‘Mình không muốn vứt bỏ bất cứ cái gì, nếu hôm nay chưa cần thì ngày mai biết đâu lại cần đến, nên cái gì còn dùng được là mình để lại hết’, đó là cách sống độc đáo của cô gái yêu sống xanh tại TP.HCM.
Ghé đến căn phòng làm việc của cô gái trẻ yêu sống xanh Quan Ái Như (28 tuổi, Q.1, TP.HCM), người viết phải ngỡ ngàng và vô cùng ngưỡng mộ trước tài năng tái chế “vô biên” của Như. Dường như mọi thứ Như đều có thể tái sử dụng được, vì thế mà thùng rác ở trong phòng của Như cũng phải dẹp bỏ vì trở nên vô tác dụng.
Như tận dụng đến nổi mà nhiều thứ đã tái sử dụng nhiều lần và dường như đã nhuốm màu thời gian, nhưng sợ để ở ngoài cô lao công thấy lại dọn bỏ nên Như phải lấy đi giấu để còn tái sử dụng cho những mục đích khác.
Không gì là không thể tận dụng
Gặp cô gái yêu sống xanh này, người viết phải khẳng định là dường như không có gì là không thể tái sử dụng. Mở ngăn tủ được khóa cẩn thận ở bàn làm việc, cứ ngỡ là Như cất của quý gì trong đó, nhưng thật sự ngạc nhiên vì trong đó chỉ toàn bì ni lông đã qua sử dụng và được Như giặt sạch rồi cất kỹ.
Ngăn tủ với đủ các loại bao bì ni lông, đến cả vỏ ngoài của gói mì tôm, hay gói bánh phồng tôm… ăn xong rồi Như vẫn giặt sạch để lại dùng khi cần. Với Như ngăn tủ đó như là của quý, vì những bì ni lông đó có thể tận dụng để sử dụng nhiều lần.
Từng đó thôi chưa đủ ngạc nhiên vì cách sống sợ hao tốn tài nguyên và nguy hại cho môi trường của Như. Vì ngay lập tức Như lấy ra những đoạn dây nhựa ngắn cũn, nhỏ xíu, Như nói: “Những cái như thế này mình cũng để lại, biết đâu có lúc lại phải cần đến để buộc cái gì đó”.
Chỉ tay lên những bức tranh nằm trên mảng tường ngay cửa đi vào, Như nói là do cô nàng tự vẽ trên những vật liệu tái chế và treo lên đó để che lấp đi những vết hoen ố lâu năm của mảng tường, thay vì phải mua giấy dán tường về để che đi những mảng xấu.
“Mình tận dụng những tấm bìa cạc tông bỏ đi, rồi tận dụng thêm giấy A4 đã dùng một mặt để dán lên những tấm bìa và bắt đầu vẽ lên để hình thành những tác phẩm như vậy. Nhìn không được thẩm mỹ cho lắm nhưng không sao, miễn sao là tái chế được những thứ vật dụng vốn dĩ sẽ bị bỏ đi là được rồi”, Như bày tỏ.
Thấy những vật gì lạ lạ nằm trên mặt các chậu cây Như trồng, người viết thắc mắc thì Như chia sẻ: “Đó là vỏ hạt sen, hôm trước mình ăn hạt sen xong thấy vỏ này vứt phí quá nên bỏ vào các chậu cây để nó phân hủy thành phân hữu cơ và cung cấp dinh dưỡng cho cây luôn. Mình hay làm thế nên cây có đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển tốt hơn”.
Khi thấy một đồng nghiệp mang bì vỏ và hạt ổi đi vứt sau khi ăn xong, Như xin lại để mang về. Người viết cứ tưởng là Như mang về để bỏ vào các chậu cây làm phân hữu cơ, nhưng Như nói: “Cái này mình mang về cho mấy con rùa ở nhà ăn, và mình chỉ bỏ đi làm phân hữu cơ khi nào mà không thể dùng để làm gì được nữa”.
Cô gái này độc đáo thế đấy, cái gì cô ấy cũng có thể tận dụng để tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, vì điều mà Như sợ nhất là hao tốn tài nguyên và gây hại cho môi trường.
