Nhiều người trẻ Trung Quốc nỗ lực kiếm tiền nhưng không hưởng thụ xa hoa mà chọn sống tối giản để tiết kiệm, hướng tới tự do tài chính.
Diệp Tử (32 tuổi) đang làm việc ở Thượng Hải (Trung Quốc). Cô nhận ra mình đã có 1 triệu nhân dân tệ vào buổi chiều một ngày làm việc cuối tháng 11/2020. Nhấc điện thoại và mở phần mềm chứng khoán như thường lệ, bỏ tiền tiết kiệm vào đó và cô thấy con số trong tài khoản là “1.000.567,480 nhân dân tệ”.
Diệp Tử thấy cảm xúc hỗn tạp, vừa hưng phấn và có chút sững sờ.
Đang có một công việc khá, lương cao ở thành phố Thượng Hải nhưng cô chọn sống đạm bạc, hạn chế ham muốn vật chất. Không phải cô chưa từng nghĩ đến việc có được 1 triệu tệ nhưng tốc độ đạt đến con số đó quá nhanh đã khiến Diệp Tử bất ngờ.
Theo The Paper, Không riêng Diệp Tử, tiết kiệm 1 triệu nhân dân tệ trở thành cột mốc phấn đấu đối với nhiều người trẻ Trung Quốc mong muốn đạt tới sự giàu có.
Theo “Bảng cân đối quốc gia Trung Quốc 2020” do Học viện Khoa học Xã hội đưa ra, tài sản bình quân đầu người của người dân nước này là 366.000 nhân dân tệ. Dù đây không phải con số quá cao, nó chứng minh mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến giá trị của tiền gửi tiết kiệm.
Không mua quần áo trong 2 năm
Thượng Hải được mệnh danh là Paris của phương Đông, với giá cả đắt đỏ, nhưng toàn bộ chi tiêu của Diệp Tử vào năm ngoái chỉ là 30.000 nhân dân tệ.
Để tiết kiệm tiền, cô dùng rất nhiều mẹo nhỏ như thuê một căn hộ vừa phải, không đặt đồ ăn ở ngoài mà tự nấu nướng, không mua quần áo trong suốt 2 năm. Cô nhớ lần cuối cùng đi sắm quần áo mới là hồi tháng 5/2019.
Ngay những ly cà phê của Diệp Tử cũng là tự làm thủ công. Cô không mua máy pha cà phê vì giá đắt, thay vào đó cô nàng mua túi hạt cà phê bột cùng túi lọc trên mạng, dùng đồ pha bình thường.
So với những ly cà phê ngoài quán có giá 20-30 nhân dân tệ, ly cà phê của Diệp Tử chỉ tốn 3 nhân dân tệ.
Động lực lớn nhất giúp Diệp Tử gắn bó với cuộc sống tối giản trong một thời gian dài đó là hướng tới được nghỉ hưu sớm, có nhiều thời gian dành cho bản thân.
Có người dùng thời gian kiếm tiền, có người kiếm tiền để đổi lấy thời gian, với Diệp Tử, cô chọn vế sau.
Tự tính toán lãi suất tiền gửi hàng năm như hiện tại cùng chi phí sinh hoạt thấp, cô tin mình có thể sống bằng tiền lãi mà không cần làm việc suốt nửa đời còn lại.
Diệp Tử bắt đầu tiết kiệm từ năm 2018. Trước đó, cuộc sống của cô không hề thanh đạm. Mức lương cao mỗi tháng từ khi mới ra trường cũng không đủ cho cô chạy theo các mẫu quần áo hàng hiệu, uống những ly cà phê Starbucks giá 30 tệ, nạp hàng nghìn tệ vào thẻ ở tiệm làm tóc…
Khi áp lực công việc tăng cao, cô càng mua sắm điên cuồng như cách tự thưởng cho bản thân. Khi đó cô nghĩ “phụ nữ thông minh phải biết đầu tư vào bản thân”.
Đến năm 2018, Diệp Tử xem được một bộ phim của Nhật Bản về lối sống tối giản và bị hấp dẫn bởi cuộc sống thư thái của nữ chính. Cô bắt đầu tích cực tiết kiệm tiền và sống đơn giản, vứt bỏ nhiều quần áo và dọn dẹp nhà cửa.
