Trang chủ Sống Khắc kỷ (stoicism) là gì? Tại sao nó giúp bạn sống tốt...

Khắc kỷ (stoicism) là gì? Tại sao nó giúp bạn sống tốt hơn?

55
0
Chia sẻ

Với tốc độ truyền thông nhanh chóng của thời 4.0, ngày nào chúng ta cũng phải đối mặt với những tin buồn. Từ khủng bố, cháy rừng, ô nhiễm môi trường, tới cướp-giết-hiếp, làm sao để cân bằng nội tâm giữa vô vàn biến động của thế giới?

Thật ra bí quyết sống thanh thản trong cả thời loạn lẫn thời bình đã được khám phá bởi từ rất lâu rồi. Đó là stoicism – chủ nghĩa khắc kỷ.

1. Chủ nghĩa khắc kỷ là gì?

Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) là một trường phái triết học được khai sinh ở Athens khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên.

Sứ mệnh của chủ nghĩa khắc kỷ là rèn luyện tinh thần con người cứng rắn và bình tĩnh hơn khi đối mặt với những nỗi đau và áp lực trong cuộc sống.

Quan điểm của chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng, sở dĩ ta đau khổ là vì ta đã chọn sai cách trong việc nhận định các vấn đề. “Khắc kỷ” không có nghĩa là nghiêm ngặt hay khổ hạnh. Trái lại, chủ nghĩa này cho rằng để tiến tới hạnh phúc, chúng ta cần sống hòa hợp với bản chất con người và thế giới.

Sống khắc kỷ 1
Chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng để tiến tới hạnh phúc, chúng ta cần sống hòa hợp với bản chất con người và thế giới.

2. Góc nhìn mạch lạc cho một thế giới rối ren

Chủ nghĩa khắc kỷ khái quát cuộc sống làm 3 phần:

  • Những gì ta có thể kiểm soát (hành động và suy nghĩ của bản thân);
  • Những điều ta không thể kiểm soát (những yếu tố tự nhiên và hành động của người khác);
  • Những gì ta có thể kiểm soát một phần (những công việc có sự tham gia của người khác).

Lời khuyên của stoicism là hãy tập trung vào nhóm 1, phớt lờ nhóm 2, lên kế hoạch cho nhóm 3.

Một triết lý quan trọng của chủ nghĩa khắc kỷ là đừng cố kiểm soát những gì xảy đến với bạn, vì đơn giản là bạn không thể. Thay vào đó hãy kiểm soát phản ứng của mình trước những sự việc đó.

3. Chủ động đối mặt khủng hoảng

Có rất nhiều người nổi tiếng từng áp dụng và ca ngợi lối sống khắc kỷ. Nhưng nếu phải nhắc đến một tấm gương thực hành khắc kỷ tiêu biểu thì tôi muốn kể đến cựu thị trưởng Vancouver – Sam Sullivan.

Sam liệt tứ chi sau một tai nạn trượt tuyết thảm khốc năm 19 tuổi. Vì tai nạn đó, ông đã phải vật lộn với căn bệnh trầm cảm và ý muốn tự sát trong suốt 6 năm. Mãi cho đến khi ông tìm thấy chủ nghĩa khắc kỷ và áp dụng nó.

Từ đó, ông coi những khó khăn trong đời mình là cơ hội để rèn luyện bản thân.

Ông bắt đầu liên lạc với chuyên gia để rèn luyện lại cơ thể và tập những cử động đơn giản. Và ông thay đổi tâm thái, từ một nạn nhân bị động đến một người chủ động tìm kiếm thành công.

Sống khắc kỷ 2
Lối sống khắc kỷ giúp chúng ta tập chủ động đối mặt với thử thách.

4. Thay đổi cái nhìn về mất mát

Triết gia khắc kỷ Epictetus bị trộm lấy mất cái đèn kim loại trước nhà. Thay vì chửi mắng tên trộm, ông nhận thấy rằng mất một cái đèn không tổn hại quá nhiều đến ông, nhưng tên trộm thì đã phải đánh đổi phẩm cách con người cho việc trộm đồ. Vậy là hôm sau ông đi mua một cái đèn đất nung rẻ hơn, bỏ qua mọi chuyện.

Ông bà ta có một câu tương tự: của đi thay người. Bản thân tôi đã có dịp thực hành lời khuyên này khi bị trộm mất 200 nghìn đồng. Số tiền đó có lẽ không lớn với nhiều người, nhưng đối với một sinh viên chưa thể tự chủ kinh tế thì đó là một khoản tiền lớn.

Phản ứng đau khổ ban đầu là không tránh khỏi, nhưng sau đó tôi nghĩ rằng, việc buồn bã hoàn toàn không có ích gì trong tình huống này.

Nếu không thể vãn hồi được số tiền đó thì hãy xem đó là một bài học (mong không bao giờ lặp lại). Cách nghĩ đó đã khiến tâm trạng tôi nhẹ nhõm hơn nhiều.

Sống khắc kỷ 3
Một triết lý quan trọng của chủ nghĩa khắc kỷ là đừng cố kiểm soát những gì xảy đến với bạn, vì đơn giản là bạn không thể. Thay vào đó hãy kiểm soát phản ứng của mình trước những sự việc đó.

Những câu chuyện kể trên chỉ là số ít trong hằng hà sa số ứng dụng của chủ nghĩa khắc kỷ trong đời sống hiện đại. Điểm mấu chốt của tư duy khắc kỷ nằm ở cách nghĩ của bạn đối với những điều xảy ra hàng ngày.

Để chuyển đổi lối tư duy thông thường sang tư duy khắc kỷ là cả một chặng đường. Nhưng nếu bạn có đủ nỗ lực thì tôi nghĩ bạn sẽ không cần tự hỏi làm thế nào để hạnh phúc nữa.

Nguồn: Vietcetera