – song lại dễ dàng mất việc, hoạt động theo hình thức freelance đang thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia thử sức.

Cơ hội và thách thức

Trong cuốn sách “Freelance to Freedom”, tác giả Vincent Pugliese đã chia sẻ lại hành trình thoát khỏi nợ nần và đạt đến tự do tài chính cá nhân khi cùng vợ trở thành freelancer.

Bí quyết của anh nằm ở lập trường kiên định với mục tiêu đã chọn: Khao khát một cuộc đời thực sự có ý nghĩa, dành thời gian cho gia đình để cùng nhau tận hưởng cuộc sống thay vì héo úa từng ngày trong chiếc bẫy “ổn định” của sự chi tiêu thái quá, ngập trong nợ nần rồi lại sôi sục lao vào kiếm tiền.

“Freelance”- hình thức làm việc triển vọng trong tương lai - Ảnh 3.

Vincent Pugliese chia sẻ theo như nghiên cứu của cá nhân anh, có đến 80% người lao động không thích công việc họ đang làm. Họ không giấu giếm điều đó nhưng họ không thể thoát ra khỏi công việc. Sức hấp dẫn của ổn định là khó cưỡng lại, đặc biệt khi người ta luôn biết chắc chắn mình sẽ phải chi tiêu vào việc gì và trả nợ vào lúc nào.

Nhưng nếu thực sự trở thành freelancer thì bạn đang từng bước trở thành ông chủ đích thực của cuộc đời mình.

Điều này là chân lý hiển nhiên nhưng dường như đã bị quên lãng. Ý nghĩa sâu sắc của việc trở thành freelancer không phải chỉ đơn thuần là có việc làm tạo ra thu nhập để kiếm sống, mà là bạn đang thực sự sống.

Là freelancer, bạn cần ghi nhớ việc sở hữu năng lực chuyên môn vững vàng là điều đặc biệt quan trọng. Tiếp đó, bạn cần có hệ thống các kỹ năng: Tự học; làm việc với con người; quản lý thời gian; kỹ năng quản lý tài chính cá nhân; sử dụng thiết bị công nghệ; ngoại ngữ.

Được tự do làm việc không có nghĩa là bạn sẽ ngay lập tức có thời gian chỉ để tận hưởng mọi thứ. Sự lười biếng, uể oải, sinh hoạt thất thường và ngại lập kế hoạch công việc là kẻ thù đáng sợ của freelancer.

“Freelance”- hình thức làm việc triển vọng trong tương lai - Ảnh 4.

Làm freelance lâu dài cũng khó không khác gì việc bạn khởi nghiệp. Đừng để bị chữ “Free” hấp dẫn và đánh lừa nhé. Trở thành freelancer không quá khó, nhưng cũng đừng chờ đợi mọi thứ sẽ dễ dàng ngay từ đầu khi bạn phải sắm cùng lúc rất nhiều vai trên con đường xây dựng sự nghiệp của bản thân:

+ Bạn sẽ là Giám đốc (Không có ai nghĩ hộ bạn kế hoạch làm việc và định hướng phát triển).

+ Bạn sẽ làm Marketing & Sale (Không ai tìm kiếm khách hàng, nghiên cứu nhu cầu khách hàng và tạo ra thị trường cho bạn).

+ Bạn sẽ làm Kế toán (Bạn buộc phải nắm được mình kiếm được bao nhiêu và đã sử dụng tiền như thế nào).

