Để đến được tay người tiêu dùng, các sản phẩm hàng hóa (nhất là hàng nông sản) phải trải qua nhiều khâu trung gian khác nhau. Việc này khiến giá thành sản phẩm bị đội lên gấp nhiều lần. Theo các chuyên gia, quá nhiều khâu trung gian, không chỉ là các “vòi bạch tuộc” siết vào mức lãi của người nông dân mà còn “móc túi” người tiêu dùng.
Giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng bị tăng 200%
Được ân nhân tặng con lợn bản vì cưu mang một sinh viên trong 4 năm đại học, một giáo viên tại Hà Nội đã bán rẻ một phần thịt tại chợ do số lượng thịt quá lớn. Ngay lập tức, người nhà của anh đã bị nhiều tiểu thương tại chợ gây khó dễ, mạt sát, thậm chí đứng chửi cả buổi để không ai dám vào mua.
Nguyên nhân bởi giá thịt lợn bán chung tại chợ từ 130.000-160.000 đồng/kg, nhưng người nhà của anh chỉ bán với giá 100.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều tiểu thương đã dùng lời lẽ thô tục để mạt sát người nhà của anh do đã “dám” bán phá giá.
“Có một sự thực cay đắng là, giá lợn bán ra chỉ cần 100.000 đồng là có lãi rồi, nhưng thịt lợn khi đến chợ đã được bán đến 140.000-160.000 đồng/kg, thậm chí 180.000 đồng/kg” – vị giáo viên (xin không nêu tên) cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại ngõ 56 Doãn Kế Thiện (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), giá nông sản, điển hình nhất là thịt gia súc, gia cầm không được điều chỉnh tăng giảm theo giá lấy buôn, mà được điều chỉnh theo “đợt”. Ví dụ, dù giá thịt lợn đã giảm nhiều ngày, nhưng giá bán lẻ vẫn giữ nguyên so với tuần trước. Ngược lại, khi giá lấy buôn tăng, nhưng giá bán lẻ vẫn được giữ nguyên vài ngày sau đó mới điều chỉnh tiếp. “Điều này tạo tâm lý cho người mua là giá hàng hóa ổn định” – bà Tuyết phân tích.
Trong khi giá hàng hóa tại các chợ dân sinh được neo cao và có “giá chung” theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”, như “luật bất thành văn” và rất ít người dám bán phá giá, thì tại siêu thị, cũng có sự liên kết, thống nhất để mức giá gần như tương đương nhau.
Khi PV đặt câu hỏi này tới nhiều chuyên gia thương mại, đều nhận được chung ý kiến: Giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng bị tăng 200%, thậm chí 300%, là do khâu trung gian “ăn quá dày”! Ông Vũ Vinh Phú – nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, chỉ cần mỗi khâu trung gian “ăn” 10%, nếu qua cả chục “khâu”, thì khi đến tay người mua giá lên 200-300% là “chuyện bình thường”.
“Thậm chí, có những siêu thị còn ép nhà cung cấp mức chiết khấu tới 25% mới cho hàng lên kệ. Một mắt xích trung gian “ăn” đến 25%, thì làm sao sản phẩm có thể rẻ”? – ông Vũ Vinh Phú bức xúc nói, đồng thời cho rằng, các khâu trung gian không khác gì các “vòi bạch tuộc” xiết vào mức lãi của người nông dân, đồng thời “móc túi” người tiêu dùng đối với tất cả các mặt hàng chứ không riêng gì lương thực, thực phẩm.
Xung quanh ý kiến của cá nhân mình về khâu trung gian đối với hàng xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc, trao đổi với PV Lao Động, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực – Chủ tịch Công ty Cổ phần Bagico cho biết: Vấn đề này bà không chỉ nói tại Diễn đàn Mekong Conect 2020 hôm 21.12 vừa qua, mà xung quanh nội dung này bà đã từng phát biểu tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì từ năm 2018.
Để minh chứng cho các khâu trung gian làm đội giá sản phẩm lên cao, bà Thực đã gửi cho PV sơ đồ của các khâu, theo đó, một sản phẩm do nông dân sản xuất ra, để XK và đến được người tiêu dùng, phải qua hàng chục mắt xích gồm: Thương lái 1 là cò/lái vườn; thương lái 2 gom hàng từ người sản xuất; thương lái 3 là đại lý thu mua ngành, vựa; thương lái 4 là nhà máy, công ty XNK; thương lái 5 là cò, người buôn trung gian, môi giới; thương lái 6 là người buôn chuyến; thương lái – là chợ đầu mối, biên giới Việt Nam; thương lái 8 là chợ, đầu mối biên giới Trung Quốc; thương lái 9 là người buôn nội địa Trung Quốc; thương lái 10 là người buôn chợ nội địa Trung Quốc; khâu thứ 11 là các quầy, chợ, siêu thị, thương mại điện tử.
Như vậy, nếu tính cả 2 khâu đầu (người sản xuất ra sản phẩm) và khâu cuối (người tiêu dùng), thì một sản phẩm làm ra cho đến khi tiêu thụ phải qua 11-12 khâu trung gian. Điều này khiến giá thành sản phẩm XK của Việt Nam bị mất ưu thế cạnh tranh bởi giá thành sản phẩm bị đội lên cao.
Làm sao để chặt được “vòi bạch tuộc”?
