Có một cô gái suốt ngày lên Facebook lôi kéo mọi người cùng sống xanh. Mặc cho mọi người nói rảnh, nói bao đồng…, cô vẫn từng ngày làm những điều mình thấy đúng và có ích cho cuộc đời.
“Nhiều người nói mình rảnh, bao đồng, hàng nghìn tấn rác đấy, giảm mấy cái túi ni lông thì bõ bèn gì… Nói nhiều lắm nhưng mình chẳng bao giờ nản hay buồn. Mình thấy đúng, thấy có ích cho cuộc đời là mình làm thôi”, Cô gái sống xanh Dương Thùy Dung (23 tuổi, ngụ Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, chủ nhân dự án vì môi trường mang tên Làn, chia sẻ.
Từ một khủng hoảng thay đổi lý tưởng sống
Vào năm 2 đại học, một khủng hoảng nhỏ đã khiến Dung quyết định phải sắp xếp lại cuộc sống của mình.
“Lúc đó mình thấy cuộc sống của bản thân bề bộn quá, lúc nào cũng bận rộn, nhà thì nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, suy nghĩ cũng không ngăn nắp, không khoa học. Mình bỗng cảm thấy cần sắp xếp lại mọi thứ. Mình định hướng lối sống tối giản, dọn dẹp lại đồ đạc, các mối quan hệ, việc cần làm và cả suy nghĩ trong đầu nữa.
Và giảm rác thải cũng là việc mình bắt đầu đầu tiên. Do mình không thích bày bừa trong nhà nên không mang túi ni lông hay cốc nhựa dùng một lần về nữa. Thế là quen dần, mọi thứ bắt đầu từ đó và mình thấy cuộc sống tốt hơn mỗi ngày”, Dung kể.
Dung nhớ lúc đó được tặng một chiếc làn cỏ. Dung mang đi khắp nơi, mua gì cũng đựng hẳn vào đó và nhất quyết không dùng túi ni lông. Cô cũng mang chai nước cá nhân đi theo để không sử dụng đồ nhựa một lần.
Sau đó Dung tác động đến từng người xung quanh mình bằng những cách như không đến những chỗ trà chanh, trà sữa dùng cốc nhựa, rồi đi uống cà phê lúc nào cũng đòi muỗng và nhấn mạnh không dùng ống hút…
Ở nhà, Dung mua hộp nhựa cho bố mẹ trữ đồ, đi chợ thì Dung đi cùng mẹ để cứ xách giỏ làn đi chứ không lấy túi ni lông.
Sau khi ra trường, Dung quyết định nghỉ một năm để tìm được điều mình thật sự yêu thích. Thế là cô nàng mang 1.000 chiếc làn cỏ ở quê lên thành phố và lập dự án Làn.
“Ra trường mà không đi làm, thật sự bố mẹ mình không thích đâu, bảo ăn học các thứ đầy đủ mà lại thất nghiệp. Nhưng mình muốn tìm ra thứ mình thật sự yêu thích để theo đuổi nó. Với dự án Làn, bán làn thì ít mà mình lên mạng xã hội kể mấy chuyện nhỏ nhỏ, dễ nghe và dễ hiểu về lối sống xanh cho mọi người đọc vui rồi ngấm dần vào hành vi thì nhiều”, Dung chia sẻ.
Còn trẻ thì cứ làm thôi!
Với dự án Làn, Dung phát triển một trang Facebook xây dựng nội dung sống xanh gần gũi, với những câu chuyện rất “đời”, không đao to búa lớn, để mọi người dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, Dung còn phát triển sản phẩm làn cỏ đi chợ, đủ tiêu chí rẻ – bền – tiện như một phương án giúp mọi người sử dụng thay thế túi ni lông, cũng là để duy trì làng nghề làm làn truyền thống không bị mai một.
“Dự án Làn không cho tụi mình tiền để sống, nhưng làm Làn mình vui và học được nhiều thứ. Mình cũng đang nhận một vài công việc tự do để không bị áp lực về kinh tế và tiếp tục phát triển dự án vì môi trường này”, Dung bày tỏ.
Mấy hôm nay trên fanpage của Làn, mọi người đang xôn xao chia sẻ về giỏ đi chợ của mình. Đấy là cuộc thi mà Dung “rút ruột” tiền bán làn để làm quà tổ chức cho mọi người cùng chơi. Một cuộc thi vô cùng dễ thương với tên gọi “Giỏ của cậu có gì? – đi chợ không túi ni lông”. Ở đấy mọi người cùng nhau chia sẻ và kể chuyện đi chợ của mình như một cách thức lan tỏa thông điệp giảm thiểu túi ni lông.
“Mình nghĩ đi chợ cũng là hành vi rước nhiều túi ni lông về nhà nhất mà lại diễn ra hằng ngày. Trò chơi của mình nếu có 200 người tham gia, thì có cỡ đâu đấy vài chục nghìn người nhìn thấy thông điệp ấy. Không thay đổi hành vi ngay, nhưng sẽ lằn thêm một lần trong nếp nghĩ của họ, nhiều lần sẽ thành thói quen. Cũng là một cách để các bạn đang có thói quen tốt được nói lên tiếng nói của mình và được ghi nhận”, Dung lý giải về cuộc thi.
Mình nghĩ đi chợ cũng là hành vi rước nhiều túi ni lông về nhà nhất mà lại diễn ra hằng ngày. Trò chơi của mình nếu có 200 người tham gia, thì có cỡ đâu đấy vài chục nghìn người nhìn thấy thông điệp ấy. Không thay đổi hành vi ngay, nhưng sẽ lằn thêm một lần trong nếp nghĩ của họ, nhiều lần sẽ thành thói quen. Cũng là một cách để các bạn đang có thói quen tốt được nói lên tiếng nói của mình và được ghi nhận”, Dung lý giải về cuộc thi.
Cứ như thế, những trò chơi, những nội dung vô cùng dễ thương, gần gũi được lan tỏa mỗi giờ. Dù không đo được số lượng người đã thay đổi hành vi, nhưng Dung thấy được rất rõ những điều tích cực hằng ngày xung quanh mình.
Mọi người hay khoe với Dung giỏ đi chợ không dùng túi ni lông, mỗi lần như thế cô thấy hạnh phúc vô cùng.
Dung kể, cô có đứa bạn, ngày trước rất hay trêu Dung là nhà quê vì xách làn. Nhưng một ngày Dung sang nhà bạn chơi, thấy tủ lạnh nhà bạn toàn hộp để đựng đồ, không có túi ni lông nào cả, thấy ngoài ban công có một ít túi ni lông đã cũ xì và đang được phơi khô để dùng tiếp…
“Cá nhân mình nhỏ lắm, mỗi năm bớt chừng vài nghìn cái túi ni lông là vui rồi. Mình sẽ cố gắng lan tỏa điều này tới vài triệu người, như thế thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, cứ tích tiểu để thành đại, không biết được không nhưng mình còn trẻ nên mình cứ làm thôi”, Dung chia sẻ đầy tâm huyết.
Nguồn: Thanh niên