Những cách sống xanh độc đáo
Chia sẻ về những cách để sống xanh của mình, Như cho biết đầu tiên là giảm rác. Để giảm rác thì Như sẽ tự mang theo hộp để đựng thức ăn, dù là mua bánh mì Như vẫn đưa hộp cho người bán bỏ vào, nếu bánh mì dài quá không bỏ vừa thì cô nàng nói chủ quán cắt đôi bánh mì ra.
Rồi cô nàng tận dụng lại tất cả đồ nhựa để trồng cây. “Các bạn thấy đó, vấn đề thoát nước của cây trong văn phòng rất nan giải, nhiều người trồng cây mãi không sống được là vì ngoài thiếu sáng, thiếu phân, thì còn do thiếu nước, vậy thì để mấy món đồ nhựa lót ở dưới có thể giúp cây thoát nước tốt mà lại không làm dơ khu vực xung quanh, nước thoát ra từ chậu cây nằm hết ở khay nhựa. Những cái khay nhựa này mình cũng tận dụng từ những đồ đã dùng trước đó…”.
Đối với những rác hữu cơ (lá cây khô, lá úa, vỏ trái cây…) Như thường cắt nhỏ ra để cho vào đất. Còn túi ni lông thì Như giặt lại để dùng hết lần này đến lần khác, cứ dùng xong giặt sạch để tái sử dụng. Hay những chiếc muỗng, đôi đũa đã không thể tái sử dụng được nữa vì gãy thì Như lại tận dụng để làm bộ dụng cụ làm vườn độc đáo. Thế mới thấy mọi vật dụng qua tay cô gái yêu sống xanh này thì vòng đời sử dụng dường như dài vô tận.
Không những thế, Như còn có những cách tiết kiệm nước vô cùng độc đáo. Thường thì Như sẽ dùng nước rửa ly, rửa tay, lau bàn (loại nước không có xà phòng) để tưới cây. Cây trầu bà mà Như trồng thủy sinh thì cũng thường không thay nước mà chỉ đổ thêm nước vào, cho tới khi thấy có lăng quăng xuất hiện trong lọ nước thì cô nàng sẽ dùng nước đó để tưới vào những cây trồng trong chậu đất.
“Và ở trên mình cũng có nhắc đến việc sử dụng cái khay nhựa lót phía dưới chậu cây cũng là một cách để tận dụng lại nước, khi nước đọng ở dưới khay nhựa thì hôm sau mình sẽ dùng nước đó để tưới ngược lại cho cây. Đảm bảo không bao giờ bỏ một giọt nước nào khi vẫn còn dùng lại được. Còn đối với chậu khoai lang thì mình kê lên chậu cây lá lốt để cạnh cửa sổ, tưới khoai lang là nước nhiễu xuống chậu dưới luôn…”, Như kể.
Như cũng hài hước “bật mí” cách rửa ly, rửa chén để tiết kiệm nước: “Sau khi ăn xong mình gom tất cả chén, bát, ly, nồi nấu đi rửa. Những bước rửa của mình bắt đầu bằng việc tráng qua một xíu nước theo thứ tự: đổ nước vào ly rồi tráng nhanh nếu ly không dính dầu mỡ thì khỏi dùng xà phòng, nước từ ly sẽ đổ qua tráng tô/chén/bát rồi nước đó lại đổ tiếp qua cái nồi… Như vậy là một công đôi ba việc tiết kiệm được nước”.
Với Như cách sống này khiến cô thấy vui vẻ mỗi ngày và Như muốn truyền nguồn năng lượng tích cực ấy đến mọi người: “Ai chưa quen nếp sống này thì thấy phiền, chứ mình thì thấy vui vẻ yêu đời vì có thể tiết kiệm được nguồn tài nguyên và bảo vệ được môi trường sống của chúng ta.
Dù là những việc làm rất nhỏ hằng ngày nhưng mình luôn có niềm tin rất lớn là nhiều hành động nhỏ sẽ góp phần tạo nên những ý nghĩa lớn cho cuộc sống. Và mình cũng luôn tin là mình không lẻ loi trên hành trình này, vì hiện nay có rất nhiều bạn trẻ cũng đang mỗi ngày sống xanh và bằng nhiều cách thức khác nhau để lan tỏa lối sống xanh đến tất cả mọi người”.
Nguồn: Thanh niên