Bạn bè cô vẫn tiếp tục cuộc sống xa hoa, Diệp Tử nhận ra mình ngày càng khác họ. Hướng tới mục tiêu 1 triệu tệ, cô tiết kiệm phần lớn lương của mình.
Khi đạt được mục tiêu, cô hào hứng đăng lên mạng thông báo đã tiết kiệm được 1 triệu nhân dân tệ và không muốn đi làm nữa.
Tuy nhiên dưới bài đăng nhiều người khuyên Diệp Tử không nên nghỉ việc, bởi tâm lý của cô sẽ có sự thay đổi lớn. Có những người nói rằng “rồi cuộc sống thực tế sẽ ‘tát’ vào mặt khiến cô ấy tỉnh mộng”.
Một triệu nhân dân tệ là không đủ
Năm 2019, theo “Báo cáo tài sản toàn cầu” do Viện nghiên cứu Credit Suisse công bố, số lượng triệu phú USD ở Trung Quốc đã lên tới 4,4 triệu người.
Trước đây, những người sở hữu 1 triệu nhân dân tệ được xem là “triệu phú”, “người giàu”. Song thời nay khi số tỷ phú ngày càng nhiều, người ta không còn ấn tượng với các “triệu phú nhân dân tệ” nữa, bởi nó không giúp họ có cuộc sống sang chảnh hay mua một căn hộ đẳng cấp như xưa.
Trần Thiên cũng đã đạt đến mức tiết kiệm 1 triệu nhân dân tệ. Một lần cô kiểm kê lại tiền tiết kiệm và các khoản đầu tư rải rác với bạn trai, hai người bất ngờ khi đã có được số tiền mơ ước.
Khi Trần Thiên mới ra trường, gia đình cô nợ nần chồng chất, chưa đầy 7 năm sau, cô không chỉ giúp cha mẹ trả nợ mà còn mua được một căn nhà.
Trần Thiên hiện làm việc ở Bắc Kinh, quê nhà cô nằm ở thành phố nhỏ của tỉnh An Huy – nơi có chi phí thấp hơn. Vừa ra trường, cô đã biết gia đình đang mắc nợ một số tiền lớn, khi việc kinh doanh sụp đổ cộng với khoản nợ cho ca phẫu thuật của mẹ ít năm trước.
Cô không xin tiền cha mẹ từ khi đi thực tập năm cuối đại học. Cô thuê một căn nhà trọ rẻ. Lương sinh viên mới ra trường thấp nhưng cô cũng cố tiết kiệm để gửi về nhà 3.000-4.000 nhân dân tệ/tháng. Sau 2 năm, khoản nợ được trả hết.
Năm 2016, Trần Thiên và bạn trai chuyển đến Bắc Kinh và lương tăng gấp đôi.
Phương thức tiết kiệm của cô cũng rất đơn giản. Ngoài những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống, cô không mua sắm thêm. Hàng tháng, cô và bạn trai cùng ngồi lại để tính toán chi tiêu.
Song cô vẫn thấy có phần khó chịu với cuộc sống chi li như thế này. Cô hy vọng khi số tiền tiết kiệm đạt đến mức an toàn hơn, cô sẽ cân nhắc thêm các lựa chọn khác.
“Có vẻ sau khi vượt mốc 1 triệu nhân dân tệ, cuộc sống của tôi không có nhiều thay đổi. Đó chỉ là những bước đi từ từ. Tôi bối rối khi chẳng biết nên làm gì”.
Trần Thiên cho rằng nếu muốn hoàn toàn tự do tài chính, cô và bạn trai cần tiết kiệm được khoảng 3,8 triệu tệ để trả hết khoản vay, dùng 800.000 nhân dân tệ mua nhà, 2 triệu để đầu tư và quản lý tài chính, 1 triệu tệ để kinh doanh nhỏ.
Trần Thiên nói tự do và an toàn không thể chỉ dựa vào tiền gửi, và 1 triệu nhân dân tệ không thể là con số đủ.
Nguồn: Zing