Với 8 bò, 26 lợn, hàng trăm gà vịt và 1,5 ha lúa trong trang trại của gia đình, 6 năm qua chị Bích Hoài không phải đi chợ mua gạo và thực phẩm.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Hoài, 33 tuổi, sinh sống ở quận Tân Bình, TP HCM và làm trang trại ở Củ Chi, cách nhà 40 km, rộng gần 3 hecta, được mua chục năm trước và bắt đầu trồng trọt, chăn nuôi từ 2014 tới nay.
Chị Hoài bố trí 1/2 diện tích đất để trồng lúa. Phần còn lại trồng cỏ để nuôi bò, trồng rau cũng như làm chuồng trại.
Vì nuôi trồng để gia đình dùng nên anh chị không đặt nặng năng suất mà quan trọng phải sạch. Thời gian đầu có những đợt chị gieo 3 lần lúa mới được ăn, vì chưa hiểu rõ về thổ nhưỡng, cỏ mọc nhiều hơn lúa. Đến nay có kinh nghiệm, một năm chị gieo được 2 vụ, giống lúa ST25 cho gạo được đánh giá “ngon nhất thế giới”. Với 1,5 hecta, chị thu được khoảng 5 tấn lúa.
Ban đầu chị Hoài mua 3 con bò mẹ, sau đó chúng đẻ thêm 3 bò con, ăn cỏ trong trang trại và rơm. Mỗi năm nhà chị thường thịt một hai con. Đôi khi quá sức nuôi, chị phải bán bớt. Có lần một con bò đẻ xong bị sa tử cung, không sinh nở được nữa. Người mua trả chỉ bằng một nửa giá mua lúc đầu và còn chê “bò ăn cỏ nên không nhiều thịt. Mua về phải tiêm thuốc, thúc cám vài tháng mới mổ bán được”.
“Tôi tiếc con bò sạch nên làm tặng cho nhân viên công ty và họ hàng. Làm ra được hơn 100 kg thịt, mọi người chia nhau rất vui. Nhưng tôi bị ám ảnh mùi thịt lâu đến nỗi không thể ăn món này trong 3 tháng, dù không trực tiếp làm”, chị Bích Hoài, chủ một đại lý bán vé máy bay chia sẻ.
Từ 3 chú heo mẹ ban đầu, sau vài tháng chúng đẻ ra khoảng 25 heo con. Nhiều năm qua gia đình chị thường duy trì đàn từ 25-30 con. Thịt heo là thực phẩm dễ ăn, chế biến được nhiều món nên tháng nào gia đình cũng mổ một chú heo chừng 60 kg.
Gà, vịt nuôi thả ăn sâu bọ, ếch nhái trong vườn và thêm lúa, ngô nhà trồng được. Đến nay trang trại của chị có cả trăm con. Mỗi cuối tuần về thu hoạch, chị Hoài nhặt được không dưới 50 quả trứng.
Tại trang trại, gia đình chị thuê một bác giúp trông nom và chăm sóc. Mỗi tuần vợ chồng chị về vườn một lần lấy thực phẩm. Đôi khi có buồng chuối, mít chín, chị Hoài cũng không quản ngại chạy về đột xuất để lấy, bởi “đồ mình trồng ra nên trân quý”.
Tại nhà, chị Hoài tự tay trồng vườn rau trên sân thượng rộng cỡ 40 m2. “Vì đã quen với thực phẩm sạch nên tôi hơi khó chịu khi ăn rau bên ngoài. Mà trang trại thì không thể lên hái mỗi ngày được nên tôi đầu tư một hệ trồng rau hữu cơ tại nhà”, chị chia sẻ.
Là người gốc miền Trung, gia đình thích ăn các món cuốn với rau sống nên trên sân thượng chỉ chuyên trồng xà lách, ngò, hành mùi, cà chua… Diện tích không quá lớn và đầu tư bài bản nên chị không mất nhiều công sức. “Việc cực nhất tới nay là bắt sâu và ốc thủ công”, chị nói.
Từ ngày có trang trại, chị Hoài nhận ra nuôi trồng được thực phẩm sạch rất vất vả. Để nuôi được con lợn 60 kg phải mất đến cả năm, gà vịt cũng nửa năm mới được ăn. Vì thế chất lượng thịt khác hoàn toàn khi đi mua. Trứng từ trang trại lòng đỏ nhiều, vàng ươm, thơm bùi.
“6 năm nay gia đình tôi tự cung, tự cấp được khoảng 80% thực phẩm”, chị chia sẻ. Gia đình chỉ phải mua thêm đồ biển và các loại rau không thể trồng được ở thời tiết Sài Gòn như bông cải, bắp cải, cà rốt.
Vụ lúa đầu tiên gia đình chị rất háo hức. Cơm gạo mới thu hoạch thơm lừng và có nhựa bóng, dẻo dính, ăn ngọt – thứ gia đình chị chưa bao giờ thấy trước đây khi đi mua. Chị Hoài đóng theo các bịch 5 kg, tặng nhân viên công ty, hàng xóm và người thân, bạn bè. Vì gạo xay dối, nước gạo đục và thơm, chị em trong công ty của Hoài rủ nhau lấy nước vo gạo rửa mặt.
Năm ngoái, dịch tả heo Châu Phi làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. May mắn gia đình chị nuôi nhỏ lẻ không bị ảnh hưởng. Bạn bè hay trêu “khi thịt heo đang được tính bằng lát thì nhìn đàn heo nhà Hoài đã thấy ấm no”. Nhân viên thi nhau bảo thưởng Tết bằng thịt heo. “Lúa, gà, vịt, heo còn trở thành ‘sản phẩm ngoại giao’ của chồng mình tặng đối tác”, chị cho hay.
Đĩa rau trong hình gồm mười mấy loại rau đều được trồng trên sân thượng. Nhiều lúc vườn rau tươi tốt ăn không xuể. Mỗi bữa chị Hoài làm một món cuốn, một đĩa salad. Bạn bè và hàng xóm được huy động ăn phụ để “giải cứu rau”.
Từ ngày làm vườn, bà mẹ hai con thấy cuộc sống của mình “bị thu nhỏ lại”. Gia đình với 6 thành viên, ăn tại nhà 3 bữa/ngày tại nhà. Trừ trường hợp được khách mời mới phải ra nhà hàng, còn khi mời khách anh chị cũng đưa về luôn. Tại nhà có một hầm rượu, khách đến vừa ăn đồ sạch, vừa có thể ngắm cá, chim qua các ô kính.
“Cuộc sống thấy bình dị và nhẹ nhàng. Mình dành nhiều thời gian cho việc trồng và chăm sóc vườn. Mùa dịch này có bị cách ly nửa năm gia đình mình cũng không lo thiếu thực phẩm”, chị cho hay.
Nguồn: VnExpress