+ Bạn sẽ làm Nhân sự (Không ai có trách nhiệm phải trả lương cho bạn dù dịch bệnh, suy thoái hay quan tâm đến phúc lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chế độ du lịch hay quà tặng sinh nhật)

+ Bạn sẽ làm Trainner (Không có các khóa học định kỳ để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mà bạn phải tự tạo ra hoặc biết cách tìm kiếm)

+ Bạn sẽ là Team Leader (Không ai nhắc bạn về deadline và giúp bạn kiểm tra chất lượng sản phẩm của deadline ấy)

+ Bạn sẽ là đồng nghiệp của chính bạn (Tự bạn phải biết cách khích lệ bản thân mỗi khi gặp phải khó khăn và không có hoạt động đội nhóm thú vị nào chờ đón sau mỗi dự án căng thẳng)

Và cuối cùng, đừng quên khi giao thiệp xã hội và tạo dựng các mối quan hệ thì giá trị của freelancer trong mắt người Việt chưa cao (vì nguồn gốc của cư dân nông nghiệp là coi trọng tập thể). Không ít người hiểu rằng freelancer là “lao động tự do” không thuộc về cơ quan, đoàn thể nào. Vì vậy, freelance sẽ bị coi là thiếu tính ổn định về nhiều mặt và cần thời gian để chứng minh bản lĩnh, uy tín cá nhân.

Thảo luận về việc có nên trở thành Freelancer hay không, các thành viên trên diễn đàn Noron.vn – Mạng Tri Thức Việt bày tỏ quan điểm như sau:

Minh Hưng: Có một số người chỉ phù hợp với làm freelance. Đa số mọi người sẽ phù hợp với làm employee. Sướng khổ là tùy người, tùy tâm.

Kien “Bốn Bốn” Nguyễn: Freelancer tức là cần kỹ năng tự quản lý công việc, quản lý tài chính cá nhân tốt cũng như cần kỹ năng giao tiếp nữa. Nếu bạn có đủ các kỹ năng trên, việc làm freelancer sẽ rất đơn giản và thích hơn là làm full-time.

Solitary: Vì công sở không cho họ sự thỏa mãn. Thời gian gò bó nhưng thu nhập không quá hấp dẫn chưa kể cạm bẫy công sở quá nhiều. Đấu đá nói xấu nhau rồi tìm mọi cách hạ bệ nhau khiến họ mệt mỏi. Mình lại ủng hộ làm freelancer, tự bươn chải tự trưởng thành. Miễn là tự nuôi được bản thân là được.

Mạc Kim Anh: Mình thấy các bạn trẻ bây giờ rất thích đi theo xu hướng freelancer. Công nhận là có sự tự do, nhưng mình cảm giác freelancer rất bấp bênh, không ổn định nữa.

Rõ ràng là câu trả lời cuối cùng cho việc có trở thành freelancer hay không tùy thuộc vào cá nhân mỗi chúng ta. Song không thể phủ nhận, bên cạnh việc lựa chọn sự ổn định thì mỗi cá nhân cần suy nghĩ thấu đáo hơn về bản chất của tính ổn định và các cơ hội phát triển bản thân khi chạy theo sự ổn định ngay từ khi tuổi đời còn trẻ.

Thay cho lời kết

Tương lai luôn rộng mở cho nhưng tư duy sẵn sàng thay đổi và không ngừng học hỏi, thích nghi. Bài học mà dịch bệnh mang đến cho nhân loại vô cùng rõ ràng: không có gì là bất biến, lợi thế luôn thuộc về những ai có sự chuẩn bị và đón đầu được xu thế.

Trong khi gắn bó với một công việc ổn định, bạn hoàn toàn có thể biến đam mê, tài lẻ của bản thân thành một công việc phụ với tư cách là freelancer. Lợi ích bạn nhận được sẽ không dừng lại ở việc có thêm nguồn thu nhập mà còn nằm ở những trải nghiệm sống động, những mối quan hệ mới và những phần thưởng bất ngờ- mà đáng giá nhất là bạn vẫn có thể duy trì cuộc sống nếu chẳng may bị mất công việc chính.

Chấp nhận nếp suy nghĩ thụ động, rơi vào tình cảnh thất nghiệp để rồi mòn mỏi chờ đợi hay tự tạo ra cho mình công việc chính là cách bạn khẳng định năng lực, ý chí của bản thân. Hãy cố gắng làm việc hết mình, tạo ra các giá trị và luôn trong trạng thái sẵn sàng đối mặt với tinh thần tích cực, bạn nhé.

Nguồn: Dân sinh