Trang chủ Gia đình Gieo một nụ hôn, trồng cây hạnh phúc

Gieo một nụ hôn, trồng cây hạnh phúc

38
0
Chia sẻ

Bóng mát yêu thương rồi sẽ phủ rợp đời ta.

Có đôi bận, sau bữa cơm tối, khi cả nhà quây quần bên nhau, con trai thì ríu rít: Bố! Bố thơm mẹ một cái đi. Con gái cũng mè nheo: Mẹ! Mẹ thơm bố một cái đi!

Hôm ấy, cái nụ hôn gieo xuống môi nhau, má nhau ấy hẳn sẽ mọc lên trong mắt và trong tim những hạt mầm hạnh phúc. Rồi hạt mầm ấy lớn lên, thành cây. Rồi cây hạnh phúc ấy lớn lên, thành bóng mát phủ xuống đời ta và mát cả đến những đứa con mai này, khi chúng lớn!

Tôi nghĩ thế! Về những cặp vợ chồng hạnh phúc, bày tỏ được tình cảm của mình với bạn đời của mình, trước mặt các con mình. Tôi nghĩ thế! Về những đứa trẻ được sinh ra còn đầy đủ cả cha và mẹ, được trọn vẹn cha, trọn vẹn mẹ, được tưới tắm từ tình cảm mà cha chúng dành cho mẹ chúng, từ mẹ chúng dành cho cha chúng. Phải là thế cơ, đứa trẻ ấy mới hạnh phúc thực sự. Chứ không phải có cha có mẹ không thôi.

Như câu thơ của cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, bài Đồng dao dành cho người lớn: “Có cha, có mẹ, có trẻ mồ côi”. Nhiều đứa trẻ mồ côi cha, mồ côi mẹ ngay cả khi cha mẹ chúng vẫn hiện hữu, vẫn đang sống cùng chúng. Là bởi thứ khiến đứa trẻ hạnh phúc, nuôi lớn tâm hồn một đứa trẻ không phải sự hiện diện của cha mẹ chúng, mà là tình yêu của cha mẹ chúng được hiện diện.

Gieo một nụ hôn, trồng cây hạnh phúc - Ảnh 1.

Ngày nọ, khi tình yêu còn xuân thì mới chớm. Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể hôn nhau. Chân ấy, tay ấy, tóc ấy, môi ấy… lúc nào cũng phải chạm vào nhau mới được. Xa nhau chút là nhớ. Gần nhau sát khít khìn khịt vẫn cảm thấy xa. Cứ muốn phải hòa trộn vào nhau mới được. Cứ muốn phải tan vào nhau mới được. Cái thuở tình yêu còn xuân thì mới chớm ấy, hồ dễ mấy ai quên? Thế mà sau này…

Tôi vẫn luôn tự hỏi: Tình yêu liệu giống thứ gì? Giống đá núi phải mòn theo thời gian hay giống cây đời lớn theo cùng năm tháng? Giống kim cương lung linh nhưng chỉ có dịp mới lôi ra khoe hay giống đôi đũa dùng hàng ngày?

Giống một công việc biên chế chắc chân, có lương hưu chẳng bao giờ lo bị đuổi việc hay giống kẻ đi làm thuê bằng năng lực bản thân mà phải nỗ lực mỗi ngày để tồn tại, hay kẻ tự ra ngoài kinh doanh đối mặt với nhiều rủi ro? Hình như nhiều người vẫn ví tình yêu son sắt như đá núi, lung linh như kim cương và bền vững như có một chân trong biên chế nhà nước!

Để nuôi dưỡng một tình yêu nhất là sau khi đã cưới nhau, đã thành vợ thành chồng thậm chí thành cha thành mẹ thậm khó. Chúng ta cứ đổ lỗi cho cơm áo gạo tiền bào mòn cảm xúc, hút cạn thời gian, vò nhàu thể xác của ta. Rồi những vết rạn bụng, những múi mỡ nữa chứ! Chúng ta mơ về cái thời vô lo ngày nọ.

Thời gian chỉ để yêu. Tâm trí chỉ để yêu. Lồng ngực căng tràn ham muốn. Chúng ta cứ mơ vậy rồi tỉnh giấc bởi tiếng con khóc, trận ốm của con, tiền sinh hoạt phí và cả vẻ xập xệ của mình khi soi gương. Chúng ta già đi trong tâm trạng, tâm thế, suy nghĩ trước cả khi chúng ta cảm nhận được tuổi già sinh lý.