Theo Bộ Công Thương, có một thực tế cần nhìn nhận là nông sản sản xuất ra không theo tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logicstics vừa thiếu vừa yếu trong khi nông sản mang tính mùa vụ cao lại khó bảo quản để giữ phẩm cấp, chất lượng; tập quán, thói quen của đại bộ phận người tiêu dùng (thích đồ tươi sống, mua bán linh hoạt, giá bán cạnh tranh hơn…); thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững, chưa dự báo phân tích thị trường về sản lượng và giá bán; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, đặc biệt là tư duy “rau hai luống, lợn hai chuồng” và khả năng hợp tác của nông dân còn yếu…
Vì vậy, kênh tiêu thụ nông sản không liên kết, cơ bản do các thương lái “tự do” tại địa phương giữ vai trò chủ đạo hình thành và phát triển là tất yếu khách quan để đáp ứng cả cung (phía sản xuất) và cầu (tiêu dùng là tổ chức, cá nhân). Do đó, giá thành sản phẩm hầu như do các nhóm thương lái này áp đặt.
Trả lời câu hỏi của PV nguyên nhân vì sao giá nông sản bán tại vườn, tại trang trại thấp, mà khi đến chợ tăng gấp 2, gấp 3 lần, cụ thể, giá lợn hơi bán tại chuồng chỉ khoảng 70.000 đồng/kg, nhưng khi đến bàn ăn người tiêu dùng, giá thịt lợn lên đến 140.000-170.000 đồng/kg, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phân tích: “Hiện nay chúng ta đang tái cơ cấu lại ngành NN, trong đó có ngành chăn nuôi (thịt lợn).
Ở khâu chăn nuôi thì tốt (trừ đợt dịch là do yếu tố ngoại cảnh – PV), nhưng khâu chế biến còn kém. Một đất nước đến 40% là đô thị với 35 triệu công nhân mà vẫn còn các lò giết mổ thủ công, vận chuyển bằng xe máy chỉ chở được 2 con lợn “lệt quệt”.
Hiện nay chúng ta đã có các nhà máy hiện đại ở Hà Nam và Long An với công suất 1,4 triệu con lợn; nhà máy tại Củ Chi và một số nơi, nhưng bình diện chung yếu nhất vẫn là khâu chế biến thịt lợn và tổ chức phân phối. Hiện nay, chỉ một phần vào được trung tâm thương mại, siêu thị hiện tại, còn chủ yếu là tại chợ lẻ, lò thủ công.
“Một tiểu thương chỉ bán được ½ đến 1 con lợn/ngày sẽ khác với 1 doanh nhân bán cả 1 hệ thống. Tới đây, cần thúc đẩy thật nhanh vấn đề tái cơ cấu. Chúng tôi đang triển khai quyết liệt, sẽ có thêm một số nhà máy hiện đại nữa, 1 cái ở Thanh Hóa, 1 cái ở Bắc Giang, 1 cái ở Bình Phước… phải có sự liên kết mới hạ được giá thành và quan trọng hơn là kiểm soát được an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Hơn nữa, phù hợp với xu thế của một đất nước đang trên tiến trình công nghiệp hóa.
Trong khi chưa làm được điều này một cách triệt để, thì trước mắt cả 2 Bộ Công Thương và Nông nghiệp không phân biệt là việc của ai. Tôi đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là có việc gì liên quan đến nông sản, bán hàng thì đều là việc của cả 2 ngành chứ không của riêng ngành nào. Tôi cũng đi ra bán hàng cùng ngành Công Thương và ngược lại ngành Công Thương cũng hỗ trợ hàng hóa, nông sản khi sản xuất ra đến tay người tiêu dùng càng rẻ, càng an toàn càng tốt” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Ông Dương Thái Trung – Trưởng phòng Phân phối hàng hóa và Dịch vụ thương mại – Bộ Công Thương: Về tổ chức kênh tiêu thụ, mặc dù các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai công tác đổi mới và thúc đẩy phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo chuỗi liên kết bền vững, tuy nhiên công tác này vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ tại tất cả các thị trường chủ lực và tiềm năng. Để thực hiện hiệu quả vấn đề này trong thời gian tới, cần phải tập trung nhiều việc, trong đó cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại (giao thông, vận tải, logistics…) nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An: Giá thành sản phẩm ở khâu cuối tăng cao tại các khâu trung gian, bởi do chi phí logistics quá cao. “Tổng quát thì tôi chưa thống kê so sánh, nhưng chỉ biết là, không kể thời gian “sốt giá” gần đây (do thiếu container rỗng, thiếu tàu – PV) thì hàng từ TPHCM đi Singapore chỉ 3USD/tấn nhưng đi Hải Phòng, Hà Nội hoặc các địa điểm trong nước khác thì trung bình 15 triệu đồng/containe 25 tấn, tương đương 25 USD/tấn.
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: “Nguyên nhân đẩy giá hàng hóa lên cao là do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định phân chia lợi ích giữa các đối tác trong chuỗi; Cơ chế và công nghệ để phán loại sản phẩm thịt còn quá lạc hậu; Hệ thống thống kê cũng lạc hậu vì vẫn thống kê thịt hơi mà chưa thống kê về thịt xe; Chưa hình thành các trung tâm đấu giá ở các quốc gia, miền, tỉnh; Hệ thống cơ sở dự liệu về sản phẩm, giá còn thiếu, chưa cập nhật và hài hoà hoá khu vực và quốc tế”.
Nguồn: Lao động