Trang chủ Tiêu dùng Giá hàng hóa leo thang bủa vây người tiêu dùng

Giá hàng hóa leo thang bủa vây người tiêu dùng

22
0
Chia sẻ

Giá hàng hóa tăng 5-40% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi thu nhập giảm vì ảnh hưởng Covid-19 khiến nhiều người chật vật trong chi tiêu.

Đều làm công ăn lương, thu nhập của hai vợ chồng không tăng, thậm chí giảm vì ảnh hưởng dịch, nhưng các khoản chi phí thiết yếu gần đây không ngừng tăng lên khiến chị Loan (quận 5, TP HCM) “đứng ngồi không yên”.

Chị cho biết, hiện tiền chợ hàng ngày cho 3 người ăn trong gia đình ngốn khoảng 120.000-200.000 đồng, tăng hơn 50.000-100.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. “Ra chợ mua bó rau, con cá đều thấy giá nhích lên hàng ngày khiến tôi không khỏi sốt ruột”, chị nói và cho biết hiện giá các loại rau như cải, mồng tơi, rau muống đều tăng 4.000-5.000 đồng một kg so với cách đây vài tuần.

Chi phí ăn uống tăng 50% so với hồi đầu năm, gia đình chị Hòa mỗi tháng thay vì chi 3 triệu đồng cho bữa tối của 3 người, nay cũng phải tốn thêm 2 triệu đồng mới đủ. Bởi ngoài việc giá thịt, cá, gạo tăng thì gas, dầu, mắm…cũng đi lên vài nghìn đến vài chục nghìn tùy loại.

“Năm ngoái, giá hàng hóa đã tăng 10%, nhưng năm nay mới 5 tháng đã tăng gấp đôi. Tôi phải trích thêm tiền dành dụm để bù số chi phí dôi thêm này”, chị Hoa than thở.

Không nấu ăn cho gia đình thường xuyên, nhưng Ngọc Châu, Kế toán trưởng một doanh nghiệp xây dựng ở Tân Bình (TP HCM) cũng không khỏi giật mình khi thấy giá các món ăn sẵn tại nhiều quán tăng 10-20%. Cách đây vài ngày khi mua mì quảng tại chuỗi cửa hàng nổi tiếng ở TP HCM, Châu phải trả 65.000 đồng một phần thay vì 55.000 đồng như trước đây. Chưa kể, nếu cô đặt thông qua giao hàng sẽ phải trả thêm phí ship. “Với tình hình giá cả leo thang, thu nhập lại giảm nhiều khi tôi không dám ăn ngoài” Châu bộc bạch.

Bà Hạnh, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Quang Trung (Gò Vấp) thừa nhận, giá thực phẩm hiện nay tăng khá mạnh. Đường trước đây chỉ 14.000-15.000 đồng một kg, nay tăng lên 19.000-20.000 đồng. Còn nhiều mặt hàng khô cũng tăng thêm 5-10% so với trước.

Đầu năm 2020, mỗi kg thịt ba rọi chỉ 120.000 đồng thì nay dù giá heo hơi giảm nhưng vẫn ở mức 180.000 đồng một kg. Ảnh: Thi Hà.
Đầu năm 2020, mỗi kg thịt ba rọi chỉ 120.000 đồng thì nay dù giá heo hơi giảm nhưng vẫn ở mức 180.000 đồng một kg. Ảnh: Thi Hà.

Theo chị Nhung chủ sạp gạo trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp, TP HCM), giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng mạnh từ đầu tháng 4 năm nay, trong đó, gạo tăng 4.000-5.000 đồng một kg. “Trước đây, tôi bán gạo thơm nở rẻ nhất là 13.000 đồng một kg, nay lên 17.000 đồng, gạo thơm dẻo từ 15.000 đồng, giờ cũng lên 20.000 đồng một kg”, chị nói.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm, ông Đỗ Văn Khuôi – Giám đốc Cung ứng Công ty Sài Gòn Food lý giải, nguyên nhân giá cả tăng mạnh là do nguồn cung trong nước giảm, nguyên liệu đầu vào ở các thị trường thế giới cũng khan hiếm. Thậm chí, một số nơi có dấu hiệu trữ hàng tạo khan nguồn đã góp phần khiến giá tăng đột biến.

“Cùng với việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, một số thời điểm nguyên liệu sản xuất còn bị đứt hàng do ảnh hưởng Covid-19 không thể vận chuyển bằng đường hàng không lẫn đường biển. Do đó, giá sản phẩm bị đẩy lên cao”, ông nói.

Theo ông Khuôi, hiện các loại gia vị, phụ gia nhập khẩu tăng 5-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15-70%, găng tay cao su tăng 300%. Trong khi đó, các nguyên liệu nội địa như gạo, thuỷ sản… do tình trạng mất mùa và giảm sản lượng cũng tăng từ 5-20%.

Đồng quan điểm, đại diện Vissan cho hay, nguyên liệu đầu vào tăng cao đang khiến doanh nghiệp “đau đầu”, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu, hương liệu sản xuất đề nghị tăng giá nhưng công ty chỉ thương thảo áp dụng từ tháng 4. Bên cạnh đó, nhiều nhà cung cấp khác cũng đề nghị tăng lên 15% từ tháng 5.

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất cho biết, giá thành chịu ảnh hưởng đang tăng từ 5-15% tùy từng mặt hàng trong quý I, II và có thể tăng từ 10-25% từ quý III, IV/2021. Tuy nhiên, để kìm giá hỗ trợ người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đang phải tìm các nguyên liệu đầu vào khác thay thế. Song song đó, cắt giảm chi phí những khâu không quan trọng, tìm nhà cung cấp nguyên liệu có giá cạnh tranh để đem đến sản phẩm giá hấp dẫn cho người tiêu dùng.

Trong khi doanh nghiệp cố gắng ổn định giá, tránh tăng đột biến, phía cơ quan Nhà nước cũng đang tìm giải pháp. Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, họ đã và đang làm việc với các đầu mối cung ứng, yêu cầu đơn vị cung cấp đảm bảo về nguồn cung hàng hoá để tránh tăng đột biến. Đồng thời, cơ quan này đang lên phương án phối hợp với các bộ, ngành liên quan (nông nghiệp, hải quan…) làm tốt khâu lưu thông, không để ngưng trệ, tắc nghẽn vận chuyển hàng, nguyên liệu sản xuất giữa các địa phương, khu vực có dịch.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tháng 4/2021 tăng 0,37% so với tháng trước và tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh nhất là giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,77%; sản xuất công nghiệp tăng 4,95% và xây dựng tăng 1,95%.

Tổng cục Thống kê lưu ý, giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nhóm sản phẩm sắt thép tăng cao, khiến người chăn nuôi, các doanh nghiệp liên quan đối mặt nhiều thách thức. Đặc biệt, chu kỳ tăng giá sẽ khó dừng lại khi đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp, nguồn cung nguyên liệu đầu vào ngày càng khan hiếm.

Nguồn: VnExpress