Những bộ lạc này ẩn mình ở những vùng xa xôi nhất. Họ là những tộc người có phong tục, cách ăn mặc và truyền thống vẫn còn rất lạc hậu.
Mặc dù ngày nay họ có thể chỉ mặc trang phục truyền thống hoặc sử dụng các phương pháp săn bắn cổ đại vào những dịp đặc biệt, nhưng không nghi ngờ gì khi những người trong những bức ảnh này vẫn sống rất gần gũi với lối sống xưa cũ của tổ tiên, khác xa với thời hiện đại.
Huli Wigmen, Papua New Guinea
Những chiếc mũ trông rất ấn tượng và hoành tráng của những người đàn ông trong bộ lạc này thực sự được làm từ tóc của chính họ. Đối với những người đàn ông trong bộ lạc 40.000 người biệt lập này, việc có thể “thu hoạch” tóc để sử dụng cho bản thân hoặc để bán cho người khác là điều rất đáng tự hào.
Họ kết hợp chiếc mũ tóc với gương mặt sơn màu vàng, những chiếc vòng cổ bằng móng vuốt, một chiếc tạp dề bằng lá…để đe dọa các bộ tộc đối thủ. Theo truyền thống, họ thường biểu diễn một điệu múa cổ điển, bắt chước các loài chim thiên đường được tìm thấy trên đảo.
Dogon, Mali, Tây Phi
Những người đàn ông của bộ tộc này thường sử dụng dây thừng làm bằng vỏ cây bao báp, leo lên các vách đá Bandiagara cheo leo để bắt chim bồ câu hoặc phân dơi để bán làm phân bón, đồ tạo tác Tellem hoặc bán cho các nhà sưu tập nghệ thuật phương Tây. Hơn 400.000 người sống trong khoảng 700 ngôi làng nhỏ nằm dọc suốt 200 km vách đá cheo leo.
Bộ lạc Chimbu, Papa New Guinea
Những điệu múa bộ xương của bộ tộc này xuất phát từ nguồn gốc để đe dọa các bộ lạc kẻ thù ở một quốc gia có nhiều tranh chấp về lãnh thổ. Họ ở xa đến mức ít ai biết về cuộc sống thực của bộ lạc nhưng thực tế họ đang sống trong một vùng khí hậu ôn hòa tại các thung lũng núi hiểm trở từ có độ cao từ 1.600 đến 2.400m, trong những ngôi nhà truyền thống biệt lập nam nữ.
Nenet, Bán đảo Yamal, Siberia
Bộ lạc gồm một nhóm khoảng 10.000 người du mục này có cuộc sống khá linh hoạt, họ thường di chuyển cùng 300.000 con tuần lộc trong chuyến di cư dài 1.100km quanh một khu vực rộng gấp rưỡi nước Pháp, trong điều kiện nhiệt độ xuống tới âm 50°C.
Người Nenet di chuyển trên những chiếc xe trượt tuyết được xức bằng máu tuần lộc mới giết mổ và những chiếc xe của đoàn người này có thể kéo dài tới 8 km. Mặc dù đã phát hiện ra trữ lượng dầu và khí đốt vào những năm 1970, nhưng người Nenet vẫn đang tập thích nghi với việc tăng cường tiếp xúc thế giới bên ngoài.
Asaro, Goroka, Papua New Guinea
Những người đàn ông trét đầy bùn đất này không nhắm đến việc chăm sóc cho một làn da hoàn hảo. Họ bôi bùn đất lên người vì tin rằng nó khiến họ trông giống như linh hồn và điều đó khiến các nhóm bản địa khác trong khu vực khiếp sợ. Đây là một trong nhiều nhóm người sống rải rác trên cao nguyên trong hơn một thiên niên kỷ, họ bị cô lập bởi địa hình khắc nghiệt và chỉ mới được phát hiện cách đây khoảng 75 năm.
Người Himba, Namibia, châu Phi
Là bộ lạc bán du mục, người Himba sống rải rác trên tây bắc Namibia và nam Angola. Khi được định cư họ sống trong các căn chòi được gọi là tipi, xây dựng bằng bùn và phân. Điều gây tò mò nhất là họ giữ một ngọn lửa của tổ tiên cháy 24h mỗi ngày để tỏ lòng tôn kính với vị thần Mukuru. Sự giàu có được đo lường phụ thuộc vào số gia súc và dê là loại thực phẩm thường xuyên có mặt trong bữa ăn của người Himba.
Thợ săn đại bàng vàng Kazakhstan, Bayan-Olgii, Mông Cổ
Bộ lạc này sử dụng đại bàng để săn cáo, chồn, sói và mặc quần áo là lông của những con mồi mà họ bắt được. Trong bộ lạc này, những cậu bé bắt đầu từ tuổi 13 là có thể chứng minh mình mang sức mạnh của một con đại bàng vàng. Là tộc người bán du mục, họ đã di chuyển quanh dãy núi Altai từ thế kỷ 19. Hiện bộ lạc có khoảng 100.000 người, nhưng chỉ còn khoảng 250 thợ săn đại bàng.
Bayaka Honey Gatherers, Rừng nhiệt đới Tây Nam, Cộng hòa Trung Phi
Sống bên cạnh “Jengi”, linh hồn của rừng, người Bayaka có kiến thức phong phú về thảo dược nhưng sử dụng ngôn ngữ và truyền thống săn bắn của riêng họ. Họ là một trong số các bộ lạc ở khu vực xa xôi của châu Phi với dân số nửa triệu người. Tuy nhiên, những người lớn tuổi hiện nay cho biết họ không thể dạy các kỹ năng truyền thống vì họ không thể đi sâu vào rừng được nữa.
Nguồn: Giao thông