Các nhà bán lẻ đã rất tích cực trong việc áp dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt, vừa tạo sự thoải mái, tiện lợi cho khách hàng vừa góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM – Saigon Co.op vừa kết hợp với Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank ra mắt phiếu mua hàng dưới hình thức Giftcard.
Mua sắm bằng thẻ quà tặng, không giới hạn số lần sử dụng
Đây là phiếu mua hàng dưới hình thức hoàn toàn mới: thẻ nhựa, nhỏ gọn, dễ bảo quản, mệnh giá phong phú 1.000.000 đồng, 2.000.000 đồng và 5.000.000 đồng; thời hạn sử dụng lên đến 6 tháng; rất thích hợp làm quà tặng đối tác, đồng nghiệp, người thân. Có thể dễ dàng mua thẻ Giftcard tại hơn 100 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên toàn quốc.
Thẻ có thể sử dụng rộng rãi tại gần 1.000 điểm bán như Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.op Smile, Cheers, Finelife… thuộc hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op trên cả nước có trang bị POS của ngân hàng Vietcombank. Khách hàng thanh toán bằng thẻ này không hạn chế số lần sử dụng trong ngày và được hưởng đầy đủ các quyền lợi như thanh toán bằng tiền mặt gồm mua hàng giảm giá khuyến mãi, tích điểm thưởng, xuất hóa đơn VAT…
Cầm trên tay thẻ Giftcard trị giá 5.000.000 đồng, chị Xuân Mai, nhân viên một công ty truyền thông trên địa bàn quận 1, hí hửng cho biết đây là quà 20-10 của “anh xã” tặng. “Ông xã biết tôi hay đi Co.opXtra ở quận 7 nên tặng Giftcard để tôi thích gì mua đó. Tôi thích dùng Giftcard vì tổng hóa đơn mua sắm cứ trừ dần vào thẻ, mua bao nhiêu trừ bấy nhiêu chứ không cần phải sử dụng hết số tiền trong thẻ trong 1 lần mua sắm” – chị Xuân Mai nói và cho biết cảm giác dùng thẻ Giftcard giống như dùng thẻ ngân hàng để thanh toán, cứ quẹt thẻ trừ tiền rồi nhận hàng, chỉ khác là thẻ này chỉ dùng để mua sắm trong siêu thị chứ không thể thanh toán khi mua sắm bên ngoài.
Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt
Theo đại diện Saigon Co.op, sự ra đời của thẻ quà tặng Giftcard lần này làm đa dạng hơn những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống siêu thị, cửa hàng trực thuộc như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Fine Fife…
Cụ thể, việc hợp tác với các đối tác ngân hàng, phát hành thẻ quà tặng là nỗ lực nhằm đạt mục tiêu trong vòng 4-5 năm tới tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Cheers… đạt 30%. Muốn vậy, cần có giải pháp quy hoạch tổng thể hệ thống chấp nhận POS, hệ thống chấp nhận thanh toán cũng như quy hoạch lại các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán không tiền mặt.
Từ nhiều năm nay, Saigon Co.op đã tích cực tuyên truyền, đưa vào phục vụ các công cụ thanh toán không tiền mặt như phiếu quà tặng, chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng, ví điện tử MoMo, quét mã QR code… “Đa dạng phương thức thanh toán, đặc biệt thanh toán không tiền mặt là mục tiêu mà Saigon Co.op luôn ưu tiên trong thời gian qua, tạo điều kiện cho khách hàng mua sắm tại hệ thống được nhanh chóng, an toàn và tiện lợi. Đặc biệt trong mùa dịch Covid-19, việc hạn chế tiếp xúc, tuân thủ giãn cách xã hội được chú trọng hơn, xu hướng thanh toán không tiền mặt càng được đẩy mạnh” – đại diện Saigon Co.op cho biết. Cũng theo vị đại diện này, đại bộ phận khách hàng của Saigon Co.op đã có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, trong năm 2020 này, Saigon Co.op đã cùng các đối tác triển khai hàng loạt dịch vụ, ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ như: thẻ quà tặng (voucher), thẻ trả trước (Prepaid Card)…
Cùng với việc phát triển, đưa vào sử dụng những công cụ thanh toán mới, nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam còn chủ động hợp tác với các đối tác thực hiện các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng chọn thanh toán không tiền mặt. Gần đây nhất, trong tháng 6, Saigon Co.op lần đầu tiên phối hợp cùng một số đối tác thực hiện chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” – bán vải thiều và gạo ST Xuân Hồng trên nền tảng công nghệ hiện đại của ví điện tử MoMo. Đây là bước thử nghiệm cho giải pháp về gian hàng điện tử mà vải thiều được xem là bước khởi đầu cho cách thức bán hàng mới mẻ này.
Chương trình đã nhận được sự quan tâm, tương tác tích cực từ khách hàng, mở ra cho đơn vị bán lẻ này sự mạnh dạn đầu tư hình thức mua hàng thanh toán không tiền mặt thời gian tới. Không những vậy, cách triển khai này góp phần quan trọng trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt, cũng như thiết thực giảm tải việc kiểm đếm cho nhân viên về tài chính lẫn bảo quản và vận chuyển tiền mặt.
Theo Ngân hàng Nhà nước, khi sử dụng thanh toán không tiền mặt thì cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều được hưởng nhiều lợi ích. Cụ thể, người tiêu dùng được khuyến mãi khi thanh toán, không phải mang theo tiền mặt; doanh nghiệp giảm khối lượng tiền mặt lưu thông, giúp quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, giảm bớt chi phí bảo quản tiền mặt…
Xu hướng tiêu dùng mới
Trong 2 đợt bùng phát dịch Covid-19, cùng với việc người tiêu dùng chủ động giảm tần suất mua sắm trực tiếp, tăng mua sắm trực tuyến/mua hàng qua điện thoại… thì những hình thức thanh toán ít tiếp xúc hoặc không tiếp xúc trực tiếp giữa người mua và người bán cũng gia tăng nhanh chóng. Thống kê sơ bộ của các hệ thống bán lẻ cho thấy trong thời gian dịch, số người lần đầu tiếp cận các phương thức thanh toán trực tiếp tăng nhanh, đặc biệt là người dùng lần đầu trải nghiệm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên nhiều kênh mua cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và chưa có vắc-xin phòng chống, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng và trở thành phương thức thanh toán chủ đạo trong tương lai không xa.
Vì vậy, phát triển thanh toán không tiền mặt cũng là cách các nhà bán lẻ đón đầu xu hướng, thích ứng trong điều kiện mới. Việc gia tăng các hình thức thanh toán như phiếu quà tặng, thẻ quà tặng… hay người dùng có thể thanh toán qua ví, qua thẻ tín dụng tại quầy thu ngân là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Nguồn: Người lao động