Trang chủ Gia đình Hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng vọt

Hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng vọt

30
0
Chia sẻ

Nhiều hộ dân cho biết tiền điện tháng 4 tăng gấp đôi tháng trước, thậm chí có hộ kinh doanh đã tạm đóng cửa nhưng hoá đơn vẫn tăng mạnh.

Chị Tú ở quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết vừa nhận hoá đơn của kỳ tháng 4 có sản lượng điện tiêu thụ tăng gấp đôi so với kỳ trước, lên 412 kWh. 

Trong kỳ tháng 3, nhà chị có bà nội ở cùng, dùng hai máy lạnh. Nhưng từ giữa tháng 3 đến nay, bà nội về quê nên nhà chỉ dùng một máy lạnh, trong khi hai vợ chồng vẫn đi làm bình thường như tháng trước chứ không ở nhà nhiều. “Lượng điện dùng tháng 4 tăng gấp đôi tháng 3 là điều không bình thường, khó hiểu”, chị Tú nói.

Sau khi phản ánh với “nhà đèn”, chị nhận trả lời rằng “điện tăng sao thì ghi nhận thế”. Tuy nhiên, chị thấy không thuyết phục vì so với cùng kỳ năm ngoái, nắng nóng gay gắt, gia đình cũng chỉ tiêu thụ tổng 391 kWh với tổng hoá đơn là 852.626 đồng.

Hóa đơn tiền điện tháng 3,4 của gia đình chị Tú. Ảnh: NVCC.
Hóa đơn tiền điện tháng 3,4 của gia đình chị Tú. Ảnh: NVCC.


Cũng tăng hai lần so với tháng trước đó, gia đình anh Phú ở Bình Tân cho biết, tháng 4 lượng điện tiêu thụ lên tới 838 kWh với tổng tiền 2,19 triệu đồng (chưa gồm thuế). Anh cũng cho rằng đây là “bất thường” bởi trong kỳ tính tháng 4 hay tháng 3, mức độ sử dụng điện của gia đình không hề khác nhau. Hằng ngày, kể cả giai đoạn giãn cách xã hội này, ở nhà anh chỉ có hai con, còn vợ chồng anh buôn bán bên cửa hàng đến tối mới về. “Cơm nước gần như không nấu ở nhà vì tất cả đều ăn uống bên tiệm. Vậy sao số lượng điện năng tiêu thụ lại tăng gấp đôi tháng trước được”, anh nói.

Tương tự, gia đình chị Vân ở Nguyễn Kiệm trong kỳ tính hoá đơn tháng 4 điện năng tiêu thụ cũng tăng 1,45 lần so với kỳ trước, lên đến 784 kWh.

“Mọi sinh hoạt của nhà tôi đều bình thường, thậm chí giặt, ủi đồ ít hơn trước vì chỉ đi làm rồi ở nhà chứ không ra ngoài chơi. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên gọi đồ ăn giao đến chứ không nấu nướng gì, nhưng điện vẫn tăng đột biến”, chị chia sẻ.

Không chỉ các hộ ở TP HCM mà tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng gặp tình trạng này. Chị Nhung ở quận Cầu Giấy cho biết, nhà chỉ có 2 người mà lượng điện tháng 3, 4 lần lượt là 447 kWh và 530 kWh, tăng gấp đôi so với tháng 2. 

Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh cũng phản ánh điện tiêu thụ tăng cao dù giảm sử dụng, thậm chí đóng cửa.

Chị Nga, chủ Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ ở quận 10 (TP HCM) cho biết, tháng 4 phòng khám của chị phải đóng 3,4 triệu đồng, tăng 39% so với tháng 3 (2,4 triệu đồng). Theo chị Nga, nghịch lý ở đây là từ 8/3 đến tháng 4 phòng khám của chị đóng cửa do phòng Covid-19 nên không thể nào sản lượng và giá điện lại tăng cao như vậy.      

“Khi phản ánh thì điện lực trả lời là do ba tuần đầu công ty hoạt động nhiều nên tiền điện nhiều. Nếu phòng khám muốn thay điện kế khác để đo lượng điện tiêu thụ phải đợi sang tháng sau họ xuống kiểm tra mới được”, chị Nga kể.

Theo khách hàng này, việc giải thích như trên là không thỏa đáng vì họ giảm hoạt động và ngay cả tiền nước cũng giảm tới hai phần ba. Thay vì phải trả 1 triệu đồng tiền nước như tháng 3 thì tháng 4 chỉ phải thanh toán 300.000 đồng. 

Nhân viên điện lực làm việc tại Bình Dương. Ảnh: Thành Nguyễn.
Nhân viên điện lực làm việc tại Bình Dương. Ảnh: Thành Nguyễn.


Trước tình trạng này, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã yêu cầu các tổng công ty điện lực phúc tra độc lập trường hợp hoá đơn có chỉ số tăng trên 30%. Tuy nhiên, vị này cũng nhận định, tiền điện tăng trong kỳ hóa đơn tháng 4 là hiện tượng có tính quy luật thời tiết hằng năm.

Ở nhiều khu vực, nhất là phía Nam, tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng. Do đó, các hộ sử dụng điện sẽ dùng nhiều thiết bị làm mát nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. “Các thiết bị làm mát phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng càng khiến điện tốn nhiều hơn”, đại diện EVN giải thích.

Chưa kể, theo EVN, việc thực hiện “giãn cách xã hội”, học sinh và cả người lao động làm việc ở nhà… cũng là một trong những lý do điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước. EVN dẫn số liệu cho biết, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3 tăng gần 8,6% so với cùng kỳ, trong đó TP Hà Nội tăng 17%, TP HCM tăng 13%.           

Để kiểm soát chặt tình hình sử dụng điện, EVN đề nghị người dân tiết kiệm điện, tắt các thiết bị không sử dụng, không dùng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng, điều hoà nhiệt độ làm mát chỉ đặt từ 26 độ trở lên…. Đặc biệt, người dân nên tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên. 

Chia sẻ thêm, ông Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nêu một bất cập khác trong cách tính giá điện hiện nay, khiến hoá đơn của người dân có thể bị “đội” lên lâu nay. Đó là biểu giá điện bậc thang với 2 bậc đầu 0-50 kWh và 50-100 kWh không có sự khác biệt lớn. “Bước nhảy giữa các bậc thang giá điện như hiện hành chưa hợp lý, dẫn tới không tương ứng với hiện trạng dùng điện của người dân”, ông Long nói.

Phó chủ tịch Hội Điện lực cho rằng, cấp thiết phải sửa biểu giá điện bậc thang hiện nay. Theo ông, đề xuất phương án giá điện sinh hoạt chia 5 bậc Bộ Công Thương đang lấy ý kiến sẽ hợp lý hơn cách chia 6 bậc như giờ.

Chính phủ mới đây đã đồng ý giảm giá điện nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh nhưng chưa có quyết định và hướng dẫn cụ thể. Sau khi có hướng dẫn, giá điện sinh hoạt sẽ được giảm 10% ở các bậc thang 1-4 (dưới 300 kWh). Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ được giảm giá 10% các khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm. Việc giảm này sẽ được áp dụng từ kỳ ghi hoá đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7 tương ứng cho hoá đơn tiền điện tháng 4, 5 và 6. 

Nguồn: VnExpress