Trang chủ Tiêu dùng Hậu Covid-19, người tiêu dùng Việt mừng rỡ vì mua được trái...

Hậu Covid-19, người tiêu dùng Việt mừng rỡ vì mua được trái cây ngon, tiêu chuẩn xuất khẩu

22
0
Chia sẻ

Thời gian qua, người tiêu dùng Việt đã được hưởng những trái cây thanh long, dưa hấu, xoài thơm ngon với tiêu chuẩn xuất khẩu. Và trong thời gian tới, người tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục được thưởng thức nhiều trái cây thơm ngon của Việt Nam như trái vải thiều.

92% người tiêu dùng quan tâm đến hàng trong nước

Chị Kim Ngân (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, thời gian này đi siêu thị, chị thường mua được trái cây và nông sản rất ngon, vỏ bên ngoài thì bóng đẹp, thịt quả bên trong thì mọng nước. Trước đây, chị cũng hay mua hoa quả nhập khẩu về cho gia đình nhưng thời gian này, trái cây, hoả quả Việt trong siêu thị đều khá ngon nên chị tạm dừng không mua hoa quả nhập khẩu nữa.

Đồng quan điểm với chị Ngân, người tiêu dùng Như Quỳnh (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) hồ hởi chia sẻ, chị vừa mua được ít xoài rất ngon mà giá cả lại mềm, chỉ với 35.000 đồng/kg. Bình thường, nếu xoài to, quả dày thịt như thế này, chị phải mua với giá trên 50.000 đồng/kg.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) Trương Gia Bình, trước đây, người dân sử dụng thực phẩm nhập khẩu nhiều thì nay giảm do logistics bị đình trệ khắp nơi trên thế giới.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 3 tháng đầu năm 2020, ngành rau quả Việt Nam nhập khẩu là 294 triệu USD (giảm đến 29,8%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh nhất, lên tới 90%, kế đến là Trung Quốc (giảm 27,7%), Úc (giảm 18,5%).

Điều tra của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội cho thấy, 92% người dân Việt Nam khi được hỏi đã cho biết rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt và 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè chọn hàng Việt khi mua sắm. 

Thế nhưng, một thực thế, như người tiêu dùng Như Quỳnh chia sẻ thì: “Nhiều khi muốn mua ít trái cây Việt Nam để đi thăm hỏi người ốm mà cũng “đỏ mắt” không tìm được trái cây đẹp và ngon đâu. Hễ cứ đi biếu là mình xác định mua luôn hoa quả nhập khẩu, vừa có thương hiệu lại vừa mẫu mã đẹp, ăn ngon” – chị Quỳnh cho biết.

Hậu Covid-19, người tiêu dùng Việt mừng rỡ vì mua được trái cây ngon, tiêu chuẩn xuất khẩu - Ảnh 1.
Theo Tổng cục thống kê, GDP tăng thấp, các hoạt động thương mại dịch vụ kém sôi động nhưng doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 7,7%.

Doanh nghiệp Việt “hướng nội”

Trong quý I vừa qua, theo Tổng cục thống kê, GDP tăng thấp, các hoạt động thương mại dịch vụ kém sôi động nhưng doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 7,7%.

Có thể thấy, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân hoàn toàn là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp trong nước khai thác. Thế nhưng, có công bằng với người tiêu dùng Việt hay không khi mà các doanh nghiệp nông sản Việt lại luôn muốn hướng nội lực của mình ra thị trường xuất khẩu?

Thời gian qua, việc khai thác tốt thị trường trong nước đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt khó trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên diện rộng ở cả Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia nông nghiệp Lương Thị Hà cho rằng, thị trường nội địa là thị trường chung thuỷ và doanh nghiệp Việt đã quá coi trọng thị trường xuất khẩu trong thời gian qua. Dịch Covid-19 đã cho các doanh nghiệp một bài học, nếu tập trung quá nhiều vào thị trường xuất khẩu thì sẽ dẫn đến rủi ro như nông sản tồn đọng, không xuất khẩu được, hàng bị thối, hỏng, phải vứt bỏ…

“Hướng đến thị trường nội địa đầy tiềm năng là bước đi khôn ngoan và chiến lược trong thời điểm hiện tại” – đó là lời khuyên của bà Lương Thị Hà dành cho các doanh nghiệp nông sản thay vì vẫn đang loay hoay tìm cách xuất khẩu nông sản ra nước ngoài.

Thời gian qua, người tiêu dùng Việt đã được hưởng những trái cây thanh long, dưa hấu, xoài thơm ngon với tiêu chuẩn xuất khẩu. Và trong thời gian tới, bà Hà dự đoán, người tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục được thưởng thức nhiều trái cây thơm ngon của Việt Nam như trái vải thiều chẳng hạn.

Nguồn: Phụ nữ Việt Nam