Nên có người vợ khi chồng quàng tay ôm mình, đặt nụ hôn lên má thì nhăn mặt: Này anh! Các con nó thấy bây giờ? Rồi khi chồng mà hôn thì giãy nảy lên: Mồm sặc sụa mùi rượu, thuốc lá kinh chết đi được. Rồi thì “các con thấy nó lại bắt chước bây giờ”…

Chúng ta luôn nhìn thấy hàng trăm, hàng ngàn nguy cơ và những lý do chứ không bao giờ thấy giải pháp. Chúng ta ra hàng tá điều kiện để hạnh phúc thay vì cảm nhận và tận hưởng hạnh phúc. Như mơ những hạnh phúc lớn hơn chứ không phải những hạnh phúc hiện tại đang có.

Rồi! Rồi! Sẽ có nhiều phụ nữ bảo tôi: Đấy là chuyện nhà người khác. Chứ nhà tôi, chồng tôi chả bao giờ làm vậy. Chồng tôi mà làm vậy thì đời tôi đã khác. Nhưng thưa chị em, có nhiều ông chồng, người cha từng nói với tôi rằng họ cũng loay hoay lắm vì làm gì cũng không vừa ý vợ.

Đàn ông dễ… “chột” nếu vợ họ từ chối họ hoặc đã nhiều phen (có khi vô tình thôi) gạt họ ra khỏi cuộc đời cô ấy. Từ chuyện trông con thì luôn bị vợ mắng là đoảng vị. Tới chuyện đưa vợ đi ăn hàng thì bị kêu là tốn tiền. Ôm vợ thì bị vợ đẩy ra bảo: Con nó cười cho kìa! Hôn vợ thì bị vợ nhăn nhó: Anh lại say à? Có đôi khi, muốn làm điều lãng mạn gì đó cho vợ thì đụng đâu cũng thấy cái cấm cảu của vợ, đụng đâu cũng thấy những ngờ nghi của vợ…

Không! Đừng nghĩ ra lời phản biện lại tôi nữa. Dành hơi đó để phản biện lại mình. Rằng đã bao lâu rồi chưa cho cuộc hôn nhân của mình vị lãng mạn? Rằng ôm chồng trước mặt con sao phải ngượng, phải xấu hổ? Rằng sao cần một dịp, một cớ, một lý do thì mới rủ nhau đi ăn hàng, rủ nhau đi vòng vèo phố xá, rủ nhau cà phê vỉa hè?

Những đứa con lớn lên từ “bố mẹ hư” suốt ngày thơm nhau trước mặt chúng sẽ hiểu rằng cuộc đời này có những món quà dành cho người mình yêu hoàn toàn miễn phí nhưng vô cùng giá trị: Nụ hôn và những cái ôm. Những đứa trẻ ấy lớn lên, chúng sẽ học cách mà bố chúng đối xử với mẹ chúng – mẹ chúng đối xử với bố chúng – để đối xử với bạn đời của chúng.

Ngày 8/3, thay vì chúng ta cứ chúc phụ nữ luôn xinh đẹp hay những lời chúc mang tính “giải phóng phụ nữ”, bình đẳng giới… blah blah… tôi vẫn nghĩ hãy chúc phụ nữ tận hưởng hạnh phúc, hãy cho phép chính họ được hạnh phúc. Món quà nào giá trị hơn những cái ôm, cái hôn dành tặng nhau lúc đầu ngày, khi về tới nhà, trước khi ngủ hay sau mỗi bữa tối khi cả nhà quây quần bên nhau?

Gieo một nụ hôn xuống môi nhau, má nhau, in vào đầu con trẻ không phải là những nguy cơ mà là những hạt mầm yêu thương. Để từ đó, hạt yêu thương nảy mầm, lớn lên, tỏa bóng mát xuống đời ta. Sẽ thêm cả trái ngọt là những ký ức đẹp, những kỷ niệm mãi nhớ: Bố mẹ tôi đã yêu thương nhau thế nào?

Nguồn: Gia đình & Xã hội